Lộc biển

Làng chài Hồng Tiến như chiếc thuyền nan rách úp mặt nổi lên ven sông Hồng. Con sông quanh năm quện lên một màu phù sa đỏ quạch. Những mái nhà tranh nhấp nhô theo sóng nước thi thoảng khẽ chạm vào nhau lại dạt ra khi có cơn gió nhẹ từ biển vào trườn lên mặt con sông già nua, nhăm nhúm. Bình minh lênh láng từ mép sông ra tận cửa Ba Lạt mênh mang, tha thiết. Quang cảnh cứ y như Hà Bá rút hết phù sa sông Hồng mấy ngàn năm mà pha vào màu nước. Đầu mùa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về kèm theo cơ man nào là sản vật trên hành trình con sông chảy qua. Tầm 3, 4 giờ sáng, thủy triều lên cha con lão Mộc lục tục lên thuyền hòa vào đội thuyền của làng chài Hồng Tiến rẽ nước sông Hồng thẳng ra biển lớn.

Mấy chục năm nay ngư dân khắp vùng quanh cửa Ba Lạt rộ lên câu chuyện về loài cá sủ vàng, nhiều người gọi nó với cái tên vừa ngưỡng vọng vừa kinh sợ: “Cá thần”. Ai cũng mong một lần trong đời bắt được nó. Chỉ một con sủ vàng thôi cũng đủ làm họ đổi đời. Nhiều gia đình đã mua đất cất nhà trên bờ là nhờ trúng sủ vàng. Mới tháng trước thôi một ngư dân làng chài Tam Bảo bắt được một con bán gần tỉ bạc. Số tiền mà cả cuộc đời lao động vất vả không một ngư dân nào dám mơ tới.

Lão Mộc xưa nay được mọi người tung hô là “vua sủ vàng”. Ngày còn chiến tranh lão là thành viên của Hợp tác xã Bắc Hải, một trong những HTX đánh bắt hải sản lớn nhất miền Bắc. Nếu tính số sủ vàng lão bắt được cho HTX và cho riêng lão phải lên tới hàng ngàn con. Ngày trước, sủ vàng chưa mấy giá trị, nhưng mấy năm trở lại đây y học đã phát hiện ra trong bóng của loài cá này có chất gì đó có thể trị được bệnh ung thư nên giá trị của nó tăng vọt. Người dân Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây lùng mua gắt gao. Chính vì thế mà loài cá này ngày nay gần như tuyệt chủng.


Cửa Ba Lạt xưa nay được xem là mỏ sủ vàng nhưng hàng chục năm nay số cá đánh được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngư dân khắp nơi dồn về, dân trong đất liền mua sắm lưới thuyền ùa ra. Cửa Ba Lạt hình thành nên một xóm làng ngụ cư đông đúc, nhộn nhạo.


Gia đình lão Mộc có được cuộc sống tươm tất như ngày nay cũng nhờ con cá thần ấy. Vợ chồng lão sinh được chín người con. Tám đứa lập gia đình và lần lượt lên bờ là nhờ vào số sủ vàng mà hàng năm lão bắt được. Các cụ xưa có câu: “Ăn của Hà Bá bao nhiêu, Hà Bá đòi lại bấy nhiêu” nên lão biết và dự tính chỉ mong bắt thêm được con nữa để đưa thằng Út lên bờ cưới vợ, mua đất xây nhà là lão sẽ bỏ luôn nghề chài lưới. Cách đây đúng bảy năm vợ lão chết trong một trận lũ. Chính đêm trước đó lão tóm được con sủ vàng năm chục cân. Con cá đó đã đưa thằng con thứ tám của lão lên bờ và đổi lại là cái sinh mạng già nua ngót sáu chục tuổi đời của vợ lão.


Dăm bảy năm nay, ngay như vua sủ vàng Mộc cũng bất lực với lũ cá. Có thể sủ vàng ở cửa Ba Lạt đã tuyệt chủng nhưng trong lòng mỗi ngư dân đều lấp lóe tia hy vọng đổi đời nên hàng năm cứ tầm tháng bảy, tháng tám âm lịch khi lũ từ thượng nguồn tràn về thì tất cả thuyền bè khắp nơi đều dồn về đây. Sủ vàng là một loài cá khôn ranh chỉ sống ở nước ngọt, khi lũ tràn về chúng từ các cửa sông bơi theo dòng nước lũ ra cửa biển vui đùa và đẻ trứng. Hết mùa lũ chúng biến mất không một dấu vết. Không một ai biết chúng ẩn náu ở đâu.


Hàng ngày hai cha con lão Mộc cũng như bao ngư dân khác trong làng chài Hồng Tiến ra đi từ sáng sớm đến mãi tận tối mịt mới về. Sản phẩm trong một ngày tất bật là ít con cá vược, cá gúng và dăm bảy con cá lụ mong gở gạc xăng dầu. Dẫu vậy, ngay sáng sớm hôm sau tất cả vẫn xăm xắn lưới chài cùng con thuyền lướt ra biển. Trong họ luôn dấy lên một niềm tin, niềm tin mình sẽ là một trong số rất ít những người may mắn bắt được sủ vàng. Đó là những ngày biển lặng, còn những hôm biển động có mưa bão thì rất ít người dám ra khơi. Hà Bá cửa Ba Lạt cho đi biết bao con sủ vàng nhưng cũng đã đòi lại không ít sinh mạng của ngư dân.


Cửa Ba Lạt những ngày giông bão. Nước sông Hồng cuồn cuộn đổ ra biển. Thủy triều dâng ngập trời. Sóng biển dâng ngút mắt. Cảnh tượng giống như một trận đại hồng thủy được ghi trong sử sách. Ngư phủ của xóm chài ngụ cư nấp nênh nơi cửa sông Hồng rút lên đất liền trú bão. Những hôm mưa gió bịt bùng thế này dẫu ai có gan hùm hay mộng sủ vàng cháy bỏng đến mấy cũng co vòi ở nhà trùm trong chăn ấm. Riêng cha con lão Mộc vẫn một mình dong thuyền ra cửa biển.

Đêm hôm trước lão Mộc nằm mộng thấy thủy thần báo rằng, đúng giờ ngọ ngày rằm tháng bảy (tức ngày mai), lúc mưa gió ngút trời, thủy triều ngập mắt, đôi sủ vàng cuối cùng ở cửa Ba Lạt sẽ ra biển đẻ trứng... Mới mơ đến đó thì thằng Kim, con út của lão gọi dậy. Hai cha con xăm xắn lưới chài dong thuyền vượt bão mặc lời can ngăn của mọi người.


Cảnh tượng cửa Ba Lạt y hệt khung cảnh cách đây bảy năm về trước. Vợ lão cũng bị Hà Bá vời đi vào một hôm giông gió thế này. Từ đêm hôm trước, lão Mộc cứ chộn rộn, lão đinh ninh kiểu gì lão cũng sẽ tóm được con sủ vàng cuối cùng trong cuộc đời mình.


Chính ngọ, nước biển với trời hòa vào làm một. Phù sa sông Hồng nhòa đỏ cửa Ba Lạt. Nước biển như nước ở trong chậu thau mà đứa trẻ nhỏ nghịch ngợm quẫy đạp, bắn tung tóe khắp nơi. Có tiếng u u, chợn rợn vang lên từ đáy biển. Sắc mặt hai cha con lão Mộc căng thẳng, hồi hộp cực độ. Thằng Kim quăng lưới, thứ lưới chuyên dụng để bắt sủ vàng. Sợi dây chão nơi hai bàn tay thô ráp của cha con lão căng và rung lên như dây đàn. Gió và sóng như đang lên đỉnh cao âm nhạc trong một dàn hợp xướng. Bỗng, lấp lánh lên hai cái lưng con thoi ánh vàng ròng làm cha con lão lóa mắt. Lập tức lão Mộc cho thuyền rẽ sóng, tăng tốc. Thằng Kim từ từ khóa lưới. Thời gian ngưng đọng. Không gian câm lặng như cõi chết. Tấm lưới từ từ kéo lên mạn thuyền.


Không một âm thanh, tiếng động. Giống như Hà Bá đang cố hít một hơi thật dài, thật sâu để chuẩn bị thở ùa ra một hơi thở lớn, ùa ạt. Một đôi sủ vàng kêu òm ọp trong đáy lưới. Lớp vảy ánh lên như ánh vàng ròng. Cả cửa Ba Lạt, mặt nước lấp loáng như được dát vàng. Lão Mộc không tin được vào mắt mình nửa. Thằng Kim vả vào mặt mình xem đây là hiện thực hay là nó đang nằm mộng. Hai cha con miệng ú ớ kêu không thành tiếng. Một đực, một cái. Con cái tha cái bụng trứng thện lện, miệng cứ kêu òm ọp như lợn sắp đẻ. Vật vã mãi mới đưa được con đực lên khoang, chưa kịp đưa con cái lên thì giông bão lại bất ngờ ụp xuống. Mỗi lúc một dữ dằn hơn. Y như Hà Bá đang lên cơn thịnh nộ.


Lão Mộc bỗng rơi xuống biển và mất hút trong khi cố kéo lưới đưa con sủ vàng còn lại lên khoang. Thằng con bất lực nhìn bố cùng con sủ vàng cái rơi tõm một tiếng ghê rợn vào khoảng sâu hun hút. Mưa gió ngút trời. Mây đen ngút mắt. Trong mưa bão, thằng Kim nhìn thấy một cảnh tượng mà có lẽ trong suốt cuộc đời còn lại không khi nào nó còn được thấy. Lão Mộc nằm ngửa trên mặt nước, hai tay chắp ngực, bộ điệu an nhàn, thư thái. Con sủ vàng mẹ cùng một đàn hàng ngàn, hàng vạn con sủ vàng con bơi lội, nhảy múa xung quanh sắc vàng lai láng cả một vùng cửa Ba Lạt. Chúng bay lên lại rơi xuống mặt biển rào rạt như những trận mưa vàng ròng. Lão Mộc trôi đến đâu ánh vàng lan tới đó, xé toang màn mưa. Đàn cá sủ vàng như đám rước đẩy lão tiến ra biển lớn. Mặt biển trầm hùng, âm thanh u u, rờn rợn, mang mang, vô tận...


Ngay sáng sớm hôm sau, chín đứa con lão Mộc đẩy chiếc thuyền trên có hình nhân của lão cùng tất cả đồ lề, chài lưới tưới đẫm xăng dong thẳng ra cửa Ba Lạt. Tàn lửa tanh tách, phất phơ mặt nước chờn vờn cùng hàng trăm tờ tiền polyme mệnh giá lớn. Sau hôm đó, thằng Kim lên bờ cưới vợ, xây nhà, bỏ hẳn nghề chài lưới. Nhiều năm sau đó, cửa Ba Lạt trở lại khung cảnh thanh bình, yên ả như xưa. Không một ai biết gì về cái chết của lão Mộc, vua sủ vàng một thời cũng như không một ai hỏi chuyện về loài cá sủ vàng nửa. Dần dà loài cá thần này trở thành một huyền thoại u uẩn trong lòng của mỗi ngư dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN