Chuyện kể đêm Giáng sinh

Đêm Giáng sinh.

Không khí trở nên ấm ấp lạ thường. Truớc đó, không khí đột ngột giảm xuống còn 18 độ làm cả thành phố nhốn nháo do cái lạnh tê cóng đến thật bất ngờ. Quang đậu xe trước siêu thị để chờ vợ. Đáng ra công việc này đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, nhưng do cả hai vợ chồng bận đi công tác xa nên phải “chữa cháy” bằng buổi mua sắm muộn màng cuối năm này.

Minh họa: Trần Thắng


Truớc mặt anh là một đứa bé gái mặt mày còn non choẹt gầy còm xanh xao tuổi độ mười bảy, trạc tuổi con Quang, đang bồng một đưa trẻ khoãng vài tháng tuổi được quấn chặt trong chiếc khăn len bạc màu, cáu bẩn. Cái sinh linh nhỏ bé ấy vẫn say sưa ngủ vùi mặc tiếng còi xe bóp inh ỏi dọc theo đại lộ, mặc tiếng nhạc xập xình, ra rả điếc tai phát ra từ những chiếc loa to đùng ở cửa siêu thị, mặc cho cơn gió và hơi lạnh sương đêm giáng sinh đang bắt đầu phủ xuống cả hai mẹ con - Quang nghĩ vậy. Kéo nhẹ chiếc khắn len trùm lên đầu đứa nhỏ, cô bé bồng con tiến đến chìa xấp vé số mời một người tài xế trẻ sang trọng đang đậu xe ven đường.

- Mua dùm …con… đi chú, cho mẹ con ….con về sớm …. Con lạnh quá. Cô bé ấy khẩn khoản, van nài.

- Biến đi ngay, hứ, cái đồ con nít ham vui, búng ra sữa mà bày đặt có con. Đã vậy còn cà lăm nữa chứ, đáng kiếp, xéo đi.

Tiếng người thanh niên ăn vận bảnh bao phì phà thuốc lá sau khung của xe hơi quát lên ầm ĩ. Nhiều người hiếu kỳ xúm xít vây quanh rồi lập tức tản ra. Tiếng xuýt xoa tội nghiệp cũng có, tiếng nguyền rủa chế nhạo cũng có, và cũng có những cái lắc đầu ngao ngán không biết vì đồng cảm hay đồng tình. Bất chợt một bóng người đi nhanh tới nắm lấy cổ áo người thanh niên sang cả ấy và nói thật to:

- Là người lớn sao lại có thể ăn nói hồ đồ như vậy. Mẹ con nó khổ mới đi bán vé số kiếm ăn, mua hay không thì tùy, sao lại nói nặng người ta, nó nghèo nhưng trong sạch, còn hơn khối thằng bảnh bao, giàu có như mầy mà không ra gì, mầy hiểu chưa? Tao tuy già chạy xe ôm nhưng cũng dám “nện” cho mầy một trận nhớ đời, thằng khốn.

Có lẽ sự phẫn nộ lên đến tột cùng nên cái nắm cổ áo của người lao động tuổi độ trên năm mươi ấy quá chặt khiến người thanh niên ấy không làm sao gỡ ra được. Chỉ thấy sự hốt hoảng, vùng vẫy tuyệt vọng vì ngạt thở. Phải hơn hai phút sau, bảo vệ siêu thị mới tách hai người ra được.

Đám đông tan dần, hai mẹ con lại thất thểu tiếp tục việc mưu sinh trong nước mắt ràn rụa vì tủi hờn, vì uất ức. Người mẹ trẻ nấc liên tục dù đã cố kiềm chế cơn xúc động. Cái dáng liêu xiêu thảm hại ấy tiến dần về phía Quang.

- Mua vé số dùm con đi chú, con còn nhiều quá mà …mà…mà…

Nghe giọng mời Quang giật thót mình. Cái giọng nói ấy sao vừa lạ lại vừa quen, rất quen nữa là đàng khác. Nhất là cái lối nói ngọng nghịu cà lăm lại càng không thể lẫn vào đâu được.

- Em là Liên… Liên nhà ở xóm gò mã cuối sông phải không?. Quang hỏi nhanh, gấp gáp. Mà em ẳm con ai vậy?

- Dạ phải, Đây là con …của con,…mà ….sao chú… chú... biết. Đứa bé hốt hoảng trả lời.

Nói đoạn nó kéo chiếc nón vãi luôn phủ xùm xụp trước trán xuống và ngước mắt nhìn lên.

- Thầy, …thầy ... em…em…

Nói đến đó, nó hấp tấp ôm con bỏ đi vội vã. Lúng túng đến nỗi đánh rơi cái túi vải đựng tiền và mấy mươi tờ vé số bay tung tóe trên sân. Quang bỏ xe tiến đến nhặt hộ và xếp ngay ngắn những tờ giấy bạc vào chiếc túi vải. Riêng chồng vé số, Quang giữ lại trong tay mình và hỏi:

- Em còn bao nhiêu tờ ? Thầy mua hết để hai mẹ con về nhà cho sớm. Giáng sinh mà, kẻo đứa nhỏ bị lạnh tội nghiệp lắm. Mà sao em ra nông nỗi này? Hiện giờ em ở đâu?

Liên luống cuống trước hàng loạt câu hỏi của Quang đến nỗi không biết phải bắt đầu trả lời từ đâu. Sau giây phút trấn tĩnh, Liên kể chậm rãi về cơn sóng gió của đời mình vẫn bằng cái giọng điệu ngọng nghịu, cà lăm. Cha mất khi em vừa lên mười bốn tuổi, người mẹ suốt ngày chỉ tìm vui với những canh bạc đỏ đen, những con số đề hoang tưởng. Đã vậy còn trở thành nô lệ cho khói thuốc phù dung cần sa rồi ma túy. Táng tận lương tâm hơn cả là người đàn bà ấy còn đem bán Liên cho một bọn buôn người qua biên giới để đổi lấy số bạc mười triệu đồng sau khi đã bán luôn căn nhà đang ở. Cũng may là công an biên giới kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Liên được ông bà ngoại đón về nuôi dù hoàn cảnh rất khó khăn. Còn mẹ em nghe nói đã chết trong trại giam vì căn bệnh SiDa.

Cũng trong khoảng thời gian này, Liên được địa phương vận động đến học lớp học tình thương do Quang phụ trách. Tội nghiệp con bé lớn tuổi nhất lớp mà rất siêng học. Có những đêm mưa to gió lớn lớp học vắng tanh chỉ có hai thầy trò. Trong đôi mắt u buồn ấy thỉnh thoảng lại lóe lên những tia sáng rất lạ lùng, có lẽ Liên đang nghĩ về một tương lai tươi sáng khi mình lớn lên. Nhìn em ngồi nắn nót từng chữ viết, bần thần cắn răng vò đầu bứt tóc khi gặp phải một bài toán khó, Quang thấy vừa chạnh lòng, vừa chua xót vô ngần.

Học được hai năm, bỗng dưng Liên mất biệt. Cả lớp học tình thương xì xào bàn tán. Quang bồn chồn đi đứng không yên. Trách nhiệm người thầy, người cha, một con người với một con người cứ thổi vào suy nghĩ Quang những điều không may cho Liên đang xảy đến. Đêm ấy tan giờ lên lớp Quang hỏi thăm và tìm đến nhà Liên theo chỉ dẫn của bạn bè cùng lớp. Trời mưa. Mưa rất to. Con hẻm nhỏ ngoằn nghèo tối tăm lầy lội do đợt triều cường cuối năm. Xóm trọ này chưa có điện nên chỉ thấy lấp loáng ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn cầy, đèn dầu lập lòe qua các ô cửa xềnh xoàng. Hỏi mãi Quang mới gặp được người đàn bà chủ nhân khu nhà trọ rất béo phịch, đẩy đà, vàng vòng đeo đầy cổ và tay chân. Bà ta cho biết Liên và ông bà ngoại nửa đêm bỏ trốn đi nơi khác do không trả được tiền thuê phòng ba tháng qua. Bà chì chiết:

- Nghèo mà bày đặt đi học chữ nghĩa ban đêm, ban hôm, mạt kiếp còn chòi mòi trèo cao, hứ, tui mà gặp ở đâu tui kêu công an thộp cổ, đồ ăn giựt.

Quang bước tới phòng trọ nhà Liên trong tâm trạng bùi ngùi. Căn phòng ọp ẹp, thấp lè tè, không điện, không nuớc, che chắn bằng lá dừa tạm bợ mà mỗi tháng phải trả bốn trăm ngàn đồng. Ấy vậy mà bà ta còn kể lể giọng nhân nghĩa, giúp đỡ người nghèo khó. Qua khe cửa nhỏ Quang thấy chồng sách của Liên vẫn còn xếp thẳng thóm trên tấm ni lông cũ mèm dưới đất. Có lẽ quá vội vã trốn chạy nợ nhà nên Liên không kịp mang theo.

Thấm thoát mà gần hai năm Quang không gặp lại Liên. Giờ gặp nhau trong hoàn cảnh chua xót ngậm ngùi. Liên kể tiếp, bất hạnh chưa buông tha em như một nghiệp chướng đã vay từ kiếp trước. Một tên sở khanh hàng xóm nơi ở mới đã lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ em có thai rồi quất ngựa truy phong. Cả ba con người hai già một trẻ lại tìm nơi chốn khác náu nương vì tiếng đời mai mỉa. Nhiều lần Liên đã định tự tìm đến bà mụ vườn để phá thai vì mặc cảm không dám tới các bệnh viện. Nhưng cứ mỗi lần như vậy đứa bé trong bụng lại cứ chòi đạp mãnh liệt hơn bao giờ hết. Liên nghĩ nó có tội tình gì đâu, thôi cứ để liều một phen để khỏi phải mang tội giết người.

Đứa bé ra đời thật kháu khỉnh, bụ bẫm rất lạ lùng. Nhiều gia đình khá giả hiếm muộn biết chuyện đến thương lượng mua đứa bé làm con nuôi nhưng đều bị Liên từ chối. Mỗi ngày Liên đi bán vé số phải mang con theo vì ông bà ngoại đã già yếu. Gởi con vào nhà trẻ thì tốn tiền nhưng cái chính là Liên muốn có con luôn ở cạnh bên mình để thì thầm, nô đùa, sẻ chia niềm vui lẫn nỗi bất hạnh.

- Thôi …để em đi bán tiếp… hôm nào rảnh… rảnh… em ghé thăm thầy… Vẫn cái giọng cà lăm ngọng nghịu chân chất năm nào của Liên.

- Liên kìa, các bạn ơi…Một tốp trẻ trạc tuổi Liên từ bên kia đường ùa sang nhí nháo rôm rả. Đứa thì nắm tay, đưa thì lột nón, chải đầu lại cho Liên. Có đứa giành bồng em bé vừa khóc vì xúc động. Mặc. Thằng bé vẫn ngủ say, thỉnh thoảng lại cười chúm chím một mình.

- Tụi này biết chuyện, tìm Liên khắp nơi mà bạn cứ chuyển nhà trọ hoài, khó kiếm muốn chết, hôm nay phải đưa cả bọn về nhà nghe. Tụi này tìm được công việc tương đối sống được ở xí nghiệp may. Cả bọn quyết tâm tìm Liên để giúp đỡ của ít lòng nhiều, Liên nhận nghe. Tiếng con Thủy sang sảng.

Đến đây thì cả bọn mới nhận ra sự có mặt của Quang. Thầy trò lại tíu tít chuyện trò quên dần đêm giáng sinh đã vào rất sâu.

- Thầy đi cùng tụi em nghe thầy. Cả bọn khẩn khoản.

Siêu thị đã thông báo đến giờ đóng cửa. Vậy mà trên các nẻo đường người và xe mỗi ngày một đông hơn. Sự náo nhiệt tăng dần lên.

Hôm nay, trong căn nhà đại đoàn kết mới nhận, ông bà ngoại Liên thật hạnh phúc trong mùa giáng sinh. Ở bàn thờ nho nhỏ giữa nhà có đầy đủ bánh mứt và quà, tiền của phường đến tặng. Lũ nhỏ mỗi đứa bày ra quà tặng riêng của mình với nụ cười rạng rỡ. Liên lặng thinh đến bên cửa sổ tần ngần nhìn ra dòng kênh đang rực rỡ ánh đèn tỏa những tia sáng muôn màu xuống mặt nước.

Có lẽ sự bắt đầu của đời Liên thực sự từ đây. Cái quá khứ buồn sẽ phôi phai theo dòng thời gian. Cuộc đời vẫn còn thật đáng yêu và đáng sống đến dường nào. Nhìn con ngủ say mà lòng Liên nghe ấp áp lạ thường.

Đêm Giáng sinh cuối năm thật đẹp, hạnh phúc với Liên hơn bao giờ hết.

Song Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN