10:00 06/10/2011

Trường Lũy- rất gần danh hiệu di sản văn hóa thế giới

Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu Sean Doyle đề nghị nước ta sớm xây dựng dự án chi tiết để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Đầu tháng 3 vừa rồi, Bộ VH-TT&DL đã công nhận Trường Lũy là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Công trình đa chức năng nằm dọc tỉnh Quảng Ngãi và bắc Bình Định này được người Việt và người Hrê xây dựng cách đây gần 200 năm. Ngay sau đó, trong chuyến đi thăm Trường Lũy cuối tháng 3, Trưởng Phái đoàn Ủy ban châu Âu Sean Doyle đề nghị nước ta sớm xây dựng dự án chi tiết để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Bản thân ông cũng đưa ra cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi trên vai trò kết nối các nước thành viên châu Âu, tiếp tục nghiên cứu sâu, đầu tư du lịch cũng như tài chính để nâng tầm quốc tế của công trình kiến trúc độc đáo này.


Di sản của hai cộng đồng Việt- Hrê

Đã mười năm trôi qua từ khi TS Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp EFEO) đọc những dòng đầu tiên về Trường Lũy khi biên dịch, biên soạn một cuốn sách Hán Nôm. Lúc đó, cảm giác của ông là tò mò khôn tả. Nhưng cũng phải chờ tới bốn năm sau ông và nhà khảo cổ TS Nguyễn Tiến Đông mới có thể đến tận nơi, sờ tận tay những đoạn lũy vẫn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Giờ đây, Trường Lũy trong nghiên cứu càng lúc càng rõ dáng vóc của một di sản xuất sắc do hai cộng đồng người Việt và Hrê cùng tạo nên.

Còn đó mặc rêu phong

“Chúng tôi đã nhìn thấy những đoạn lũy bằng đá. Từng viên, từng viên xếp vô cùng vững chãi mặc cho thời gian và rêu phong. Và ngay lập tức, chúng tôi nghĩ đến quãng đường dài gắn bó với nó. Nếu đúng như sử sách, chắc chắn, đây sẽ là lũy lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, do thời gian, không phải đoạn lũy nào cũng còn nguyên vẹn. Cùng với sự mất đi của lũy, còn là sự mất đi của nhiều kiến thức dân tộc học, địa danh học nữa”, TS Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) và Viện Khảo cổ học Việt Nam đang khảo sát đoạn Trường Lũy tại Hành Dung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).
Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm-TTXVN


Xây dựng (năm 1819) theo lệnh của quan đầu triều Lê Văn Duyệt, Trường Lũy trải dài 113 km qua 8 huyện của tỉnh Quảng Ngãi, từ Trà Bồng phía bắc

GS Phan Huy Lê
Theo sử sách, người xây dựng Trường Lũy đầu tiên là Tướng Lê Văn Duyệt, sau đó là Tướng Nguyễn Tấn. Cả 2 người đều quê Quảng Ngãi. Như vậy, theo sử chép Trường Lũy chỉ xây dựng trong thời Gia Long - Minh Mạng. Mặc dù vậy, kết quả khai quật đã cho thấy các lũy này được xây dựng vào thế kỷ 17. Các mảnh gốm tìm được có xuất xứ từ nước ngoài, rồi có cả gốm sứ ở Quảng Ngãi, gốm Bát Tràng, gốm phía Bắc. Điều này cho chúng ta thấy lịch sử của Trường Lũy này không chỉ có dưới thời nhà Nguyễn. Lũy này có lịch sử lâu dài, là kết quả của sự xây đắp và tu bổ qua nhiều đời.

Cùng đi với các nhà khảo cổ học tới Quảng Ngãi, tôi thấy những đồn của lũy gần như trùng hoặc đi song song với một con đường giao thương cổ nối thượng với xuôi. Nói cách khác đó là con đường miền núi. Những con đường núi này ngày xưa đóng vai trò quan trọng trong giao thông. Bởi miền sông có rất nhiều sông, chảy dần xuống biển, lại không có cầu nên đường thường hình thành dọc theo ven biển. Như thế có thể thấy Trường Lũy trùng với con đường thông thương Bắc- Nam, đồng thời cũng là con đường chiến lược. Con đường này chạy từ Quảng Ngãi ra đến Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
 
Bản thân quân Tây Sơn khi từ Bình Định đánh ra giải phóng Thuận Hóa năm 1786, rồi tiến ra Bắc để thống nhất đất nước cũng đi theo con đường thượng đạo này. Cuộc hành quân theo đường thượng đạo của quân Tây Sơn đã gây bất ngờ cho quân Trịnh ở Thuận Hóa. Và không chỉ có thời Tây Sơn, kể cả trong các cuộc kháng chiến sau này, chúng ta cũng dựa vào con đường Trường Lũy này.

Có thể khẳng định Trường Lũy này có từ lâu đời, là con đường giao thông, giao thương mang tính chất văn hóa, xã hội và có thời mang tính chất quân sự. Trên cơ sở đó, rõ ràng đây là một di tích có giá trị hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, đây là Trường Lũy duy nhất dài tới 200km. So với các nước Đông Nam Á thì đây là trường lũy dài nhất.

PGS Tống Trung Tín

Tiếp tục công việc của những năm trước tại Trường Lũy, trong năm 2011, Trường Lũy tiếp tục trở thành “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ. Chính vì thế, một lần nữa, báo cáo kết quả khai quật, nghiên cứu tại Trường Lũy đã được chọn để trình bày trong phiên toàn thể của Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc 2011. Tại Quảng Ngãi, Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Ngãi vẫn tiếp tục tiến hành nghiên cứu, khảo sát Trường Lũy. Trong năm qua, đoàn đã đào 4 hố thám sát nhằm nghiên cứu cấu tạo các lớp đất đắp lũy. Kết quả cuộc khai quật đã cho thấy, ở từng khu vực, lũy có những đặc điểm riêng nhất định, có đoạn lũy đắp bằng đất, có đoạn xếp bằng đá, có đoạn đắp bằng đất kết hợp xếp đá bao bên ngoài. Các yếu tố môi trường của mỗi khu vực quyết định các giải pháp và hình thức kiến trúc ở từng địa phương của lũy.
 
Ông Christopher Young (Trưởng ban Tư vấn quốc tế - Hội đồng Di sản Anh):

Trường Lũy đã mở ra vận hội to lớn cho việc nghiên cứu, bảo tồn và ứng dụng bền vững di sản. Việc đề nghị công nhận di tích quốc gia không chỉ dành cho riêng Trường Lũy, mà còn bao gồm hành lang bảo vệ 500 mét về cả hai phía của lũy, thể hiện sự đầu tư to lớn của chính quyền địa phương cho cuộc bảo tồn di tích trong tương lai, cũng như bảo tồn phong cảnh văn hóa xinh đẹp và có giá trị xung quanh.

xuống đến Đức Phổ phía nam. Với hào sâu bao bọc, lũy chạy dọc theo chân dãy Trường Sơn, tạo nên vách chắn giữa vùng đồng bằng đông dân cư Việt và khu vực cao nguyên tập trung người dân tộc thiểu số Hrê.

“Khi thực hiện những điều tra xã hội học, dân tộc học, chúng tôi phát hiện ra rằng cho dù được xây dựng do mệnh lệnh của triều đình, lũy chính là thành tựu chung sức của cả hai cộng đồng Việt và Hrê. Giờ đây, nó còn đó, phần đắp đất, phần nề bằng đá khô, cao từ 1 đến 4 mét. Theo sử sách, vào năm 1876, lũy kéo dài thêm 14.4 km xuống phía nam, đến huyện An Lão và Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định. Tổng chiều dài của lũy là 127,4 km”, TS Đông cho biết.

Đường quan, chợ đường biên, nơi giao lưu văn hóa

Cũng theo TS Đông, không chỉ thực hiện chức năng vách chắn, Trường Lũy còn đóng vai trò đầu mối giao lưu. Các dòng chảy đan xen nhau tại khu vực này tạo ra nhiều cổng. Mỗi cổng là một điểm giao lưu giữa cư dân miền xuôi với cư dân miền núi. Ở những khu vực này, chợ diễn ra sôi động với các hoạt động thương mại đường biên, tại đây nông sản và lâm sản được trao đổi lấy muối, cồng chiêng, chum vại v.v..

Gần lũy đã xác định được 80 bảo/đồn (điểm thực hiện chức năng kiểm soát thuế và việc qua lại giữa hai vùng). Có nhiều bảo còn nguyên vẹn, một số đắp bằng đất và có hào gia cố, một số khác đắp đá với bờ thành cao chừng 2 tới 4 mét. Sử liệu cho thấy vào đầu thế kỷ mười chín, những bảo này có khoảng 1.150 quân triều đình canh giữ; vào những năm 1880, có thêm 3.357 lính bổ sung cho lực lượng Sơn phòng.

Cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam đang đào thám sát tại một "bảo- đồn trú" tại đèo Eo Gió đoạn Trường Luỹ tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm-TTXVN.


“Lũy còn đảm bảo giao lưu Bắc Nam. Xây dựng dọc theo con đường cổ hay “đường cái quan” nối kinh đô với các tỉnh phía Nam, bản thân lũy mang chức năng là một tuyến đường. Minh chứng khảo cổ cho thấy đường cái quan – cùng với các chợ và bảo – còn lâu đời hơn cả Trường Lũy”, TS Andrew Hardy khẳng định.

“Chúng tôi cũng tìm thấy nhiều hiện vật chứng tỏ các công trình tôn giáo đã được xây dựng để phục vụ người dân sống cả hai bên lũy. Các bảo và chợ đều gắn với hệ thống đền miếu (để thờ cúng Thánh Mẫu Thiên Y A Na và Thần Bạch Hổ). Người dân tìm đến các đền miếu này để cầu xin sự che chở cũng như bảo trợ cho các hoạt động trao đổi thương mại của họ”, TS Đông cho biết.

Chính vì thế, sau khi nghiên cứu cả quần thể di tích, nhóm nghiên cứu của hai ông đi đến kết luận: “Có thể thấy Trường Lũy mang cấu trúc đa chức năng, có tầm quan trọng trên tất cả các mặt quân sự, kinh tế, lãnh thổ và xã hội, thế nhưng ban đầu vốn được định để làm một biên giới phân chia riêng rẽ hai cộng đồng”.

Dự án nghiên cứu đa ngành

Tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học 2011, TS Đông cho biết: “Chúng tôi đã xác định phải nghiên cứu di tích với phương pháp liên, đa ngành. Những ngành học được sử dụng để nghiên cứu Trường Lũy có thể kể đến gồm: Sử học, dân tộc học, địa danh học. Nếu việc sử dụng kiến thức sử là dễ hiểu thì với hai cộng đồng người khác nhau, những hiểu biết dân tộc học giúp chúng tôi rất nhiều khi đánh giá lũy. Vì địa danh trên vùng núi thay đổi rất nhiều, nên chúng tôi đã phải mời vào dự án của mình nhiều chuyên gia xã hội học, nhân học... giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho nhóm”.
Chính vì thế, Trường Lũy là dự án nghiên cứu khoa học tập trung được quá nhiều các nhà khoa học của nhiều ngành trong và ngoài nước. Trong những chuyến đi đào tạo điền dã về miền Trung, sinh viên của dự án đã được nhiều chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau hướng dẫn, như Giáo sư Georges Condominas, Giáo sư Đặng Phong, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Tiến sỹ Nguyễn Giang Hải, nhà văn hóa Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kự, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Tống Trung Tín, Giáo sư Trần Đức Cường, Tiến sỹ Trần Hồng Liên, Trần Thùy Diễm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (TP.HCM), Giáo sư Patrizia Zolese (Champasak, Lào).

Ở Quảng Ngãi, các thành viên của dự án được Ngarive, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Hồng Khánh, Nguyễn Kim Sơn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Federico Barocco và Tiến sỹ Steve Leisz cung cấp phần huấn luyện về các phương pháp khảo cổ học và bản đồ học.
Dự án nghiên cứu này còn mời những chuyên gia từ nước khác như Hội đồng di sản Anh, các nhà khảo cổ Italia, Pháp khai quật, tư vấn về môi trường, phát triển lũy.

Tấm bản đồ chính xác vừa hoàn thành

- Năm 2001, trong quá trình dịch cuốn sách Đồng Khánh Địa Dư Chí (biên soạn năm 1885-1888, EFEO và Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 2003), hai nhà sử học Andrew Hardy và Philippe Papin được biết có một bức lũy dài nằm trên địa phận tỉnh Quảng Ngãi. - Năm 2005, Andrew Hardy và nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông đã đến Quảng Ngãi và tìm thấy những đoạn lũy lớn vẫn còn tồn tại. Các nhà sử học và người dân địa phương biết đến lũy, nhưng toàn công chúng rộng rãi thì không.

- Từ năm 2005, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã cộng tác với Viện Khảo cổ học Việt Nam (trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tiến hành nghiên cứu liên ngành về lũy, kết hợp đồng bộ các phương pháp lịch sử, khảo cổ, nhân học, địa lý, đồng thời tổ chức đào tạo cho các sinh viên Việt Nam và châu Âu. Đồng chỉ huy dự án nghiên cứu là Andrew Hardy (EFEO) và Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học). Dự án được Quỹ Ford, Cơ quan Phát triển Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp, và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tài trợ.

- Từ 2009 đến 2011, dự án đã thực hiện khai quật khảo cổ trên các điểm di tích tại các xã Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành), và thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng).

TS Đông cũng cho biết, nhóm nghiên cứu của ông bước đầu đã hoàn thành bản đồ chi tiết về Trường Lũy. Bản đồ được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát GPS (2007-2010) về lũy và các bảo. Từ cơ sở này chuyên gia của Đại học Colorado (Mỹ) là Steve Leisz đã vẽ một bản đồ chi tiết.

“Trong hai năm liền chúng tôi đi Trường Lũy để đánh mốc định vị cứ. Cứ 100 mét chúng tôi đánh một điểm, thậm chí có nơi chỉ hơn chục mét cũng đánh dấu một điểm. Do vậy, chúng tôi đảm bảo sự chính xác của lũy trên thực địa”, TS Đông cho biết. Ngoài ra việc vẽ bản đồ cũng dựa trên những bản đồ cổ.

“Sau khi xác định trên bản đồ bằng GPS, điểm cực Bắc ở Trà Bồng, đến cực Nam ở An Lão- Bình Định thì lũy dài 127,4 km trong đó có 113km nằm ở Quảng Ngãi. Từ Trà Bồng đến Đức Phổ qua những địa hình khác nhau với chất liệu xây cất bằng đá và đất. Có đoạn toàn bằng đá, có đoạn toàn bằng đất, có đoạn bằng đá lõi đất... xếp áo đá ở ngoài. Cũng có những nơi, lũy là một khoảng trống. Đó là những nơi vực rất sâu, vách đá rất hiểm trở nên không thể xây lũy”.


“Chúng tôi nghĩ để nghiên cứu Trường Lũy mới được trên tỉnh Quảng Ngãi. Còn trên đất Bình Định sẽ có kế hoạch tiếp theo, và mới chỉ khảo sát. Với Quảng Ngãi là vận hội lớn để cải thiện đời sống nếu đưa vào công tác du lịch. Vừa rồi có sự tham góp của Cộng đồng châu Âu. Phát huy Trường Lũy thực sự mới chỉ là bước đi đầu tiên còn bỏ ngỏ. Mặc dù vậy, với những gì đã nghiên cứu, tôi nghĩ Quảng Ngãi hoàn toàn có thể đề cử Trường Lũy thành Di sản Văn hóa Thế giới”, TS Đông kết luận.

Cầm Trang