10:07 07/10/2014

Trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola ngoài 'vùng dịch' Tây Phi

Một y tá Tây Ban Nha đã có phản ứng dương tính với virus Ebola sau khi tham gia điều trị cho bệnh nhân trở về từ Sierra Leone. Đây là trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus chết người này ở bên ngoài "vùng dịch" Tây Phi.

Một y tá Tây Ban Nha đã có phản ứng dương tính với virus Ebola sau khi tham gia điều trị cho bệnh nhân trở về từ Sierra Leone. Đây là trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus chết người này ở bên ngoài "vùng dịch" Tây Phi.

Nhân viên y tế khử trùng sau khi chuyển thi thể nạn nhân của dịch Ebola tại thủ đô Monrovia, Liberia. Ảnh: AFP-TTXVN


Giới chức y tế Tây Ban Nha cho biết y tá nói trên đã tham gia nhóm y, bác sĩ điều trị cho nhà truyền giáo 69 tuổi người Tây Ban Nha Manuel Garcia Viejo nhiễm virus Ebola tại Sierra Leone và được đưa về nước.

Ông Viejo đã tử vong hôm 25/9, sau 4 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Carlos III ở thủ đô Madrid. Theo lời Bộ trưởng Y tế Ana Mato, y tá nói trên nhập viện ngày 6/10 với triệu chứng sốt cao và hai xét nghiệm sau đó cho thấy người này có phản ứng dương tính với virus Ebola.

Trong tháng 8, một nhà truyền giáo 75 tuổi người Tây Ban Nha khác, ông Miguel Pajares, đã tử vong tại Madrid sau khi được đưa về từ Liberia 5 ngày trước đó. Đây là bệnh nhân đầu tiên trong đợt bùng phát mạnh dịch Ebola lần này được đưa tới châu Âu để điều trị.

Việc đưa nhà truyền giáo này về Madrid đã làm dấy lên những lo ngại trong giới y tế Tây Ban Nha rằng các bệnh viện ở nước này không được trang bị đủ tốt để đối phó với dịch Ebola.

Amyts - một liên minh đại diện quyền lợi các thầy thuốc - cho rằng đây là việc làm rất rủi ro và có nguy cơ làm phát tán virus Ebola tại châu Âu. Ông Daniel Bernabeu, Chủ tịch liên minh này so sánh rằng nếu như Mỹ có 10 bệnh viện với mức độ an toàn sinh học cao nhất thì Tây Ban Nha chỉ có một mà với chất lượng kém hơn rất nhiều.

*Mỹ siết chặt an ninh y tế tại các sân bay nhằm ngăn chặn dịch Ebola

Ngày 6/10, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thảo luận việc tăng cường các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ lây lan của virus Ebola, sau khi đã có ít nhất 6 người Mỹ bị lây nhiễm loại virus chết người này.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama đã triệu tập phiên họp đặc biệt tại Nhà Trắng với các quan chức chóp bu về an ninh y tế, an ninh quốc gia và an ninh nội địa để bàn thảo các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus Ebola trên lãnh thổ nước Mỹ.

Bệnh viện Trường Đại học Howard, nơi tiếp nhận ca nghi nhiễm Ebola tại thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama và các quan chức an ninh Nhà Trắng đã thảo luận đề xuất tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh y tế tại các sân bay, soi chụp kỹ du khách đến từ các quốc gia châu Phi, nơi bùng phát dịch Ebola từ tháng 3/2014 đã cướp đi sinh mạng của 3.439 người trong tổng số số 7.200 người lây nhiễm.

Với biện pháp này, du khách từ các quốc gia Ebola đang hoành hành sẽ được đề nghị trả lời các câu hỏi liên quan tới triệu chứng nhiễm virus Ebola như sốt, nôn mửa hoặc đã có tiếp xúc với những người bị nhiễm Ebola. Biện pháp quan trọng thứ hai cũng được thảo luận là ban hành một lệnh cấm, không cho công dân các nước Tây Phi, nơi bị tác động mạnh nhất của dịch Ebola, ra vào Mỹ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng biện pháp này có nguy cơ làm chậm hoặc gây trở ngại cho cuộc chiến chống Ebola.

Giới chức Nhà Trắng cho biết cuộc họp của nhóm an ninh Nhà Trắng diễn ra sau khi một người Mỹ ở bang Texas bị phát hiện nhiễm virus Ebola cách đây một tuần và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 6/10, phóng viên ảnh Ashoka Mukpo thuộc kênh truyền hình NBC News bị nhiễm virus Ebola đã trở về Mỹ để điều trị. Ông Ashoka Mukpo trở thành người Mỹ thứ 5 được chẩn đoán nhiễm virus Ebola. Hiện có hàng chục người Mỹ khác cũng nằm trong diện được theo dõi, nhưng chưa phát hiện ai trong số đó bị nhiễm virus Ebola.


TN