06:22 24/06/2015

Trường chất lượng cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Sau 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống trường chất lượng cao theo Nghị quyết 15 về đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng trên địa bàn giáo dục Thủ đô, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định;

Sau 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống trường chất lượng cao theo Nghị quyết 15 về đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng trên địa bàn giáo dục Thủ đô, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, cũng còn rất nhiều băn khoăn xung quanh việc triển khai mô hình giáo dục này.

Vẫn còn lúng túng

Chuyển biến dễ nhận thấy nhất trong việc triển khai hệ thống trường chất lượng cao là trong lĩnh vực giáo dục mầm non, bởi đây là lĩnh vực cần đầu tư nhiều về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Theo bà Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng trường mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm), một trong những trường triển khai mô hình chất lượng cao, thì “mặt được” lớn nhất của trường sau 2 năm là sự thay đổi về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của trẻ theo mô hình trường chất lượng cao. 

Khu “chợ quê” được đầu tư theo mô hình trường chất lượng cao đã mang lại hiệu quả giáo dục cho Trường Mầm non 20-10.


“Từ nguồn ngân sách của quận đầu tư, trong hai năm 2014 - 2015, trường đã tiến hành cải tạo toàn bộ hệ thống trường và năm 2015 thì triển khai dự án xây dựng khu nhà thể chất đa năng 4 tầng và bếp ăn hiện đại; cải tạo khu bếp ăn cũ thành các phòng chức năng… tổng kinh phí là 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tự đầu tư 2,6 tỷ đồng để cải tạo sửa chữa 600 m2 khu vực sân sau thành khu vui chơi liên hoàn, khu chơi cát nước, khu dân gian chợ quê; đồng thời trang bị các dụng cụ luyện tập thể thao cho trẻ được lắp đặt tại các sảnh hành lang lớn khu lớp học…”, bà Trần Thị Hòa cho biết.

Còn với trường mầm non Mai Dịch (quận Cầu Giấy), trong 2 năm qua, trường cũng đã được quận đầu tư 2 tỷ đồng để cải tạo sân chơi, phòng vệ sinh của trẻ theo mô hình của Australia, hệ thống đường điện trong tường… với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Đồng thời, năm học 2015, trường xây mới 1 đơn nguyên gồm 3 lớp học, 3 phòng chức năng, cải tạo toàn bộ hệ thống sân vườn với kinh phí 15 tỷ đồng. “Từ sự thay đổi về cơ sở vật chất này, hiện nay trường đã có điều kiện áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến từ các trường quốc tế UNIS, Thụy Điển giúp trẻ phát triển toàn diện về trí lực, năng động tự tin và thích ứng với môi trường”, đại diện trường mầm non Mai Dịch cho biết.

Với trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, “mặt được” mà ban giám hiệu trường ghi nhận chính là sự chuyển biến trong chất lượng đội ngũ giáo viên. “Đội ngũ giáo viên của trường được trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục nên đã vững vàng, chủ động và linh hoạt hơn trong việc triển khai các hoạt động giảng dạy, giáo dục trẻ”.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội: “Quan trọng nhất trong việc triển khai mô hình chất lượng cao là phải tạo ra sự khác biệt giữa trường chất lượng cao và trường thường; từ đó sẽ khẳng định được mô hình này có hiệu quả hay không”.

Bên cạnh những mặt được này, theo đại diện các trường, cũng còn rất nhiều khó khăn, tồn tại . Cụ thể, do mức học phí cao nên tính “phổ cập” của trường còn hạn chế, chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia học tập, đồng thời chưa nhận được sự ủng hộ từ xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng “chưa yên tâm công tác” do mức lương vẫn thấp so với các trường ngoài công lập.

Bà Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 cho biết: “Là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình trường mầm non chất lượng cao, chưa có hình mẫu để học tập, nên có nhiều khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, học phí tăng cao trong khi đời sống xã hội còn nhiều khó khăn nên ít nhiều nhà trường bị áp lực từ phía phụ huynh, cộng đồng và xã hội. Và với mức học phí 3,2 triệu đồng/trẻ/tháng và ngân sách cấp hơn 8 tỷ đồng trong năm 2014 - 2015, nhà trường chỉ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ đồng cho năm học tới. Do đó, nếu năm 2016 nhà trường không được cấp ngân sách hỗ trợ thì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc chi trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên”. Đây cũng là thực trạng chung của những trường được thí điểm trong hai năm qua như Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm).

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Năm 2013, khi Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm trường công lập tự chủ chất lượng cao đã có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng có nhiều ý kiến phản đối, bởi coi lĩnh vực “chất lượng cao” chỉ là lĩnh vực “hẹp” trong giáo dục, chỉ nên triển khai trong các trường quốc tế, các trường tư thục.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: “Mô hình các trường tự chủ chất lượng cao đang triển khai chính là thí điểm để từ đó tìm ra “công thức” cho mô hình này trong tương lai. Xu hướng của giáo dục hiện đại là sẽ có rất nhiều mô hình trường tự chủ chất lượng cao, với nhiều cấp độ, cả ở công lập lẫn tư thục và phải cạnh tranh được với các trường quốc tế”.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, từ việc triển khai thí điểm này, có thể sẽ xây dựng được những chương trình giáo dục của Việt Nam, nhưng cập nhật với chương trình giáo dục quốc tế; đồng thời xây dựng được những kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy. “Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm của các trường chất lượng cao trong việc phải gắn với quyền lợi, thu nhập của nhà giáo với chất lượng giáo dục cao mà họ đóng góp, sẽ là động lực lớn để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Khi đó, chắc chắn học sinh sẽ không còn phải khổ sở vì nạn học thêm, dạy thêm”, TS Lâm khẳng định.
Lê Vân - Phạm Thị Na