09:23 09/09/2011

Trung thu này, về làng Báo Đáp ngắm đèn ông sao...

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 13 km, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao truyền thống. Những ngày này, cả làng Báo Đáp giống như ngày hội.

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 13 km, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao truyền thống. Những ngày này, cả làng Báo Đáp giống như ngày hội. Từ sáng tinh mơ, đường làng đã rộn rã tiếng nói cười xen lẫn tiếng động cơ nổ ầm ầm của đoàn ô tô vào "ăn hàng". Đây là thời điểm mà hàng trăm gia đình làm đèn vào vụ "thu hoạch".

Làng Báo Đáp có hàng trăm gia đình làm đèn trung thu. Bắt đầu từ trước dịp trăng rằm 2 tháng, các nghệ nhân đã rục rịch khâu lắp ráp và trang trí cho đèn.


Theo ông Vũ Văn Kháng, một trong những hộ làm đèn lớn nhất Báo Đáp cho biết: Nghề làm đèn ông sao là nghề truyền thống ở đây từ lâu đời. Năm 1967 - 1968, hợp tác xã đứng ra quản lý, tổ chức các xã viên sản xuất và giới thiệu sản phẩm. Đến năm 1973 - 1974, tuy không còn ai quản lý, nhưng nghề vẫn tồn tại với một số xã viên, trong đó có gia đình ông, rồi lan rộng ra nhiều hộ khác. Cả làng có khoảng 1.000 hộ, thì có tới hơn 300 hộ chuyên làm đèn ông sao.

Từ tháng 7 âm lịch, ở làng Báo Đáp, đèn ông sao đã xếp từng chồng ở khắp mọi nơi trong nhà, ngoài ngõ. Ước tính năm nay Báo Đáp sẽ cung ứng cho thị trường gần 2 triệu chiếc đèn Trung thu bao gồm loại đẹp bán tại nơi sản xuất với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/chiếc, loại bình dân bán với giá từ 2.000 - 3.000 đồng.

Cơ sở của bà Nguyễn Thị Bông (xóm 4) đến thời điểm này xuất xưởng gần 2 vạn đèn, ít hơn mọi năm 1 vạn chiếc. Bà Bông cho rằng: "Năm nay chi phí nguyên vật liệu cao hơn tới gần 30%, lại thêm đèn Trung Quốc cạnh tranh nên cũng khó khăn. Tuy nhiên gia đình tôi vẫn làm vì là nghề truyền thống...".
Đèn ông sao được sản xuất ở Báo Đáp hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa, cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kính lên và cuối cùng là công đoạn vẽ. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của người nghệ nhân. Đèn sau khi dán, viền cánh xong thì dùng một thanh tre chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra, bó thành từng cọc 100 chiếc để tiện cho việc xuất bán.

Mấy năm gần đây, người ta e ngại cho đèn ông sao vì mẫu mã đơn giản, làm thủ công sẽ khó cạnh tranh với các loại đồ chơi ngoại trên thị trường. Hơn nữa trẻ em những năm 50 với trẻ em những năm đầu thế kỷ XXI có những khác biệt quá xa. Nếu các loại đồ chơi bằng vật liệu tre nứa lá ngày xưa vẫn hấp dẫn được trẻ em trên dưới 10 tuổi thì nay nó chỉ còn phù hợp với trẻ em độ 4-5 tuổi. Tuy nhiên, các hộ dân làng Báo Đáp vẫn tỏ ra lạc quan bởi họ cho rằng đồ chơi ngoại có ưu điểm là nhiều chức năng nhưng giá thành cao, trẻ em ở nông thôn khó có điều kiện mua được. Trong khi đó, đèn ông sao làm thủ công có giá rẻ nên có thể đến tay nhiều đối tượng khác nhau. "Sản phẩm của làng làm ra khoảng 2 triệu chiếc nhưng năm nào cũng cháy hàng" - ông Vũ Văn Kháng khẳng định.

Để đèn ông sao tiếp tục là những vật thiêng trong tâm trí của trẻ thơ mỗi dịp thu về, nhiều hộ dân Báo Đáp đang "chuyển hướng" kinh doanh, tìm cách đưa đèn đến gần hơn với trẻ em nông thôn. Bà Nguyễn Thị Hải (xóm 3), một trong những hộ làm đèn lâu năm trong làng cho biết: Năm nay gia đình bà chủ yếu làm "hàng" phục vụ trẻ em ở vùng nông thôn. Tuy giá bán ra có thấp hơn so với loại đẹp, song doanh thu chắc cũng không chênh nhau là mấy bởi số lượng xuất bán nhiều hơn mọi năm.

Để làm những loại đèn ông sao bình dân, các hộ phải rất tiết kiệm chi phí ở các khâu, thậm chí có gia đình còn bố trí "đội quân riêng" đi bán ở các vùng quê bên cạnh việc xuất bán cho các đầu mối cũ. Anh Nguyễn Văn Thanh (xóm 4) còn có sáng kiến thưởng cho con, cháu trong họ những chiếc đèn dạo chơi trên đường làng khi các bé có thành tích. Anh cho biết, bên cạnh mục đích động viên con cháu nỗ lực phấn đấu, đây cũng là một hình thức tự quảng cáo các sản phẩm của gia đình. Nhanh nhạy trước thời cuộc, hộ ông Hoàng Văn Bình ở gần đó đã nhập giấy bóng về nhuộm màu để cung cấp cho các gia đình quanh làng từ tháng Giêng, khi giá thành còn rẻ.

Bài và ảnh: Mỹ Bình