10:17 10/10/2014

Trung tâm đào tạo giáo viên dạy nghề cho vùng ĐBSCL

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long dù mới được thành lập ngày 11/11/2013, nhưng năm học 2014-2015, nhà trường đã mở được 6 ngành đào tạo bậc đại học.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long dù mới được thành lập ngày 11/11/2013, nhưng năm học 2014-2015, nhà trường đã mở được 6 ngành đào tạo bậc đại học và đang phấn đấu trở thành Trung tâm đào tạo giáo viên dạy nghề - nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm tới.


Đây là sẽ là nơi cung cấp đủ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn cho các trường nghề vùng ĐBSCL. Cùng với việc mở rộng liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc… ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đặc biệt quan tâm liên kết đào tạo nghề cho doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.


Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, ĐH sư phạm Vĩnh Long đang tiếp tục xây dựng và phát triển thành Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc tế, tạo điều kiện xuất khẩu lao động trình độ cao của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.


Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & xã hội, ĐBSCL đang là vùng có tỷ lệ học sinh học nghề thấp nhất nước. Hệ thống dạy nghề toàn vùng hiện có 280 cơ sở dạy nghề, chiếm hơn 14% so với cả nước nhưng trang thiết bị vừa thiếu vừa không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Số giáo viên dạy nghề toàn vùng mới có trên 2400 người, còn thiếu khoảng 4000 người.


Nhưng qua điều tra thực tế, còn khoảng 50% trong số giáo viên dạy nghề của vùng ĐBSCL chưa đạt chuẩn cần được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, về kỹ năng sư phạm và chuyên môn kỹ thuật. Hoạt động dạy nghề chưa huy động được các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các làng nghề tham gia.



Phạm Thị Bình