08:14 27/08/2014

Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo CHÍ (Hội Nhà báo Việt Nam): Theo đuổi mục tiêu đào tạo thực hành báo chí

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam (4/8/1999 - 4/8/2014), PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm đã trò chuyện với PV Tin Tức về những trăn trở trong công tác hỗ trợ nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam, theo hướng đào tạo thực hành.

 

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam (4/8/1999 - 4/8/2014), PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng (ảnh), Giám đốc Trung tâm đã trò chuyện với PV Tin Tức về những trăn trở trong công tác hỗ trợ nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam, theo hướng đào tạo thực hành.

Thưa PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng, bà có thể cho biết kết quả công tác đào tạo trong 15 năm qua của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí?

10 năm về trước, trung bình mỗi năm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo. 3 năm trở lại đây, trung bình 50 lớp/năm. Như vậy, tổng số có hơn 500 lớp học được mở trong 15 năm, cho các nhà báo trên khắp các tỉnh thành. Phải nói là chưa có trung tâm nào trong nước tổ chức được số lượng lớp nhiều như thế.


Số học sinh tăng hàng năm, một phần do kinh phí của nhà nước tăng trong các năm 2013- 2014; một phần do tài trợ từ các tổ chức quốc tế tăng lên.
Về chất lượng các lớp học, tuy chưa có cuộc tổng điều tra, nhưng sau mỗi khóa học đều có đánh giá nhận xét của học viên. Nói chung các lớp học được đánh giá rất tốt, dựa trên số điểm mà học viên chấm cho các lớp học: Điểm 7 rất ít, mà chủ yếu điểm 8 - 9 - 10.


“Mỗi khóa đào tạo mở ra, tôi luôn mong người đến học và thay đổi. Làm thế nào để ít nhất người ta thu nhận được điều gì đó và làm điều gì mới hơn. Làm thế nào để có một sự thay đổi trong nhận thức của nhà báo cũng như trong cách làm báo hàng ngày...” .

Không biết điều này có phải do học viên ưu ái không, nhưng phải nói rằng các lớp học thành công một phần do sự đóng góp của các giảng viên. Trước đây Trung tâm mời cán bộ của các cơ quan báo chí về dạy, các giảng viên có kinh nghiệm thực hành nhưng chưa có phương pháp giảng dạy. Trong 3 - 4 năm trở lại đây, các giảng viên đã được đào tạo thêm kỹ năng giảng dạy nên chất lượng của các khóa học tốt hơn.


Điều quyết định sự tồn tại của Trung tâm là đội ngũ giảng viên và phương hướng phát triển của Trung tâm là đào tạo thực hành. Do đó, đội ngũ giảng viên luôn là người đang làm báo.

 

Làm thế nào để Trung tâm có được các kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của đội ngũ làm báo?

 

Cuối mỗi năm, Trung tâm làm nghiên cứu nhu cầu đào tạo của các PV, rồi lên kế hoạch giảng dạy cho năm kế tiếp. Nội dung đào tạo liên quan tới kỹ năng làm báo cơ bản cho các loại hình báo chí khác nhau (báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình, đa phương tiện…); các vấn đề, chuyên đề cụ thể như viết báo lĩnh vực tuyên truyền phòng chống HIV, viết báo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế, an toàn giao thông... Một hướng trong đào tạo nữa là đào tạo quản lý báo chí (thường là công tác biên tập cho các tòa soạn; hoặc các lớp đào tạo cho cán bộ lãnh đạo các tòa soạn báo). Một vấn đề rất được quan tâm là đạo đức của người làm báo, thường được tổ chức thành hội thảo mỗi năm 1 - 2 lần.


Các Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nói chung đều có nhiệm vụ là tiếp tục đào tạo. Đào tạo đại học là đào tạo nền tảng, còn lớp ở các Trung tâm thì ngắn ngày, đi vào kỹ năng cụ thể để bổ sung thêm kiến thức (theo nhu cầu) cho người đang đi làm. Song song với đó, Trung tâm còn đào tạo lại. Bởi vì bất cứ ai, sau một thời gian thì kiến thức cũng có thể mai một. Các buổi học của Trung tâm giúp học viên hệ thống lại kiến thức; làm mới lên những kỹ năng kiến thức đã có, và phát triển, chia sẻ thêm. Chúng tôi không đào tạo lý thuyết mà trên nền tảng lý thuyết, rất chú trọng đến thực hành.

 

Trung tâm có phương pháp nào để xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, giàu nhiệt huyết, trách nhiệm với xã hội?

*) Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam có các nhiệm vụ:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, lý luận chính trị và công tác hội cho hội viên.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các Hội Nhà báo địa phương, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo nghiệp vụ.

- Xây dựng và quản lý đội ngũ giảng viên.

- Soạn thảo sách nghiệp vụ, xuất bản các ấn phẩm phục vụ hoạt động nghiệp vụ báo chí. - Mở rộng hợp tác với nước ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi như vậy thì cũng có những khó khăn bởi giảng viên là người đang đi làm ở các cơ quan, không dễ thu xếp thời gian. Điều đó đòi hỏi cả Trung tâm và các giảng viên đều phải nỗ lực. Đó là sự cam kết của giảng viên muốn gắn bó với công việc, đóng góp cho việc giảng dạy. Mức thù lao không cao, nhưng điều khiến giảng viên nhiệt tình cộng tác là được chia sẻ kiến thức, vì sự nghiệp chung, giúp cho báo chí phát triển.


Tôi nghĩ ở nước ngoài cũng thế, điểm khó của Trung tâm là làm thế nào tìm, duy trì được đội ngũ giảng viên. Nhiều người đã được đào tạo nhưng về sau không tham gia giảng dạy được. Cái khó của Trung tâm là tiếp tục mở rộng đào tạo số lượng giảng viên và chọn được những người thực sự có năng lực giảng dạy, sự nhiệt tình cống hiến vì sự nghiệp chung.


Để làm được điều đó, tất nhiên sự kiên kết giữa Trung tâm và giảng viên là quan trọng. Trung tâm tạo sự liên kết chặt chẽ với giảng viên, thông qua việc quan tâm hỗ trợ để chính giảng viên cũng thường xuyên được trau dồi kiến thức, có những sinh hoạt chung để chia sẻ, gắn kết…

 

Để có thể phát triển theo hướng đào tạo nghề, “cầm tay chỉ việc”, thực hành trực tiếp, cần một cơ sở hạ tầng và kỹ thuật tốt. Hiện nay Trung tâm có có những thuận lợi và khó khăn gì về cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu dạy và học?

Hiện nay Trung tâm đã có một trụ sở rất khang trang, rộng rãi – đây là thuận lợi lớn. Trung tâm cũng đang có một đội ngũ giảng viên tương đối nhiệt tình. Còn các thách thức lớn với Trung tâm hiện nay là:


Thứ nhất, là xu hướng phát triển của báo chí trong nước và thế giới. Hiện nay cách làm báo thay đổi: Báo in ít đi, báo đa phương tiện phát triển; cách làm phát thanh, truyền hình thì luôn đổi mới. Đội ngũ giảng viên của Trung tâm phải làm sao để thích ứng được những thay đổi đó? Bản thân các giảng viên cũng có những lúng túng nhất định. Do đó, Trung tâm cần tìm các đối tác hỗ trợ để trang bị kiến thức mới cho giảng viên song song với việc đào tạo lượng giảng viên mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của báo chí hiện nay.


Thứ hai, Trung tâm hiện có thuận lợi là địa điểm rộng. Tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế nhất định. Trước kia Trung tâm với dự án của ĐH báo chí Lille và Cộng hòa Pháp, đã được trang bị máy tính, trường quay… nhưng sau một thời gian dài, máy móc đã hư hỏng dần. Hiện tại về cơ sở vật chất nói chung thì Trung tâm đang thiếu, và Nhà nước đã hứa là sẽ đầu tư. Tương lai, Trung tâm sẽ có đầy đủ trường quay phục vụ phát thanh, thu hình, các phòng máy tính… Để điều đó đến nhanh hơn, Trung tâm cũng nỗ lực tiếp xúc với các đối tác nước ngoài để đề nghị hỗ trợ. Các thiết bị so với trước thì nay không còn đắt lắm, nhưng nói chung vẫn là tiền và do vậy không thể một sớm một chiều.

 

Trong tầm nhìn của Trung tâm tới năm 2020, có nêu: “trở thành Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí truyền thông hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á; góp phần tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam và có thể làm việc trong môi trường báo chí quốc tế”. Đến nay, mục tiêu này đã đạt được đến đâu, những việc nào cần thực hiện trong thời gian tới?

Về tầm nhìn, Trung tâm mong muốn khi mở các lớp đào tạo trong khu vực thì được người học chấp nhận và đánh giá trình độ đào tạo ngang bằng các nước. Trên thực tế, trình độ và cách tác nghiệp của nhà báo Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực. Kỹ năng làm báo cơ bản vẫn theo chuẩn thế thôi, chỉ có mỗi thể chế khác nhau thì cách viết báo khác nhau.


Nói về đào tạo báo chí mang tầm cỡ khu vực là nói tới đào tạo các kỹ năng cơ bản - điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được, không có gì khác cả. Việc thứ hai mà chúng tôi mong muốn là chúng ta có trao đổi, đào tạo giữa các nước. Trung tâm sẽ trao đổi với các trung tâm đào tạo báo chí ở Singapore, Thái Lan, Malaysia... để họ sang mình đào tạo và mình sang họ đào tạo. Vấn đề gặp phải là ngoại ngữ. Làm cách nào để có các nhà báo biết ngoại ngữ khi tham gia đào tạo với nước ngoài có thể nói tiếng Anh? Điều này hiện nay còn khó khăn nhưng không phải không làm được. Tôi tin rằng sẽ có những đội ngũ làm báo giỏi tiếng Anh, hoặc chúng tôi có thể mời các nhà báo từng đi làm nước ngoài về. Muốn thu hút được nhân lực, cần xây dựng được thương hiệu tốt cho Trung tâm và quảng bá cho thương hiệu đó. Liên quan tới vấn đề này tôi đang cố gắng liên kết với mạng lưới báo chí trong khu vực.


Xin cảm ơn bà!

Thái Hòa (thực hiện)