05:19 23/05/2014

Trung Quốc xuyên tạc công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao vừa diễn ra chiều 23/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải cho biết, thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã viện dẫn sai lệch công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.

Tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao vừa diễn ra chiều nay 23/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải cho biết, thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã viện dẫn sai lệch công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.

Ông Trần Duy Hải khẳng định rằng, công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.

Việc công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với thực tế lúc đó là hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956, phù hợp với Hiệp định Genève năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia tại buổi họp báo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Mặt khác, việc gần đây Trung Quốc luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp là đi ngược lại chính quan điểm của lãnh đạo cấp cao nước này. Ngày 24/9/1975, trong cuộc trao đổi với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về 2 quần đảo và hai bên "có thể bàn bạc với nhau".

Ý kiến của ông Đặng Tiểu Bình cũng được ghi lại trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đăng trên Nhân dân nhật báo. Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, lưu ý: Năm 1958, Đặng Tiểu Bình là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nên hiểu rất rõ về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và phía Trung Quốc không nên nói và làm ngược với những ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc trước đây.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Duy Hải cho biết, bất chấp sự giao thiệp nghiêm túc của Việt Nam từ nhiều cấp, nhiều hình thức, Trung Quốc vẫn không chấm dứt hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành vi xâm phạm, thậm chí có nhiều tuyên bố sai lệch.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia tiếp tục bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc và nêu rõ quan điểm cũng như các bằng chứng lịch sử, pháp lý của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo.

"Từ rất nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17, các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền với hai quần đảo này từ khi còn là đất vô chủ. Các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế và không bị quốc gia nào phản đối. Trong thời kỳ Pháp thuộc, từ giữa thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20, Pháp đã nhân danh Nhà nước Việt Nam để tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của các nước liên quan đối với hai quần đảo này", ông Hải cho biết.

Các tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam ngày 12/5. Ảnh: Văn Sơn - TTXVN


"Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng như chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa".

"Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc với Hoàng Sa. Thực tế là cho đến nay, không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa", ông Hải kết luận.

Đây là lần thứ ba Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5. Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của hơn 200 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn trong và ngoài nước.


Huyền Tím - Hoàng Dương