05:11 09/05/2014

Trung Quốc tính xây đường sắt cao tốc dài 13.000km vươn tới Mỹ

Tuyến đường này sẽ khởi nguồn từ vùng đông-bắc Trung Quốc, qua Siberia (Nga), chạy ngầm dưới biển Thái Bình Dương và vắt qua Alaska, Canada trước khi chạm tới bờ biển nước Mỹ.

Trung Quốc đang có kế hoạch xây tuyến đường sắt cao tốc chạy từ Bắc Kinh chạy sang Mỹ dài nhất thế giới, truyền thông chính thống nước này đưa tin.

Theo thông tin được đăng tải trên tờ Thời báo Bắc Kinh, tuyến đường này sẽ khởi nguồn từ vùng đông-bắc Trung Quốc, qua Siberia (Nga), chạy ngầm dưới biển Thái Bình Dương và vắt qua Alaska, Canada trước khi chạm tới bờ biển nước Mỹ.

Trung Quốc với tham vọng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới - 13.000km. Ảnh: AP


Dẫn lời ông Wang Mengshu, một chuyên gia đường sắt tại Viện Công nghệ Trung Quốc, tờ báo trên còn cho biết: Riêng quãng đường vượt eo biển Bering nằm giữa Nga và Alaska cần ít nhất 200 km đường hầm dưới đáy biển. “Chúng tôi đang thảo luận dự án này. Phía Nga cũng đã từng quan tâm về nó trong nhiều năm qua”, ông Wang chia sẻ.

Dự án có tên gọi “Đường sắt Trung Quốc – Nga cộng Mỹ” này dài 13.000km, dài hơn tuyến đường sắt xuyên Siberia hiện nay khoảng 3.000km. Hành trình từ điểm đầu tới điểm cuối chỉ mất khoảng 2 ngày, với tốc độ chạy tàu trung bình là 350km/giờ. Với 300km đường hầm, đây cũng là tuyến đường sắt chạy ngầm dưới biển dài nhất thế giới.

Theo tờ Nhân dân nhật báo điện tử, công nghệ thực thi không khó, hoàn toàn nằm trong tầm tay, nó cũng sẽ được áp dụng để xây tuyến đường sắt cao tốc nối tỉnh đông bắc Phúc Kiến với Đài Loan. “Dự án này sẽ được cấp vốn và xây dựng bởi phía Trung Quốc. Các chi tiết cụ thể sẽ tiếp tục được thảo luận”, trang báo này đưa tin.

Tờ Thời báo Bắc Kinh còn cho biết, đây là một trong 4 tuyến đường sắt cao tốc đang được Trung Quốc quan tâm, ở các giai đoạn nghiên cứu, phát triển dự án. Tuyến thứ nhất chạy từ London, qua Paris, Berlin, Vacsava, Kiev và tới Moskva – tại đó sẽ phân làm hai nhánh, một sang Trung Quốc qua Kazakhstan và nhánh còn lại vươn sang đông Siberia. Tuyến thứ hai bắt đầu từ thành phố cực tây Urumqi/thủ phủ Tân Cương, qua Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và tới Đức. Tuyến còn lại sẽ có điểm đầu là Côn Minh, điểm cuối là Singapore.

Hoài Thanh (SCMP)