06:15 10/06/2012

Trung Quốc sắp phóng tàu vũ trụ có người lái

Trong tháng 6 này, Trung Quốc sẽ phóng một tàu vũ trụ chở theo 3 phi hành gia lên không gian và lắp ghép với mô đun thử nghiệm Thiên Cung 1 hiện đang bay quanh quỹ đạo trái đất.

Trong tháng 6 này, Trung Quốc sẽ phóng một tàu vũ trụ chở theo 3 phi hành gia lên không gian và lắp ghép với mô đun thử nghiệm Thiên Cung 1, hiện đang bay quanh quỹ đạo trái đất. Đây cũng là chuyến bay vũ trụ đầu tiên do Trung Quốc thực hiện có sự xuất hiện của một nữ phi hành gia.

Tàu Thần Châu 9 và tên lửa Trường Chinh 2F đã có mặt tại trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Ảnh Internet.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Niu Hongguang, Phó Chỉ huy trưởng Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc cho biết, tàu vũ trụ Thần Châu 9 và tên lửa đẩy Trường Chinh 2F đã được chuyển tới bệ phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc nước này. 

 

Ông Niu cho hay, vụ phóng sẽ diễn ra “vào khoảng giữa tháng 6” và phi hành đoàn 3 người sẽ bao gồm một nữ. Đây là sứ mệnh không gian có người lái thứ tư của Trung Quốc và là đầu tiên kể từ tháng 9/2008. Năm 2010, Bắc Kinh từng tiết lộ, 2 nữ phi công đã tham gia chương trình du hành vũ trụ nhưng không công bố rõ chi tiết.

 

Tàu Thần Châu 9 sẽ ghép nối thủ công với modul Thiên Cung 1. Đây là bước tiến mới nhất của Bắc Kinh hướng tới mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ riêng vào năm 2020.

 

Sau cuộc lắp ghép trong không gian này, một phi hành gia sẽ ở lại Thần Châu 9 “để đề phòng tình huống khẩn cấp”, trong khi những người còn lại sẽ chuyển vào trong Thiên Cung 1 để thực hiện các thí nghiệm khoa học. 

Tàu không người lái Thần Châu 8 ghép nối với môđun Thiên Cung 1 hồi năm 2011. Ảnh Internet.

Hồi tháng 11 năm ngoái, tàu vũ trụ không có người lái Thần Châu 8 đã trở về trái đất sau khi hoàn thành hai lần ghép nối trong không gian với Thiên Cung 1 qua điều khiển từ xa. Đây là “nụ hôn không gian” đầu tiên mà phải rất vất vả Trung Quốc mới đạt được khi họ kết nối thành công hai khoang vũ trụ đang quay với tốc độ cao trong quỹ đạo.

 

Chiếm lĩnh được công nghệ lắp ghép trong vũ trụ là cả một quá trình thực hành đầy thách thức. Người Nga và Mỹ đã thành thục với công nghệ này từ những năm 1960.

 

Trung Quốc xem chương trình không gian của mình là biểu tượng cho sức vóc toàn cầu cũng như chuyên môn kỹ thuật ngày càng phát triển của mình. Chương trình không gian hiện nay là nhằm xây dựng một trạm vũ trụ của riêng Trung Quốc, mà ở đó các phi hành gia có thể sống độc lập trong nhiều tháng, giống như trạm vũ trụ Mir của Nga trước kia hay Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), dự án chung của 16 quốc gia hiện nay.

 

Trạm quỹ đạo mà Trung Quốc lên kế hoạch hoàn tất vào năm 2020, thay thế Thiên Cung 1, sẽ có trọng lượng khoảng 60 tấn, nhỏ hơn đáng kể so với ISS.

 

 

T.H