05:17 15/05/2014

Trung Quốc quay 'quan hệ nước lớn kiểu mới' sang Nga

Khi mà Nga – Trung tiến lại gần nhau hơn trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, nhiều học giả đã đặt ra những câu hỏi về việc Bắc Kinh chú trọng “quan hệ nước lớn kiểu mới Nga - Trung” thay vì mải miết theo đuổi “quan hệ nước lớn kiểu mới Trung - Mỹ”.

Giới phân tích, bình luận quốc tế từng ngạc nhiên với đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiết lập “quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ - Trung” khi ông này thăm Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái. Thế nhưng, khái niệm này không phải là phát kiến riêng của ông Tập Cận Bình, nó chỉ là sự mở rộng khái niệm từng được sử dụng để mô tả mối quan hệ Nga - Trung trong quá khứ đang được ngày một hoàn thiện hiện nay. Khi mà Nga – Trung tiến lại gần nhau hơn trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, nhiều học giả đã đặt ra những câu hỏi về việc Bắc Kinh chú trọng “quan hệ nước lớn kiểu mới Nga - Trung” thay vì mải miết theo đuổi “quan hệ nước lớn kiểu mới Trung - Mỹ” mà ở đó Washington chưa đưa ra một sự hưởng ứng tích cực nào.

Lịch sử hình thành

“Quan hệ nước lớn kiểu mới” là một điểm nằm trong chính sách đối ngoại nhất quán, bài bản của Trung Quốc, với lịch sử ra đời gắn với quan hệ Nga - Trung trong những giữa thập kỉ 1990. Tại thời điểm đó, hai bên đã ra tuyên bố chung về khái niệm để “ổn định hóa” và thiết lập “một trật tự thế giới mới” định hình hành động quốc tế của Mỹ. Trung Quốc xem quan hệ nước lớn kiểu mới Nga - Trung là mô hình cho phép Bắc Kinh định hướng và tương tác với các cường quốc trong trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh.

Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc xem sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là bước ngoặt “quan trọng và phức tạp” trong hệ thống quốc tế, mở ra cơ hội cho phép nước này điều chỉnh quan hệ từng có nhiều “sóng gió” với Nga, qua cái mà Bắc Kinh gọi là “những quan hệ kiểu mới” (NTRs). Đối với hai bên, NTR đưa ra một khung hợp tác ổn định, là cơ hội để tái tập trung. Giới phân tích Trung Quốc xem chuyến thăm của Tổng thống Nga Boris Yeltsin tới Bắc Kinh (1992) là nền tảng cho việc tạo lập NTR giữa hai bên.

Khái niệm này lần đầu tiên được chuẩn hóa trong “Tuyên bố chung Nga - Trung về một thế giới đa cực và sự thiết lập một hệ thống quốc tế mới” (1997), nhấn mạnh “không một nước nào được phép theo đuổi bá quyền, can dự vào quyền lực chính trị hoặc đơn phương hóa các vấn đề quốc tế”, khẳng định NTR là quan trọng để hình thành một trật tự thế giới mới. NTR này được phát triển thành “Quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc” (NTGPR), được hai bên thông qua hồi tháng 3/2013, 3 tháng trước khi ông Tập Cận Bình đề xuất một ý tưởng tương tự trong quan hệ Mỹ - Trung.

Hợp tác Nga - Trung sẽ nhằm tạo ra thế đối trọng với Mỹ? Ảnh: Reuters


Thời điểm hiện nay được xem là thuận lợi để Moskva và Bắc Kinh tiếp tục nâng tầm NTGPR này. Hai bên cần đến nhau như là những đồng minh để có thể tạo đối trọng trước Mỹ, nhất là khi Moskva đang gặp phải một số rắc rối ở châu Âu liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine, giành giật ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết. Trung Quốc cũng muốn có sự hậu thuẫn từ Moskva để phá thế bao vây của Mỹ qua cái mà Washington gọi là “xoay trục” sang châu Á. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin (20-21/5) tới có thể xem là một dấu mốc quan trọng, đưa đến nhiều nội hàm mới trong quan hệ Nga - Trung

Những đặc trưng cơ bản

Nếu như quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ - Trung được Bắc Kinh đề xuất với 3 đặc điểm nổi bật là “tránh đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng” thì NTGPR Nga - Trung được xem là có nội dung toàn diện, chiến lược hơn.

Theo đuổi đa cực: Trong các tuyên bố của mình, cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi đa cực hóa, coi đây là phương tiện để thúc đẩy phân bố quyền lực toàn cầu, phù hợp với lợi ích của hai nước. Mục đích thực sự là kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các cường quốc thay thế bá quyền Mỹ trong các vấn toàn cầu.

Công nhận lãnh địa ảnh hưởng: NTGPR là sự thừa nhận quyền lực, ảnh hưởng của mỗi bên trong từng khu vực thuộc trật tự ghế giới mới. Với Nga, đó là “địa hạt các lợi ích ưu tiên” ở không gian hậu Xô Viết, còn đối với Trung Quốc, đó là một “châu Á hài hòa”. Hai bên tôn trọng lợi ích của nhau tại những khu vực ảnh hưởng phân định, coi đây là nguyên tắc cơ bản để “không can thiệp lẫn nhau”. Việc Bắc Kinh hậu thuẫn Nga trong vấn đề Ukraine là biểu hiện rõ cho xu hướng này.

Tuân thủ thẩm quyền Liên hợp quốc: Các tuyên bố Nga - Trung đều thể hiện sự ủng hộ đối với các phán quyết tại Liên hợp quốc, coi đây là nền tảng đại diện cho tính hợp pháp trong các vấn đề quốc tế, chống chủ nghĩa đơn phương Mỹ gây đe dọa tới ổn định quốc tế. Trên hướng này, cả Moskva và Bắc Kinh đều công khai phản đối việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực mà không có sự đồng thuận của Hội đồng bảo an LHQ; coi đây là nguyên tắc chống “Chủ nghĩa can thiệp kiểu mới”.

Điều hòa lợi ích: Nền tảng cơ bản cho quan hệ NTGRP Nga - Trung là việc “bảo đảm các lợi ích quốc gia từng bên, đồng thời tôn trọng lợi ích của bên còn lại”. Điều này có nghĩa rằng, Nga-Trung đều ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, con đường phát triển của nhau, không đưa ra những tuyên bố chỉ trích lẫn nhau… Hai bên tôn trọng sự lựa chọn thể chế, hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện từng nước; không chấp nhận những giá trị chung về “hệ thống chính trị” mang tính toàn cầu.

Tăng cường hợp tác: Trung Quốc tìm kiếm sự hợp pháp hóa NTGPR với Nga thông qua việc mở rộng và tập trung vào những lĩnh vực hợp tác khác nhau, thông qua các chuyến thăm viếng cấp cao định kì để thúc đẩy sự đồng thuận song phương về những vấn đề then chốt. Đó là sự điều phối chiến lược Nga – Trung trong các vấn đề khu vực, các cuộc khủng hoảng, sự đoàn kết ở Hội đồng bảo an LHQ, các hội nghị đa phương, ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề mang tính “lợi ích cốt lõi” đối với mỗi bên.


Hoài Thanh (Tổng hợp)