03:23 02/03/2012

Trung Quốc nỗ lực biến NDT thành đồng tiền toàn cầu

Kể từ sau sự kiện sụp đổ của Tập đoàn ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và tiếp theo là các đợt sụt giảm mạnh mẽ của chứng khoán Phố Wall (Mỹ), Trung Quốc liên tiếp ký các thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương với nhiều nước nhằm hạn chế tối thiểu những nguy cơ do dự trữ quá nhiều USD.

Kể từ sau sự kiện sụp đổ của Tập đoàn ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và tiếp theo là các đợt sụt giảm mạnh mẽ của chứng khoán Phố Wall (Mỹ), Trung Quốc liên tiếp ký các thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương với nhiều nước nhằm hạn chế tối thiểu những nguy cơ do dự trữ quá nhiều USD.

Các thỏa thuận tiền tệ song phương sẽ góp phần đưa NDT trở thành đồng tiền toàn cầu như USD.


Mạng tin "Finance & Economy" cho rằng, các thỏa thuận trao đổi tiền tệ như vậy cho phép hai nước trao đổi thương mại với nhau bằng đồng tiền riêng của mỗi nước và bỏ qua thủ tục phải mua USD và giải quyết các hóa đơn chứng từ thương mại bằng USD. Bên cạnh đó, những thỏa thuận này đã tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại song phương giữa hai bên. Một số thỏa thuận đầu tiên của Trung Quốc với các nước như: Hàn Quốc, Áchentina và Braxin dường như chủ yếu nhằm mục đích này.

Tuy nhiên, các thỏa thuận trao đổi còn mang lại nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn như thỏa thuận trao đổi của Trung Quốc với một nền kinh tế yếu hơn sẽ mở ra cho nước này con đường tiến vào nền thương mại toàn cầu được thực hiện bằng USD mà họ không có hoặc phải sử dụng số lượng USD ít ỏi của ngân hàng trung ương để tiến hành giao dịch. Đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ với 18 nước. Quốc gia mới nhất mà Trung Quốc vừa ký thỏa thuận trao đổi là Thổ Nhĩ Kỳ, nhân chuyến thăm Ancara của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bằng cách điều chỉnh tỷ giá giữa hai đồng tiền kèm theo tài trợ, thỏa thuận trao đổi tiền tệ có thể được coi như một kiểu trợ giá thương mại và viện trợ nước ngoài, ví dụ như trường hợp với Pakixtan. Thỏa thuận trao đổi tiền tệ còn có thể là một công cụ ngoại giao như Thủ tướng Ôn Gia Bảo thể hiện trong chuyến thăm Các Tiểu Vương quốc Arập gần đây. Các nhà lãnh đạo hai nước đã ký một thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 35 tỷ nhân dân tệ (NDT) và đây là một biện pháp nhằm tăng khối lượng dầu mỏ nhập khẩu lớn từ Vùng Vịnh của Trung Quốc. Trước đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận trao đổi tiền lớn hơn bất cứ thỏa thuận nào của Trung Quốc từng ký với các nước khác. Đây là một thỏa thuận giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Thương mại song phương hàng năm giữa hai nước đạt hơn 340 tỷ USD, tăng gần gấp 3 trong một thập kỷ. Thỏa thuận trao đổi tiền tệ này có nghĩa hai bên sẽ không còn sử dụng nhiều tỷ USD trong giao dịch thương mại của họ nữa. Hơn nữa, như một phần của thỏa thuận, Nhật Bản sẽ được phép mua trái phiếu có mệnh giá bằng đồng NDT phát hành ở Trung Quốc.

Các thỏa thuận trao đổi song phương cũng phù hợp với ưu tiên của Trung Quốc nhằm tạo ra sự thay đổi bằng cách cho phép Bắc Kinh nới lỏng dần việc kiểm soát đồng NDT ở nước ngoài. Các nước có thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Trung Quốc thực tế sẽ giảm bớt lệ thuộc vào USD, đồng tiền dự trữ duy nhất, bằng cách đưa thêm đồng NDT vào các khoản dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, họ không những sử dụng đồng NDT trong trao đổi thương mại với Trung Quốc mà cả với những nước đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Trung Quốc. Vì vậy, bằng cách đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương, thực tế Trung Quốc đã trở thành quốc gia có đồng NDT là đồng tiền dự trữ và trao đổi quốc tế giống như USD.

Nguyễn Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)