09:00 21/09/2012

Trung Quốc - Nhật Bản hướng tới đối thoại

Trong bối cảnh làn sóng chống Nhật ở Trung Quốc tạm lắng, ngày 20/9, cả Trung Quốc và Nhật Bản đã có những động thái hướng tới việc giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư bằng biện pháp đối thoại.

Trong bối cảnh làn sóng chống Nhật ở Trung Quốc tạm lắng, ngày 20/9, cả Trung Quốc và Nhật Bản đã có những động thái hướng tới việc giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư bằng biện pháp đối thoại.


 

Tàu hải giám 50 của Trung Quốc (trước) và tàu tuần tra Motobu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cùng xuất hiện ở “khu vực tiếp giáp” của quần đảo tranh chấp ngày 18/9.

 

Trung Quốc ngày 20/9 đã kêu gọi Nhật Bản đối thoại và đàm phán để giải quyết những vấn đề liên quan đến quần đảo Điếu Ngư. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh, Bắc Kinh luôn kiên định rằng vấn đề liên quan tới quần đảo Điếu Ngư phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc cũng sẽ duy trì liên lạc với phía Nhật Bản ở mọi cấp độ và giải thích lập trường chính thức của Trung Quốc.


Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào ngày 29/9 tới tại Bắc Kinh như kế hoạch. Theo nguồn tin này, cựu Ủy viên Quốc Vụ viện Đường Gia Triền, hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Trung - Nhật, sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi ngày 26/9 và lễ kỷ niệm chính thức sẽ được tổ chức vào trưa ngày 27/9.


Cùng ngày, Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết, Tôkyô cũng đang tìm kiếm khả năng đối thoại với Bắc Kinh để hàn gắn quan hệ song phương.


Theo Kyodo, Nhật Bản đang cân nhắc việc tổ chức cuộc gặp chính thức giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng như các cuộc thương lượng giữa quan chức cấp cao hai bộ ngoại giao hai nước bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York vào cuối tháng này.


Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko khi phát biểu trong một chương trình truyền hình ngày 19/9 cũng đã đề cập đến khả năng cử đặc phái viên sang Trung Quốc.


Cùng ngày 19/9, tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Gemba cho biết: “Tôi giữ quan điểm cần duy trì và tăng cường liên lạc với Trung Quốc” đồng thời nhấn mạnh rằng, tăng cường đối thoại ở nhiều cấp có thể làm giảm nguy cơ leo thang xung đột.


Trong một diễn biến liên quan, báo Nihon Keizai (Nhật Bản) ngày 20/9 dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tôkyô sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường những thiệt hại tại các phái bộ ngoại giao Nhật Bản ở Trung Quốc do những người biểu tình Trung Quốc gây ra. Ông Fujimura cũng cho rằng những yêu cầu bồi thường thiệt hại của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc cần phải được xử lý thông qua các kênh pháp lý của Trung Quốc.


Ngày 20/9, làn sóng biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc đã lắng dịu; toàn bộ 10 trường học Nhật Bản ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong sự tăng cường an ninh của lực lượng công an và an ninh tư nhân địa phương.


Cùng ngày, Kyodo cho biết, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã phát hiện 10 tàu của Trung Quốc xuất hiện gần khu vực đảo tranh chấp, trong đó một số tàu tiến vào cái gọi là “khu vực tiếp giáp” (12 hải lý bên ngoài khu vực tranh chấp). Đây là ngày thứ 3 liên tiếp tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này.


A.M