Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển giống lúa chịu mặn có thể cung cấp lương thực cho 80 triệu dân, ngăn chặn nạn đói tại quốc gia này.
Trong bối cảnh mực nước biển dâng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhu cầu về lương thực và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đe dọa nền nông nghiệp nói riêng và nhân loại nói chung ngày một gia tăng.
Theo đài Sputnik, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra cách để đảm bảo an ninh lương thực. Họ thử nghiệm trồng lúa ở vùng đất mặn gần biển. Giống lúa mới này được tạo ra bằng công nghệ biến đổi gen giống lúa hoang đã chọn lọc, có khả năng chống chịu mặn và kiềm tốt hơn. Các nhà khoa học đã bắt đầu trồng giống lúc mơi ở khu vực Bắc Tĩnh Hải và vào năm 2021. Khoảng 4,6 tấn lúa đã được thu hoạch trên một hecta từ các cánh đồng thử nghiệm, cao hơn năng suất trung bình của các giống lúa thông thường.
Trung Quốc có kế hoạch phân phối loại gạo mới này trên toàn cầu, cũng như đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong nước. Hiện dân số Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới. Xu hướng tiêu thụ lương thực ngày càng tăng trong khi công tác trồng trọt ngày càng trở nên khó khăn. Khoảng 100 triệu hecta đất ở Trung Quốc chứa rất nhiều muối và kiềm.
Diện tích đất thích hợp cho các loại cây trồng đã giảm 6% trong 10 năm do quá trình đô thị hóa, thực trạng ô nhiễm và sử dụng quá nhiều phân bón. Giống lúa chịu mặn có thể cải thiện sản lượng lương thực của đất nước và sẽ giúp khắc phục những vấn đề mà biến đổi khí hậu đã gây ra. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, mực nước biển trên khắp thế giới có thể tăng tới 59 cm vào cuối thế kỷ này nếu Trái Đất ấm lên 2 độ C.
Trong 40 năm qua, nước ven biển tại Trung Quốc đã tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới. Đối với một quốc gia sản xuất lương thực, đây là một xu hướng đáng lo ngại. Việc cấy trồng thành công các giống lúa chịu mặn trên quy mô lớn sẽ cho phép Trung Quốc khai thác nhiều đất có hàm lượng muối và kiềm cao.
Zhang Zhaoxin, một nhà nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết: “Nếu Trung Quốc có thể tự cung tự cấp lương thực nhiều hơn, đó cũng sẽ là một đóng góp cho an ninh lương thực của thế giới”. Vị chuyên gia tin rằng quá trình canh tác thương mại sẽ sớm thành công với sự hỗ trợ của chính phủ.