02:09 05/02/2011

Trung Quốc khắc phục "cơn ác mộng" giao thông

Người Bắc Kinh nào cũng nhất trí rằng thành phố này cần giải pháp để khắc phục cơn ác mộng giao thông ùn tắc, nhưng ít ai lại chờ đợi một hình thức quyết liệt mà chính quyền thành phố đã tuyên bố.

Người Bắc Kinh nào cũng nhất trí rằng thành phố này cần giải pháp để khắc phục cơn ác mộng giao thông ùn tắc, nhưng ít ai lại chờ đợi một hình thức quyết liệt mà chính quyền thành phố đã tuyên bố.

Theo chính quyền thành phố, trong năm 2011, sẽ chỉ có 240.000 ôtô được phép đăng ký thông qua một chương trình “quay số may rủi” hàng tháng.

Lượng xe trên quá ít ỏi nếu so với năm nay, khoảng 750.000 ôtô được phép đăng ký. Có thể nói, đây là hạn chế ngặt nghèo nhất về số lượng xe mà một thành phố lớn ở Trung Quốc từng áp dụng. Cũng dễ hiểu bởi với dân số đã vào khoảng 17 triệu người và một lượng ôtô đã đăng ký là hơn 4,76 triệu chiếc, Bắc Kinh buộc phải mạnh tay khi tắc đường trở thành một vấn nạn.

Những con đường chật cứng ô tô ở Bắc Kinh. Ảnh: Internet

Để lọt đến vòng “quay số may rủi” còn một loạt những điều kiện khác. Bạn sẽ bị loại sớm nếu đã đứng tên đăng ký ít nhất một ôtô. Ngoài ra, chủ xe phải có hộ khẩu Bắc Kinh, nếu không có cần phải chứng minh đã sinh sống ít nhất 5 năm liền tại thành phố này, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân.

Điều kiện trên sẽ loại bỏ phần lớn trong số hơn 10 triệu người nhập cư đang cư ngụ ở Bắc Kinh. Trong trường hợp là người nước ngoài hay đến từ các khu hành chính đặc biệt như Hồng Công, chủ xe cần phải sống ít nhất là một năm ở Bắc Kinh.

Sẽ có một cơ quan mới được thành lập để tổ chức “quay số” công khai hàng tháng. Thành phố Bắc Kinh cam kết sẽ dành 88% hạn ngạch (trung bình 17.600 đăng ký mới mỗi tháng) cho các cá nhân. Các tổ chức như công ty, trường học… sẽ có 10%. Phần còn lại thuộc về những loại xe nhỏ phục vụ giao thông như xe taxi.

Ngoài ra, một biện pháp khác nhằm giảm tình trạng ùn tắc cũng được đưa ra là các xe không có biển số Bắc Kinh sẽ phải đăng ký xin một giấy phép đặc biệt để được vào thành phố. Kể cả khi có giấy phép, các xe “ngoại tỉnh” này cũng không được xuất hiện ở khu trung tâm trong giờ cao điểm.

Càng thắt, càng lách?

Ngay ở cuộc họp báo công bố những biện pháp trên, tình trạng đã nhốn nháo bởi quyết định thắt chặt này sẽ ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của nhiều người dân.

Từ khi phong phanh về việc đăng ký xe bị siết chặt, các cửa hàng ôtô ở Bắc Kinh luôn đầy ắp khách mua và càng sát giờ G, hàng người càng dài. Đương nhiên, họ không thể có xe ngay vì cung lúc này quá ít so với cầu song chỉ cần lấy được hóa đơn chứng minh đã mua xe trước khi những quy định trên có hiệu lực, họ vẫn “lách” được.

Các chuyên gia như Xu Shaozhen, sáng lập Hiệp hội Logistics Trung Quốc, cho rằng, dù mạnh tay như vậy song các biện pháp này chỉ có thể giúp làm chậm tốc độ tồi tệ của điều kiện giao thông chứ khó mà thay đổi được tình thế.

Giáo sư Jia Xijin, Đại học Thanh Hoa, từng tham gia một số chương trình về giao thông của Bắc Kinh, nhận xét rằng người dân sẽ nhanh chóng nghĩ cách ứng phó: “Chừng nào còn có nhu cầu ra vào thủ đô, mọi cách kiềm chế nhu cầu này sẽ không phát huy hoàn toàn tác dụng”.

Những vấn đề mới có thể nảy sinh nhanh chóng là nạn hối lộ các quan chức quản lý giao thông hay ồ ạt mua xe từ tỉnh Hà Bắc lân cận. Việc giới hạn chỉ hộ khẩu Bắc Kinh hoặc sống ít nhất 5 năm tại đây mới được lọt vào vòng “quay số” cũng bị coi là không công bằng, không thích hợp.

Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã có không ít nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng giao thông như liên tục mở rộng các tuyến tàu điện ngầm, thiết kế những làn đường phục vụ riêng cho xe bus, giá vé giao thông công cộng giữ ở mức rất rẻ trong khi tăng phí đỗ xe ôtô, quy định xe ôtô cá nhân chỉ được lưu thông 6/7 ngày. Nhưng tất cả không giải quyết được tình trạng ùn tắc ngày một trầm trọng.

Nhiều người chỉ trích nguyên nhân là do đường phố thiết kế tồi cũng như lưu lượng quá lớn các xe công. Chính quyền Bắc Kinh cam kết không tăng thêm xe công trong 5 năm tới song còn đó lượng xe công của các cơ quan thuộc chính quyền trung ương. Theo số liệu năm 2006, có tới 490.000 xe công lưu thông tại Bắc Kinh.

Giáo sư Jia Xilin nhận xét rằng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giao thông vận tải của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ còn đón nhận nhiều người đến hơn nữa. Tình trạng ùn tắc sẽ khó mà được chữa trị tận gốc.

Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hồng Công)