12:17 04/12/2011

Trung Quốc góp sức làm dịu căng thẳng thanh khoản toàn cầu

Trung Quốc đã sớm có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong gần 3 năm qua nhằm góp phần dịu bớt sự căng thẳng trên các thị trường toàn cầu.

Khi các ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới vội vã công bố các biện pháp nhằm làm dịu bớt sự căng thẳng trên các thị trường vốn toàn cầu, Trung Quốc cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc và Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã sớm có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tương tự như hồi tháng 10/2008 - đó là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong gần 3 năm qua.  Đối với Trung Quốc đây là cơ hội thể hiện vai trò tham gia ngày càng lớn của họ vào việc hoạch định chính sách toàn cầu và ổn định các thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh: Internet


Theo nhà kinh tế độc lập Andy Xie, thời điểm Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn dự đoán và chính nỗ lực phối hợp của 6 ngân trung ương chủ chốt toàn cầu nhằm tăng khả thanh khoản cho các ngân hàng thương mại đã thôi thúc Trung Quốc có hành động nhanh như thế. Cuối cùng Trung Quốc phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát dịu bớt và đáng lo ngại hơn là tình trạng chảy vốn tăng mạnh.

Trong đợt khảo sát mới đây của Reuters, các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ có đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên vào tháng 12 với mức cắt giảm khoảng 200 điểm cơ bản xuyên suốt năm 2012 từ mức đỉnh 21,5% hiện nay nhưng đợt cắt giảm bất ngờ hôm 30/11 đã điều chỉnh đáng kể dự báo đó.

Nhà kinh tế cao cấp Kevin Lai từ Daiwa Capital Markets tại Hồng Công dự đoán năm 2012 Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 200 điểm cơ bản nhằm ngăn chặn nền kinh tế hạ cánh khó khăn hơn là thúc đẩy một đợt bùng nổ kinh tế nữa. Các nhà kinh tế từ HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 150 điểm cơ bản ngay trong nửa đầu năm tới.

Nhìn chung, việc nới lỏng tiền tệ trở nên cấp bách bởi lo ngại các thị trường cấp vốn toàn cầu đang cạn kiệt và các ngân hàng vướng vào cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone vội vã bán tài sản và cắt giảm cho vay. Các thị trường tiền tệ đang bị thắt chặt như từng xảy ra trong vài tuần sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Đối với Trung Quốc nguy cơ chảy vốn nhiều hơn có thể gây thêm căng thẳng trên các thị trường tín dụng vốn đã bị thắt chặt. Đó chính là lý do chính khiến Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong gần 3 năm qua.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy tháng 10 vừa qua là tháng đầu tiên kể từ năm 2008 xảy ra tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu muốn giữ nguồn cung tiền ổn định khi tiền gửi tại ngân hàng giảm và thặng dư thương mại bị thu hẹp.

Lạm phát của Trung Quốc đã hạ xuống 5,5% vào tháng 10, từ mức đỉnh cao trong ba năm hồi tháng 7, nhưng lãi suất tiền gửi một năm chỉ ở mức 3,5%, tức là người gửi tiền thực nhận lãi suất âm. Do đó bất cứ động thái cắt giảm lãi suất nào cũng có thể làm gia tăng dòng tiền tiết kiệm chuyển hướng sang các sản phẩm tài sản sinh lợi cao hơn hoặc thậm chí là thị trường tín dụng đen mà nhà nước đang tìm cách kiểm soát.

PBoC đã 12 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 1/2010- 6/2011, đồng thời liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng cũng như lựa chọn cho vay đối với một số doanh nghiệp nhỏ khát vốn.

Hoàng Hà (Theo Reuters)