06:22 27/06/2012

Trung Quốc đang trở thành cường quốc vũ trụ

Ngày 24/6, các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc làm việc trên tàu Thần Châu - 9 đã lần đầu tiên thực hiện thành công các thao tác điều khiển bằng tay để ghép nối Thần Châu 9 với môđun Thiên Cung - 1 đang bay trên quỹ đạo.

Ngày 24/6, các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc làm việc trên tàu Thần Châu - 9 đã lần đầu tiên thực hiện thành công các thao tác điều khiển bằng tay để ghép nối Thần Châu 9 với môđun Thiên Cung - 1 đang bay trên quỹ đạo. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, chứng tỏ Trung Quốc đã hoàn toàn chiếm lĩnh công nghệ lắp ghép tàu vũ trụ qua điều khiển bằng tay của con người. Như vậy Trung Quốc đã là quốc gia thứ ba sở hữu công nghệ này, sau Nga và Mỹ.

Tên lửa đẩy Trường Chinh- 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-9 rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền ngày 16/6/2012.
Ảnh: THX/ TTXVN


Trước đó, tháng 12/2011, Trung Quốc đã công bố cuốn Sách Trắng thứ ba về ngành công nghiệp vũ trụ cho thấy nước này quyết tâm củng cố vị thế của mình với tư cách là cường quốc vũ trụ ngang bằng với Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ.


Các tác giả cuốn Sách Trắng lần thứ ba về vũ trụ của Trung Quốc cho rằng Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015) sẽ có tính quyết định đối với ngành công nghiệp vũ trụ của nước này, theo đó Trung Quốc sẽ "phát triển năng lực của riêng mình bằng cách dựa chủ yếu vào sự sáng tạo ở trong nước".


Sau lần phóng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên trên tàu Thần Châu-5 vào tháng 10/2003, vụ phóng thứ hai được thực hiện vào tháng 10/2005 với hai nhà du hành trên tàu Thần Châu-6. Với sứ mệnh của tàu Thần Châu-7 kéo dài từ ngày 25 đến 28/9/2008, Trung Quốc đã tiếp cận được giai đoạn cốt tử: Các nhà du hành bước ra ngoài khoảng không và môđun vũ trụ được điều khiển từ Trái Đất. Tàu Thần Châu-8, không có người, ngày 3/11/2011 đã kết nối với môđun vũ trụ Thiên Cung-1 bằng cách điều khiển từ Trái Đất. Các tàu Thần Châu-9 vừa được phóng và Thần Châu-10 dự kiến sẽ được phóng lên trong năm nay.


Với việc lắp ghép tàu vũ trụ Thần Châu với trạm Thiên Cung-1 đang bay ở quỹ đạo thấp 343 km quanh Trái Đất, Trung Quốc đạt được bước tiến có tính quyết định trong việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình và sẽ đưa vào hoạt động toàn bộ vào năm 2016, với một phòng thí nghiệm được hoàn tất vào năm 2020. Trạm vũ trụ có người của Trung Quốc dài 18 mét và nặng 16 tấn, với ba khoang cấu thành: Một khoang làm nơi sống và làm việc, hai khoang để tiến hành thí nghiệm. Theo nhà thiết kế chính Chương trình vũ trụ có người điều khiển của Trung Quốc, Chu Kiến Bình, trạm vũ trụ tương lai của nước này sau này cũng có thể trở thành một cơ sở quốc tế phục vụ nghiên cứu và ứng dụng vũ trụ.


Mảng quan trọng thứ hai của Chương trình vũ trụ của Trung Quốc là thực hiện kế hoạch lên quỹ đạo vệ tinh và cho tàu không người lái đổ bộ lên Mặt Trăng để thu thập dữ liệu trước khi đưa một nhà du hành lên hành tinh này.


Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã phóng hai tàu thăm dò Mặt Trăng là Hằng Nga-1 (năm 2007) và Hằng Nga-2 (năm 2008). Hai sứ mệnh này đã cho phép Trung Quốc công bố một bản đồ hoàn chỉnh về Mặt trăng vào năm 2008, với một phiên bản 3D vào tháng 9/2009 và một phiên bản khác chính xác hơn nhiều, với độ phân giải 7 m (chính xác hơn các phiên bản trước tới 17 lần) vào ngày 6/2/2012.


Phần tiếp theo của chương trình bao gồm việc chế tạo một xe tự hành di chuyển trên Mặt Trăng và thực hiện các "nghiên cứu sơ bộ để đưa người lên thăm dò Mặt Trăng". Tuy nhiên, bước phát triển này chưa được người phát ngôn Trương Vỹ thuộc Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc khẳng định khi giới thiệu cuốn Sách Trắng. Nhưng ông nhấn mạnh rằng lịch trình thăm dò Mặt Trăng chưa được quyết định vì còn phụ thuộc vào việc chế tạo một tên lửa tương đối mạnh để mang theo một xe thăm dò có kích cỡ lớn.


Dự kiến, năm 2013 Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga-3 và lần đầu tiên trong lịch sử chinh phục vũ trụ của mình, đưa xe tự hành lên để thăm dò bề mặt Mặt Trăng. Theo ông Diệp Bồi Kiến, kiến trúc sư trưởng dự án Hằng Nga-3 thuộc Viện Hàn lâm công nghệ vũ trụ Trung Quốc, khác với hai tàu thăm dò trước, Hằng Nga-3 sẽ có "chân" cho phép chịu được va chạm khi tiếp đất. Tàu thăm dò sẽ được lắp trang thiết bị khoa học nhiều hơn các sứ mệnh trước để phát hiện, thu thập và phân tích mẫu đất đá lấy được trên bề mặt Mặt Trăng. Xe tự hành nặng 100 kg này sẽ hoạt động trên Mặt Trăng ít nhất ba tháng. Nó có khả năng tránh được các hố rộng và leo lên miệng các hố nhỏ, đồng thời được lắp hệ thống điều khiển từ xa cho phép các nhà khoa học kiểm soát nó từ Trái Đất. Xe tự hành sẽ được lắp bình điện sử dụng năng lượng Mặt Trời hấp thụ ánh sáng vào ban ngày và giải phóng năng lượng vào ban đêm để bảo vệ xe tự hành trong cái lạnh âm 170 độ C trên Mặt Trăng.


Lĩnh vực chế tạo tên lửa đẩy của Trung Quốc cũng đạt được nhiều tiến bộ. Từ năm 2006 đến năm 2010, số lần phóng tăng gấp ba so với Kế hoạch 5 năm trước đó, lên tới 67 lần, và chỉ có 2 lần thất bại (tỷ lệ thành công lên tới 94%.


Năm 2011, Trung Quốc tiến hành 18 lần phóng, nhiều hơn cả Mỹ. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, nước này dự kiến sẽ tiến hành 100 vụ phóng. Một thế hệ tên lửa vận tải mới đang được nghiên cứu với tên lửa Trường Chinh-5, 6 và 7, với các vụ phóng đầu tiên có thể sẽ diễn ra từ nay đến năm 2017. Theo ông Yu Menglu, thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, các tên lửa này sẽ sử dụng nhiên liệu không gây độc hại và có tải trọng 25 tấn đối với quỹ đạo thấp, tương đương với trọng lượng hữu ích của tên lửa đẩy Ariane-5, tuy còn cách xa mức 115 tấn của Saturne V - tên lửa đẩy mạnh nhất của Mỹ.


Từ năm 2010, Trung Quốc sử dụng 15 tên lửa đẩy và phóng lên quỹ đạo 20 vệ tinh, tương đương với của Mỹ và Nga, các nước vốn là biểu tượng cho lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người. Năm 2011, Trung Quốc tiến hành 19 vụ phóng vệ tinh thương mại với tên lửa Trường Chinh, thu được 15,87 triệu USD. Mục tiêu của Bắc Kinh là thực hiện 100 lần phóng từ nay đến năm 2015.


Chương trình vệ tinh, kém ngoạn mục hơn, nhưng không phải vì thế mà kém quan trọng hơn. Trong thời kỳ 2006 - 2011, Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo 19 vệ tinh đo đạc và thu thập thông tin trên Trái Đất, trong bầu khí quyển, khí hậu, đại dương và vũ trụ. Các vệ tinh này sử dụng các loại cảm biến hiện có và tạo thành cơ cấu của hệ thống tin học kiểm soát và chỉ huy khép kín nhằm giám sát các vùng và các vụ đánh trả có thể xảy ra chống kẻ địch thâm nhập, được gọi là C4 I SR (Chỉ huy, Kiểm soát, Thông tin, Máy tính, Tình báo, Giám sát và do thám).


Ngày 9/1/2012, tên lửa đẩy Trường Chinh-4B đưa Tư Nguyên III, một vệ tinh quan trắc có độ phân giải cao nặng 2.650 kg, lên quỹ đạo 500 km, cùng với một vệ tinh khác của Lúcxămbua. Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết, vệ tinh đó được dùng vào các sứ mệnh dân sự và Tư Nguyên III gửi dữ liệu thu thập được cho phép phòng ngừa thảm họa thiên nhiên, phát triển nông nghiệp, quản lý nước và quy hoạch đô thị. Ngày 13/1/2012, từ bãi phóng Sơn Tây ở tỉnh Tứ Xuyên, một tên lửa Trường Chinh-3 đưa lên quỹ đạo vệ tinh thời tiết Phong Vân-II 07, do Cơ quan vũ trụ Trung Quốc phát triển.


Theo ông Yuan Jiajun, Phó Chủ tịch Công ty vũ trụ và Công nghệ Trung Quốc, Chương trình nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mạnh về chất. Công nghệ được Trung Quốc sử dụng xem ra có vẻ kém hiện đại hơn công nghệ của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), nhưng tác động của chương trình vũ trụ đối với hình ảnh của nước này trong con mắt của quốc tế là không thể phủ nhận.

Trần Mạch