01:23 08/01/2012

Trung Quốc bắt đầu mùa “di trú” khổng lồ

Mùa “di trú” hằng năm lớn nhất thế giới đã chính thức bắt đầu tại Trung Quốc ngày 8/1, với hàng triệu hành khách hối hả lên các phương tiện giao thông, tham gia vào những hành trình trên khắp đất nước rộng lớn để kịp đón Tết cổ truyền ở quê nhà.

Mùa “di trú” hằng năm lớn nhất thế giới đã chính thức bắt đầu tại Trung Quốc ngày 8/1, với hàng triệu hành khách hối hả lên các phương tiện giao thông, tham gia vào những hành trình trên khắp đất nước rộng lớn để kịp đón Tết cổ truyền ở quê nhà.

Một người lao động nhập cư tranh thủ ngủ trong lúc xếp hàng mua vé tại nhà ga Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Chính phủ Trung Quốc ước tính, số lượt hành khách đi các phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa, máy bay, tàu thủy và xe buýt sẽ đạt 3,2 tỉ lượt người trong mùa di trú này, tăng 9,1% so với năm ngoái. Tại một nhà ga tàu hỏa ở Bắc Kinh, hàng trăm hành khách, mang theo lỉnh kỉnh những vali, túi xách, đứng xếp hàng dài trước các phòng vé hoặc đứng trước các barrier an ninh để chờ tàu đến.

Hai sinh viên đại học họ Liu và Bao đang chờ đổi tàu để tiếp tục hành trình từ tỉnh Quý Châu ở tây nam Trung Quốc tới Nội Mông ở phía bắc, một chuyến đi dài tới hơn 40 giờ tàu, tâm sự với phóng viên hãng tin AFP (Pháp) rằng phải vượt một quãng đường xa như vậy, nhưng họ rất vui mừng được trở về nhà đón Tết cùng gia đình.

Bộ Công an Trung Quốc đã kêu gọi các hành khách thận trọng trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với dự báo có tuyết, mưa và sương mù ở nhiều nơi trong mùa “di trú” cuối năm, kết thúc vào ngày 16/2 này. Những người sinh sống và làm việc xa quê hương ở Trung Quốc chắc hẳn không thể quên được dịp về quê cuối năm 2008, khi hàng triệu người đã mắc kẹt tại các ga tàu xe qua cả Tết cổ truyền do ảnh hưởng của mùa đông khắc nghiệt nhất trong ít nhất 5 thập kỷ qua tại Trung Quốc, khiến nhiều tuyến quan trọng trong mạng lưới giao thông của nước này bị tê liệt.

Từ nhiều tuần qua, nhu cầu về vé đi các phương tiện giao thông công cộng của người dân Trung Quốc đã tăng vọt khi hàng triệu người lao động di cư mong muốn trở về quê ăn Tết. Họ thậm chí đã chầu trực trong nhiều giờ, nhiều ngày, để có được một tấm vé. Chị Gui Yurong, làm nghề bán quần áo ở Bắc Kinh cho biết, chị đã mất 10 ngày để mua được một tấm vé cho hành trình dài 22 tiếng về quê ở Jixi, tỉnh Hắc Long Giang. “Mỗi năm tôi chỉ về quê một lần”, người phụ nữ 43 tuổi cho biết. “Tôi sẽ mang quần áo và khăn lụa tặng cho người thân và bạn bè”, Gui vừa nói vừa chỉ tay về phía những chiếc vali đầy chặt quà Tết.

Năm nay, Trung Quốc đã áp dụng một hệ thống bán vé trực tuyến mới nhằm giúp người dân có thể mua vé tàu xe dễ dàng hơn trong bối cảnh nhu cầu của hành khách quá lớn. Các quan chức nước này cũng cam kết cải thiện thiết kế của trang web bán vé nói trên, tăng dung lượng băng thông để xử lý được một lượng lớn nhu cầu, cũng như hoàn lại tiền cho hành khách không có vé trong vòng 15 ngày. Tuy vậy, trên các mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự tức giận khi phải chờ hàng giờ mới có thể tiếp cận hệ thống mới này, để rồi được biết rằng, số vé dành cho ngày hôm đó đã hết sạch. “Tôi ngồi chờ 3 ngày và đến tận 10 giờ tối ngày thứ ba vẫn không vào được mạng. Chuyện gì vậy?”, một người than phiền trên mạng xã hội Weibo. Còn một hành khách tên Huang Siling thì cho biết: “Tôi đã trả 218 tệ (34 USD) cho một vé Thượng Hải - Thành Đô trực tuyến. Nhưng khi đến lấy vé, một nhân viên nhà ga nói ông ấy không tìm thấy dữ liệu của tôi trên máy”.

Chính phủ cũng giới thiệu một hệ thống vé theo tên của hành khách để tránh tình trạng đầu cơ vé, tuy nhiên, biện pháp mới này đã khiến nhiều hành khách bị mắc kẹt ở các bến tàu xe vì họ nhờ bạn bè mua vé hộ. “Chúng tôi đã mua được vé nhưng giờ lại gặp rắc rối vì vé được đăng ký tên người khác”, một người đàn ông họ Xu, đứng chờ cùng vợ con ở ga tàu Bắc Kinh cho biết.

Mặc dù còn nhiều trục trặc, nhưng nhiều người Trung Quốc cũng bày tỏ sự hài lòng với hệ thống bán vé online mới. “Sáng nay tôi mua được một vé từ Bắc Kinh đi Cáp Nhĩ Tân trong lúc nằm trên giường. Sau 3 năm liên tiếp phải xếp hàng qua đêm ở nhà ga, thì điều này thật là xa xỉ”, anh Yuyebugui khoe trên mạng Weibo.

Thu Hằng