12:08 22/12/2012

Trung Quốc âm thầm chinh phục thị trường Bănglađét

Theo báo “Maghreb”, tại Nam Á, Trung Quốc chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cảng biển, cầu và đường bộ. Tại cảng Chittagong, phía đông nam Bănglađét, các côngtennơ chất đống.

Theo báo “Maghreb”, tại Nam Á, Trung Quốc chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cảng biển, cầu và đường bộ. Tại cảng Chittagong, phía đông nam Bănglađét, các côngtennơ chất đống. Hàng chục tàu lớn đang tấp nập ra vào cửa sông Karnaphuli, vây quanh thủ đô kinh tế của nước này trước khi tiến ra vịnh Bengan.

 

Cây cầu bốn làn bắc qua sông Karnaphuli do Công ty China Harbour xây dựng.

 

Cảng chứa côngtennơ mới (NCT) trở nên hoàn hảo với việc mở rộng 5 đê chắn sóng. Đó là công trình xây dựng của Công ty China Harbour trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trước sự phát triển của Bănglađét. Không xa sông Karnaphuli, một cây cầu 4 làn dài 950 m đã được China Harbour xây dựng. Đối với những khu dân cư nghèo và những chiếc thuyền gỗ của ngư dân địa phương, cây cầu trên là biểu tượng của thời hiện đại.


Tại Bănglađét, các công trình xây dựng do người Trung Quốc làm chủ thầu không còn xa lạ. Tháng 10/2012, một phái đoàn Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng và đề xuất các khoản tín dụng ưu đãi cho việc xây dựng một trạm xử lý nước, một nhà máy nhiệt điện tư nhân và một cảng hàng không tại Cox's Bazar. Trung Quốc cũng giành được dự án xây dựng một cảng nước sâu tại đảo Sonodia, ước tính trị giá hơn 5 tỷ USD. Ngoài ra còn dự án xây dựng tuyến đường hầm qua sông Chittagong, một tuyến đường cao tốc Trung Quốc - Bănglađét đi qua Mianma và một khu công nghiệp.


Raisul Haq Bahar, Tổng Biên tập Nhật báo Ngôi sao (Daily Star) tại Chittagong bình luận: “Trung Quốc đang giúp chúng tôi xây dựng các công trình lớn. Họ cung cấp kinh nghiệm, trang thiết bị, tài chính hay đầu tư công nghệ”. Amir Khasru Mahmud Chowdhury, cựu Bộ trưởng Thương mại và là thủ lĩnh khu vực của Đảng Dân tộc Bănglađét (BNP), nhận xét: “Người Trung Quốc đang phát triển một chiến lược thực sự bằng cách đi trước một bước cho 30 năm tới. Họ bán sản phẩm, dịch vụ của họ. Trong khi người phương Tây ăn tối tại thủ đô Đắcca thì người Trung Quốc lại làm việc. Họ sẽ có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050”.


Hiện nay, Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực giao thông chiến lược tại Bănglađét cũng như Nêpan, Butan, Mianma, Xri Lanca và Pakixtan - các nước bao quanh Ấn Độ. Tại một khu vực hiển nhiên nằm trong tầm ảnh hưởng của mình, Ấn Độ đã nhanh chóng nghi ngờ sự bành trướng của người Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa hai người khổng lồ châu Á quả thực đang diễn ra hết sức mau lẹ. Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid tuần trước đã thừa nhận: “Niu Đêli sẽ phải chấp nhận thực tế mới về sự hiện diện của người Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực được Ấn Độ coi là ưu thế của mình”.


Hiển nhiên những đóng góp của người Trung Quốc đang tạo thuận lợi cho các công trình liên quan tới giao thông hàng hải. Tại Chittagong, nơi Trung Quốc đang hợp tác, tham vọng của Bănglađét là rất lớn. Trung tá Moazzem Hossain, quan chức phụ trách an ninh khu vực vực cảng Chittagong, tiết lộ: “Tham vọng của chúng tôi là thay thế Xinhgapo”. Mùa hè vừa qua, Trung tá Hossain đã đi thăm các cảng Havre (Pháp) và Hambourg (Đức) để học hỏi kinh nghiệm. Ông nhận xét: “Các cảng tôi thăm đều rất sạch sẽ và có tổ chức. Cảng Chittagong của chúng tôi cũng đang được hiện đại hóa và chắc chắn sẽ trở thành trung tâm của Nam Á”. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Bănglađét được vận chuyển qua cảng Chittagong, nhất là hàng dệt may đến châu Âu và Mỹ.


Trung Quốc có tham vọng thực hiện các dự án cảng biển trải dải từ Bănglađét đến Sittwe (Mianma) cùng với một dự án đường ống dẫn khí đốt đến tận Trung Quốc, sau đó là xây dựng cảng Hambantota tại Xri Lanca. Tại quần đảo Manđivơ, các dự án chưa bắt đầu song một Đại sứ quán Trung Quốc đã được thiết lập tại Malê năm 2011. Cuối cùng, Pakixtan đã ủy thác cho một công ty Trung Quốc xây dựng cảng Gwadar trên biển Arập. Việc duy trì hiện diện tại mỗi cảng biển, nổi tiếng với lý thuyết “chuỗi hạt ngọc trai”, giúp Trung Quốc sử dụng làm nơi quá cảnh thường trực và bảo đảm an toàn các tuyến hàng hải cung cấp dầu lửa của mình kéo dài đến tận Trung Đông.


Văn Hào