05:17 21/05/2014

Trung Quốc âm mưu đẩy ‘cuộc chiến truyền thông’?

Giới ngoại giao và học giả Trung Quốc liên tục có những phát biểu trên các phương tiện truyền thông quốc tế, cố tình bóp méo sự thật về vụ Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cùng lúc giới ngoại giao và học giả Trung Quốc liên tục có những phát biểu trên các phương tiện truyền thông quốc tế, cố tình bóp méo sự thật về vụ Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 20/5, khi được hỏi về tình hình gần đây ở Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã đưa ra những bình luận theo hướng đổ lỗi cho Việt Nam. Ông Thôi trắng trợn nói: 1/ Các công ty dầu khí của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng 17 hải lý ngoài khơi quần đảo của Trung Quốc (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - ND), cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý; 2/ Đây là hoạt động khoan thăm dò duy nhất trong khu vực của Trung Quốc “không có tranh chấp”, còn Việt Nam thì duy trì hơn 30 hoạt động tương tự, tất cả đều thuộc “các khu vực tranh chấp”; 3/ Trung Quốc “chỉ mang tàu dân sự”, tàu của chính phủ; nhưng phía Việt Nam đã cử cả tàu quân sự, tàu vũ trang và "họ đang tấn công các tàu của chúng tôi".

Trung Quốc đang cố tình bóp méo thông tin về vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Reuters


Ngày 20/5, Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Indonesia Liu Hongyang đã cho đăng tải bài viết trên tờ Jarkata Post cho rằng “Việt Nam có những hành động nguy hiểm” ở Biển Đông. Vẫn cùng giọng điệu vu khống trắng trợn, ông Liu nói rằng vùng biển mà “tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc” chỉ cách rìa quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Ông Liu còn đưa ra luận điệu cho rằng, đây là vùng biển không có tranh chấp, và rõ ràng “Việt Nam đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”. Ông này cũng nói rằng, Việt Nam đang “thực thi tiêu chuẩn kép”, khi đang cho vận hành 7 mỏ dầu, khí; cùng với 37 giàn khoan mà “Trung Quốc không hề phản đối”.

Cùng ngày, Wu Sichun, Chủ tịch Viện nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông (NISCSS) đã trả lời phỏng vấn hãng thông tấn DW (Đức), mà nội dung xuyên suốt là để bảo vệ cái mà ông gọi là “hành động hợp pháp của Trung Quốc”. Ông Wu cũng có ý viện dẫn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) để biện minh cho hành động triển khai giàn khoan Hải Dương 981 với lời lẽ cho rằng Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc và vì thế hoạt động của giàn khoan này là "hoàn toàn hợp pháp".

Vậy sự thực của những tuyên bố trên là gì? Đó đều là lời biện bạch cho hành động sai trái của Trung Quốc. Ông Thôi Thiên Khải đã quên mất rằng, cộng đồng quốc tế đã được chứng kiến những hành động của tàu Hải giám, Hải cảnh, Hải tuần, Ngư chính của Trung Quốc hung hăng chủ động đâm va, phụt vòi rồng vào các tàu chấp pháp, tàu cá của Việt Nam; cùng với đó là việc duy trì các tàu quân sự, máy bay bảo vệ giàn khoan. Còn Việt Nam chỉ sử dụng có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư để thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Điểm mấu chốt nhất mà giới chức ngoại giao và học giả Trung Quốc viện dẫn đến là "chủ quyền đối với Hoàng Sa". Nhưng họ lại lờ đi các yếu tố thực chất ẩn sau đó. Trung Quốc chỉ mới bắt đầu nói về tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa vào năm 1951, nhưng đó là những tuyên bố mơ hồ, không có những bằng chứng xác thực về sự nắm giữ các đảo xa phần lãnh thổ đất liền. Để khẳng định “chủ quyền”, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng thực tế một phần (1956) và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (1974).

Ngay tại thời điểm này, phía Việt Nam đã đưa ra lời phản đối lên Liên hợp quốc, công bố sách trắng về các quần đảo và lên án mạnh mẽ các hành động bất hợp pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Liên tục từ đó đến nay, Việt Nam luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Theo công pháp quốc tế, một sự chiếm giữ lãnh thổ sẽ không được xem là chấm dứt chỉ đơn giản bằng sự biến mất các bằng chứng chiếm giữ vật chất.

Nói cách khác, sự gián đoạn các biểu hiện chiếm giữ vật chất tự nó không làm gián đoạn chủ quyền của một quốc gia nếu như họ không tuyên bố ý định từ bỏ lãnh thổ một cách rõ ràng. Vậy nên việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là hoàn toàn bất hợp pháp, xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Hoài Thanh (Tổng hợp)