03:09 08/03/2011

Trung Đông và Bắc Phi chưa “hạ nhiệt”

Ngày 7/3, giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Libi Moamer Kadhafi và những người chống chính phủ vẫn diễn ra vô cùng ác liệt.

Ngày 7/3, giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Libi Moamer Kadhafi và những người chống chính phủ vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Trong nỗ lực phản công giành lại những k hu vực rơi vào tay phe đối lập, quân của ông Kadhafi đã mở cuộc không kích nhằm vào các vị trí của lực lượng chống chính phủ tại thành phố dầu mỏ Ras Lanuf.

Trước đó, người dân Ras Lanuf đã lũ lượt chạy khỏi thành phố do lo ngại các cuộc tấn công. Tại thành phố biển Bin Jawad, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa quân của ông Kadhafi và phe đối lập.

Lực lượng chống chính phủ ở Libi tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô Ras Lanuf ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Các nhân chứng cũng cho biết, ít nhất 6 người đã chết do giao tranh ở thành phố Benghazi. Cùng ngày, các đài truyền hình Libi dẫn nguồn tin quân đội chính phủ cáo buộc tại một số thành phố mà quân chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát, phe đối lập cố thủ tại các khu vực dân cư và dùng dân thường làm lá chắn sống.

Chính phủ Libi ngày 7/3 ra tuyên bố chính thức phản đối Nghị quyết 1970 của Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với gia đình Tổng thống Kadhafi cùng một số quan chức cấp cao trong chính phủ đương nhiệm. Chính phủ Libi cho rằng, nghị quyết trên chỉ dựa vào những thông tin truyền thông bên ngoài mà không căn cứ vào các thông tin chính xác, có bằng chứng và đáng tin cậy được một ủy ban tìm hiểu sự thật độc lập và công bằng xác nhận.

Tuyên bố cáo buộc các nhóm Al Qaeda nằm vùng tại Libi đã châm ngòi bạo động bằng các vụ tấn công đồn cảnh sát, doanh trại quân đội và kho vũ khí gây nhiều thương vong. Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã cử Ngoại trưởng Gioócđani Al-Khatib làm đặc phái viên đến Libi, tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp với các nhà chức trách trong khu vực cũng như ở Libi về tình hình nhân đạo tại nước này.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Libi diễn biến phức tạp, tình hình an ninh tại các quốc gia khác ở Trung Đông và Bắc Phi cũng chưa có tiến triển khả quan. Tại Libăng ngày 7/3, khoảng 8.000 người đã biểu tình ở thủ đô Bâyrút để phản đối hệ thống chính trị mang tính giáo phái ở nước này và kêu gọi lật đổ chính phủ.

Hàng nghìn người Libăng biểu tình phản đối chính phủ ở Bâyrút ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Hiện Libăng đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị vì chưa thành lập được chính phủ kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Saad al-Hariri bị phong trào Hồi giáo Hezbollah cùng các đồng minh chính trị của phong trào này làm sụp đổ hồi tháng 1 vừa qua. Trong khi đó tại Baranh, hàng nghìn người đã biểu tình phản đối chính phủ trước Cung điện Al-Qudaibiya ở thủ đô Manama, nơi nội các nhóm họp. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để giám sát những người biểu tình.

Đây là ngày thứ 21 kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình tại Baranh và hiện chưa có dấu hiệu cho thấy người biểu tình có ý định chấm dứt những hành động phản đối. Giao tranh cũng bùng phát dữ dội tại Cốt Đivoa giữa lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Cốt Đivoa Laurent Gbagbo và nhóm Lực lượng mới (FN) ủng hộ ông Alassane Ouattara, ứng cử viên được quốc tế công nhận thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Cốt Đivoa hồi tháng 11 năm ngoái, làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ tái bùng phát nội chiến ở quốc gia Tây Phi này.

Trước tình hình trên, ngày 7/3, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AC), ông Jean Ping đã đến Cốt Đivoa và thảo luận cùng lúc với Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo và ông Ouattara nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài 3 tháng qua tại nước này.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)