Bức tranh địa chính trị Trung Đông năm 2021 có thể ví là tổng hòa của sự rối ren và phức tạp vốn có.
Bên cạnh những vấn đề cố hữu chưa nhìn thấy lối thoát (vấn đề hạt nhân Iran, xung đột Israel-Palestine, mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc), năm qua cũng chứng kiến một sự chuyển mình tích cực khi các nước có xu hướng hàn gắn ngoại giao để thúc đẩy kinh tế. Việc Mỹ dường như "rút lui" khỏi khu vực và hậu quả của đại dịch COVID-19 khiến các nước xích lại gần nhau hơn vì lợi ích quốc gia. Ranh giới bạn-thù ngày càng khó phân biệt với các mối quan hệ đan xen chằng chịt. Xung đột, khủng hoảng tiếp diễn tại Trung Đông vốn phức tạp như vị trí địa lý và tôn giáo của nó.
Các hồ sơ cũ “giậm chân”
Vị trí trọng yếu nối liền 3 châu lục Á-Phi-Âu và là cái nôi của 3 tôn giáo lớn khiến khu vực này có một lịch sử lâu dài tranh chấp và bạo lực, trong đó cuộc xung đột giữa Israel và Palestine được xem là phức tạp nhất. Sau một thời gian tạm ngơi, năm 2021 dư luận quốc tế một lần nữa lại chứng kiến cuộc giao tranh quân sự khốc liệt kéo dài 11 ngày giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Đây là cuộc xung đột quy mô nhất kể từ năm 2014, khiến 12 người phía Israel và 230 người phía Palestine thiệt mạng. Nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy, khoảng 120.000 người Palestine đã phải sơ tán. Cộng đồng quốc tế đã tích cực kết nối để các bên đàm phán ngừng bắn, đồng thời lên án mạnh mẽ tình trạng dân thường bị sát hại trong cuộc chiến. Hậu xung đột, không có sáng kiến hòa bình nào được đưa ra hỗ trợ tiến trình hòa bình Trung Đông. Thay vào đó, mâu thuẫn giữa cộng đồng Arab và Do Thái tại Israel càng bị khoét sâu, với các vụ biểu tình và bạo lực liên tiếp xảy ra.
Tâm điểm bất ổn thứ hai của khu vực, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran tiếp tục “giậm chân tại chỗ”. Tháng 4, thế giới tràn trề hy vọng khi Tehran và các nước phương Tây quyết định nối lại đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Mỹ đã đơn phương rút từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, 6 vòng đàm phán tại Vienna (Áo) đã sớm đi vào bế tắc khi các bên không tìm được tiếng nói chung liên quan đến chính sách cấm vận của Mỹ và tiến trình làm giàu urani của Iran. Vòng đàm phán thứ bảy trong tháng cuối cùng của năm cũng đang đi vào ngõ cụt, dù chưa có tuyên bố chính thức. Trong khi đó, Iran đã có những bước tiến chưa từng có trong quá trình làm giàu urani. Thông tin về việc Israel đã chuẩn bị phương án tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn kéo cả khu vực vào vòng tham chiến.
Năm qua, Trung Đông còn được nhắc đến bởi cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá là tồi tệ nhất lịch sử Liban. Hơn một năm sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut khiến trên 200 người thiệt mạng, nền chính trị bất ổn, đồng nội tệ mất giá đã đẩy 78% dân số nước này vào nghèo khổ. Trong khi đó, cuộc xung đột tại Syria với sự can dự của một số cường quốc bên ngoài đã bước sang năm thứ mười, khiến gần 600.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương.
Tại Yemen, xung đột bước sang năm thứ sáu đã làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng, trong đó quá nửa vì các yếu tố gián tiếp như thiếu ăn và bệnh tật.
Tại Jordan, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp và bất đồng về cải cách cũng đang là một thách thức đối với chính quyền.
Đối ngoại khởi sắc
Trong khi một số quốc gia Trung Đông chật vật với xung đột và khủng hoảng, các nước khác bắt đầu gượng dậy sau những cú giáng kinh tế của đại dịch và kích hoạt trở lại các hoạt động ngoại giao để phục vụ phát triển kinh tế. Một số nước có ảnh hưởng hoặc đang tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực cũng tự tin hơn trong theo đuổi các chính sách thực dụng, tận dụng thời gian căng thẳng ngoại giao lắng dịu trong đại dịch. Thậm chí, năm qua còn chứng kiến một loạt hoạt động ngoại giao tích cực và chủ động giữa các nước từng hoặc đang có sự đối đầu về chính trị và ngoại giao.
Hai hạt nhân tiêu biểu trong hoạt động đối ngoại là Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Sau cuộc xung đột với Hamas và sau khi thành lập được chính phủ mới, chính phủ liên minh của Israel bắt đầu tăng cường các hoạt động đối ngoại tích cực. Nổi bật là các chuyến công du của Thủ tướng Naftali Bennett tới Mỹ, Nga, Ai Cập và UAE, Ngoại trưởng Yair Lapid thăm Maroc, Bahrain. Israel cũng tăng cường các hoạt động đối ngoại tại Liên hợp quốc, hâm nóng lại quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ…Sau các cuộc tiếp xúc ngoại giao là hàng loạt thỏa thuận hợp tác mang tính “lịch sử” đã được Israel ký kết với các đối tác. Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ, Israel, UAE và Ấn Độ đã quyết định thành lập một diễn đàn chung để thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Trong khi đó, UAE cũng có sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại, hướng tới phục vụ các mục tiêu kinh tế và hạn chế tham gia các vấn đề chính trị khu vực. Biểu tượng của sự thay đổi này là các cuộc tiếp xúc cấp cao với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm của Thái tử Abu Dhabi thuộc UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan tới Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 11 đã mang lại một loạt thỏa thuận hợp tác và đầu tư chiến lược giữa hai nước. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức UAE tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi quan hệ hai bên lạnh nhạt do bất đồng về một loạt vấn đề nội bộ và khu vực.
Đầu tháng 12, Cố vấn an ninh quốc gia UAE Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan tiếp tục tới Iran, đáp lễ chuyến thăm trước đó của thứ trưởng ngoại giao Iran, nơi hai bên tuyên bố “mở ra một chương mới trong quan hệ song phương”. Đây là một hoạt động ngoại giao hiếm hoi của một quốc gia Arab tại Tehran, phản ánh thực tế các quốc gia Trung Đông đang tạm gác lại mâu thuẫn chính trị để nhường chỗ cho hợp tác kinh tế vốn cấp bách hơn.
Không chỉ các nước nhỏ, Saudi Arabia - quốc gia lớn nhất Trung Đông – trong năm qua cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao. Đáng kể nhất là các cuộc tiếp xúc giữa Saudi Arabia và Iran, hai đại diện tiêu biểu của nhiều vấn đề tranh chấp trong khu vực. Bốn cuộc tiếp xúc đã được tổ chức thông qua trung gian là Iraq, dù chưa mang lại kết quả thực chất, song cho thấy nỗ lực hàn gắn của cả hai bên.
Ở phía Đông Địa Trung Hải, Jordan đã quyết định chấm dứt thập kỷ lạnh nhạt để nối lại quan hệ ngoại giao với Syria, đồng thời tăng cường hợp tác năng lượng với Ai Cập. Trong khi đó, Ai Cập hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận Lybia và khu vực Đông Địa Trung Hải. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi “làm lành” với UAE, Ankara tiếp tục tuyên bố sẽ “hâm nóng” quan hệ với Israel và Ai Cập.
Song song với các hoạt động ngoại giao song phương đan xen, diễn đàn đa phương khu vực cũng sôi động không kém với việc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) quyết định chào đón thành viên Qatar trở lại sau nhiều năm tẩy chay. Thái tử Saudi Arabia, Mohammad Bin Salman đã ôm chào Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad al Thani ngày 5/1/2021 và được coi là một “cái ôm biểu tượng”nối lại tình đoàn kết của GCC, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, UAE và Qatar. Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 14/12 vừa qua, GCC đã ký một thỏa thuận đầy ý nghĩa đúng dịp kỷ niệm 40 thành lập khối, là Hiệp định chống phòng thủ lẫn nhau. Theo đó, các bên nhất trí bất cứ sự đe dọa nào đối với một thành viên đều là sự đe dọa đối với cả nhóm.
Kinh tế tạo đà cho chuyển động
Những chuyển biến tích cực trong năm qua tại Trung Đông xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất là việc Mỹ giảm dần hiện diện trong khu vực đã thúc đẩy các nước Trung Đông tìm đến nhau, thay vì hướng ra bên ngoài để tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính trị và kinh tế ở trong nước. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan là những ví dụ điển hình.
Thứ hai, các liên minh hình thành vì mục đích chính trị đã nhận thấy “mất nhiều hơn được” khi các cơ hội hợp tác vuột dần. Chẳng hạn liên minh tẩy chay Israel để ủng hộ Palestine, liên minh giữa các thành viên GCC trừng phạt Qatar với lý do “tài trợ khủng bố” hay liên minh chống Thổ Nhĩ Kỳ cũng với lý do tương tự. Các liên minh này được hình thành dựa trên lý tưởng và nguyên tắc “đạo đức”, nhưng tỏ ra không hiệu quả trong thời đại kinh tế nắm vai trò quyết định.
Thứ ba, hậu quả của COVID-19 đã khiến các chính phủ đều chịu sức ép tập trung cải thiện nền kinh tế sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Một số cũng có tham vọng tầm nhìn riêng về kinh tế, chẳng hạn các hoạt động ngoại giao kinh tế giữa Israel với UAE và Jordan, hay Thổ Nhĩ Kỳ với UAE và Ai Cập.
Thứ tư, sau sự rút lui của Mỹ, một số nước lớn tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, kể cả thông qua tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.
Thứ năm, cùng với đà mở rộng của loạt “Thỏa thuận Abraham” giữa Israel và các nước Arab/Hồi giáo, các mối liên kết thuần khiết dựa trên những bản sắc chung Arab và Hồi giáo đang được bổ sung bằng các mối quan hệ dựa trên những lợi ích chung về chính trị và kinh tế.
Các xu hướng quan hệ nói trên giúp các quốc gia Trung Đông gỡ bỏ những bất đồng không thực chất, giải quyết các vấn đề nội bộ và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đa dạng hơn, thay vì chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ dầu mỏ. Tuy nhiên, song song với đó là sự tụt hậu của một nhóm nước và vùng lãnh thổ đang gặp nhiều khó khăn do xung đột, khủng hoảng chính trị và kinh tế như Yemen, Syria, Libya, Liban và Palestine. Đặc biệt, ngày càng thiếu vắng sự ủng hộ đối với người Palestine, vốn được xem là “hòn đá tảng” để có được sự đồng thuận trong khối Hồi giáo Arab, qua đó tìm kiếm giải pháp triệt để cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
Nhìn lại năm 2021,Trung Đông đã hình thành nên những mối quan hệ và liên minh về kinh tế, chính trị, an ninh ít người có thể tưởng tượng cách đây một năm. Tuy nhiên, những mâu thuẫn và xung đột cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Xét bối cảnh và động lực của các mối quan hệ nêu trên, có lẽ phải cần rất lâu nữa Trung Đông mới có được mức độ hợp tác, hội nhập cùng phát triển như các khu vực khác trên thế giới.