06:05 06/06/2014

Trưng bày “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 -1965”

Đợt trưng bày “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 -1965”, do Trung tâm Văn hóa Heritage Space - Dolphin Plaza và Diễn đàn sách xưa phối hợp tổ chức, sẽ khai mạc ngày 7/6/2014, tại Trung tâm Văn hoá Heritage Space - Dolphin Plaza (Hà Nội).

Đợt trưng bày “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 -1965”, do Trung tâm Văn hóa Heritage Space - Dolphin Plaza và Diễn đàn sách xưa phối hợp tổ chức, sẽ khai mạc ngày 7/6/2014, tại Trung tâm Văn hoá Heritage Space - Dolphin Plaza (Hà Nội).


Tại đây sẽ giới thiệu hầu hết những tờ báo nổi bật của báo chí quốc ngữ từ những ngày đầu xuất hiện, được chọn ra từ bộ sưu tập của ba thành viên “Diễn đàn sách xưa”, gồm Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường và Nguyễn Phát Hà Giang. Bên cạnh những đầu báo nổi tiếng như Gia Định báo, Nam Phong, Thanh Nghị, Phong Hóa, Khai Trí Tiến Đức tập san; công chúng sẽ được xem và đọc những tờ báo đầu tiên về chủ đề công-thương-đầu tư như: Nông cổ Mín đàm, Sài Gòn Kinh tế tuần báo; những tờ báo đầu tiên nói về chủ đề Phụ nữ quan tâm như: Phụ Nữ Tân Văn, Bình đẳng nhật báo; báo dành cho thiếu nhi như Nhi đồng tạp chí, Nhi đồng họa báo.

 

Báo “Phụ nữ Tân văn”.


Đến với buổi trưng bày, công chúng sẽ có những khám phá thú vị về lịch sử báo chí Việt Nam. Nếu vẫn đang nghĩ rằng trước năm 1945, người phụ nữ không có tiếng nói và không có nhiều vai trò trong xã hội, thì có thể chúng ta đã chưa biết về xã hội ấy. Từ năm 1918, nữ giới đã có tờ báo đầu tiên dành riêng cho mình là tờ "Nữ giới chung". Sau đó, tới năm 1929, tờ “Phụ nữ Tân văn” ra đời, đi tiếp con đường của “Nữ giới chung” và trở thành tờ báo dành cho nữ giới lừng danh trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Và bạn đọc sẽ được tận mắt đọc tờ “Phụ nữ Tân văn” tại buổi trưng bày. Rồi báo “Đông Pháp thời báo” ra mắt thời Pháp thuộc, mỗi số có từ bốn đến tám trang, khổ lớn 65x40 cm, xuất bản ba kỳ một tuần vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Số đầu ra ngày 2/5/1923, số cuối (809) ra ngày 22/12/1928. Ban đầu báo do Nguyễn Kim Đính chủ trương, sau vì thua lỗ nên phải bán lại cho hai ông Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá (từ số 635, thứ sáu, ngày 14/10/1927). Ông Diệp Văn Kỳ cũng đổi ngày ra báo sang các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy và cho ra các phụ trương thể thao, phụ nữ và trẻ em, văn chương. Ông Kỳ đã mời thêm các cây bút tên tuổi ngoài bắc như Tản Đà và Ngô Tất Tố vào Nam để tăng cường cho ban biên tập báo… Những thông tin thú vị này đều sẽ có tại buổi trưng bày.


Đặc biệt, trong buổi khai mạc sáng ngày thứ bảy 7/6/2014 sẽ có cuộc giao lưu với ba nhà sưu tầm tham gia triển lãm lần này và sự có mặt của các khách mời: Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Vũ Thế Long, nhà bách khoa toàn thư Nguyễn Trung Thuần. Họ cùng tham gia bàn luận quanh chủ đề “Báo chí Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông Tây xưa và nay”.


Trưng bày diễn ra tới hết ngày 15/6.


Anh Minh