08:09 03/08/2011

Trực ứng cứu đảm bảo an toàn hồ, đập

Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã trao đổi với PV Tin Tức về các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.

Ông Đào Xuân Học (ảnh), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã trao đổi với PV Tin Tức về các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.

Xin Thứ trưởng đánh giá thực trạng an toàn hồ chứa trên cả nước hiện nay?

Các hồ chứa xây dựng từ những thập kỷ 75-90 thế kỷ trước. Lúc đó, vốn xây dựng có hạn, các địa phương tự làm là chính nên chất lượng không tốt.
Vì vậy, hiện nay, các công trình trên đã phát sinh nhiều vấn đề, có hồ chưa đảm bảo an toàn do chất lượng thi công, chất lượng nền đập xử lý chưa tốt, thân đập đắp thủ công nên thấm, tràn. Bên cạnh đó, một số hạng mục thi công chưa đảm bảo nên phải xem xét lại để nâng cấp, sửa chữa, trong đó có vấn đề xử lý chống thấm, tràn…

Hiện nay, các hồ chứa lớn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm sửa chữa, còn các hồ chứa nhỏ được giao cho các địa phương trực tiếp quản lý, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa.

Theo Thứ trưởng, cần có những giải pháp nào để đảm bảo an toàn các hồ chứa khi bước vào mùa mưa bão năm nay?

Hiện Chính phủ đã có chỉ thị để các địa phương kiểm tra lại mức độ an toàn các hồ, đập, chỗ nào cần thiết mà yếu thì phải có phương án dự phòng cho phù hợp và ứng cứu kịp thời; đồng thời những nơi xung yếu phải tổ chức trực, còn lại việc nâng cấp sửa chữa là cần thiết nhưng phải có thời gian vì Chính phủ không thể đầu tư toàn bộ ngay được.

Chúng ta đã có những bài học rất rõ ràng về việc vỡ hồ chứa năm 2010, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương quan tâm đến an toàn hồ chứa, chỉ đạo trực thường xuyên cũng như trực ứng cứu kịp thời những nơi hồ chứa có vấn đề nhằm đảm bảo an toàn hồ cũng như người và tài sản. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu có thể gây mưa cực đoan, khi đập đất bị tràn qua thân đập thì nguy cơ vỡ đập tới 99%, vì vậy trực để ứng cứu kịp thời rất quan trọng. Đối với những hồ chứa trong tính toán có vấn đề cũng phải có giải pháp dự phòng.

Các hồ chứa lớn được đánh giá là an toàn hiện chỉ cần sửa chữa những hạng mục nhỏ, còn những hồ nguy cơ mất an toàn nhiều nhất lại là các hồ nhỏ do thi công từ thời vốn chưa có, địa phương tự làm, thậm chí có hồ xây dựng không có tràn bê tông, không có tràn đá… rất nguy hiểm. Tuy nhiên, những hồ nhỏ này hiện được địa phương rất quan tâm đến vấn đề an toàn. Theo đánh giá thì phần lớn các hồ này dưới hạ lưu không có dân, nếu xảy ra vỡ thì chỉ thiệt hại về sản xuất, còn những hồ dưới hạ lưu có dân được các địa phương cấp tập sửa chữa và đưa lên vị trí ưu tiên, khi thấy mất an toàn phải sơ tán dân. Do đó, vai trò của các địa phương là rất quan trọng.

Do vai trò và tầm quan trọng của hồ thủy lợi nên tôi cho rằng các địa phương cần thực hiện nghiêm túc các chỉ thị cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để tăng mức độ an toàn hồ chứa và giảm thiệt hại. Hiện nhiều địa phương đã làm tốt công tác an toàn hồ đập như cắm mốc cảnh báo, còi ủ, thông báo trước cho người dân khi có nguy hiểm xảy ra.

Xin cảm ơn ông!