10:17 12/10/2014

'Trồng người' tại Australia: Ý thức là quan trọng

Người Australia đánh giá giáo dục không phải là giúp học sinh vượt qua các kỳ thi, mà là trang bị cho họ kỹ năng để sống và làm việc hiệu quả.

Tôi có nghe cuộc tranh luận của một cậu bé lớp 4 và người mẹ: Tại sao mọi người cứ muốn trở thành giáo sư, bác sỹ? Khi mục tiêu của ai cũng là kiếm được nhiều tiền thì sao không là một thợ sửa chữa có tay nghề hay một công nhân xây dựng.

Học sinh Australia tự tin hội nhập trong ngày hội đa văn hóa.


Mẹ cậu bé bảo: Vì khi con là một bác sỹ, con sẽ nhìn lên và mọi người sẽ nhìn lên con. Khi con là công nhân, có khi con sẽ phải nhìn xuống. Cậu bé bình thản: Chưa chắc, để xem.

Đó là tư duy của hai mẹ con một gia đình người Việt ở Sydney. Đã có sự khác nhau giữa hai thế hệ trong cách suy nghĩ về nghề nghiệp và cuộc sống.

Ở Australia, những người lao động chân tay có mức lương rất cao. Chính vì vậy, những thợ sửa chữa, những công nhân lao động... đều có “của ăn của để”. Ban ngày còn thấy họ lấm lem trong bộ bảo hộ lao động, nhưng chiều tối đã thấy họ vi vu trên chiếc xe hơi đắt tiền, cùng gia đình đi hưởng thụ cuộc sống theo cách riêng.

Trong khi đó, một vài anh bạn đồng lứa vẫn đang chuyển hết khoa này sang khoa khác ở đại học, chuyển liên tục (theo chu kỳ 6 tháng) cho đến khi định hướng được nghề phù hợp để theo đuổi. Đây cũng là lý do khiến mức nợ của sinh viên Australia tăng kỷ lục.

Báo cáo của viện Grattan cho thấy các sinh viên và cựu sinh viên đã nợ Chương trình cho vay ở giáo dục bậc đại học (HELP) với số nợ là 26,3 tỷ AUD, tăng gần 10 tỷ so với năm 2007. Trong số này, 6,2 tỷ AUD là không có khả năng hoàn trả.

Tất nhiên, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Một vài nghiên cứu ở Australia cũng cho thấy một người tốt nghiệp đại học có thể kiếm hơn 1 triệu AUD so với một người chưa học hết lớp 12 trong suốt cuộc đời đi làm của họ.

Có thể nói khả năng kiếm tiền của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song giáo dục đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân.

Người Australia đánh giá lợi ích lớn nhất của giáo dục là “trồng người”. Giáo dục giúp con người có thể tự chủ, linh hoạt trong công việc, nhanh thích nghi, chấp nhận thử thách, ham học hỏi, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, có thể cạnh tranh...

Giáo dục không phải là giúp học sinh vượt qua các kỳ thi, mà là trang bị cho họ kỹ năng để sống và làm việc hiệu quả. Bậc trung, lão niên, đặc biệt là đối tượng di dân, ở Australia đang rất phấn khởi với chương trình hỗ trợ giáo dục của chính phủ, theo đó, họ có thể tham gia một khóa học thực tế phục vụ công việc hiện nay hoặc trang bị kiến thức để có thể kiếm được việc làm như ý.

Để khuyến khích những người trong độ tuổi từ 27-77 tích cực tham gia các khóa học (6 tháng/khóa), Chính phủ Australia tặng miễn phí một máy tính xách tay và máy tính bảng cho các học viên. Chính phủ Australia xác định đây là những đối tượng trong lực lượng lao động, cần phải làm việc, và gia đình có vững mạnh, đất nước mới cường thịnh.

Giáo dục luôn là quốc sách của mọi quốc gia, chỉ khác nhau ở mô hình và hiệu quả triển khai thực tế. Với Australia, sự bền vững có thể bắt đầu từ trường học, vì vậy hệ thống giáo dục ở Australia luôn được đầu tư, đổi mới và tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Trong quá trình nâng tầm giá trị ấy, Australia còn khai thác thế mạnh của nền giáo dục nước nhà, biến nó trở thành ngành dịch vụ có thu, ở góc độ nhất định, và đó chính là một trong những điều làm nên đẳng cấp giáo dục bền vững ở Xứ sở Chuột túi.



Tin, ảnh: Đỗ Vân
(Pv TTXVN tại Australia)