01:14 27/01/2011

Trồng hoa Tết: Kẻ cười, người khóc

Tết năm nay, thời tiết giá lạnh khiến nhiều nhà vườn “méo mặt” vì hoa không đúng thời vụ. Trong khi đó, lại có những vùng trồng hoa, cây cảnh tấp nập khách mua vừa được mùa lại vừa được giá...

Tết năm nay, thời tiết giá lạnh khiến nhiều nhà vườn “méo mặt” vì hoa không đúng thời vụ. Trong khi đó, lại có những vùng trồng hoa, cây cảnh tấp nập khách mua vừa được mùa lại vừa được giá...

Đìu hiu hoa Tết Phú Yên

Mùa hoa Tết năm nay, tại các làng hoa Phước Hậu, Ninh Tịnh, Liên Trì thuộc thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) vắng bóng những đoàn xe tải đến chở hoa, cây cảnh đi tiêu thụ ngoài tỉnh.

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Anh Nguyễn Phong - một người trồng hoa ở Phước Hậu cho biết: Tết năm ngoái, trung bình mỗi chuyến xe chở 200 chậu hoa đi bán ở tỉnh ngoài bị lỗ 3 - 7 triệu đồng, nên năm nay các thương lái ngại không dám đặt cọc mua hoa trước. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay quá thất thường, mưa rét triền miên nên hoa nở không đúng Tết.

Cách đây hơn 2 tháng cũng đã có vài thương lái đến tận nhà vườn tìm hiểu và đặt cọc nhưng bây giờ họ chấp nhận mất vài triệu đồng tiền đặt cọc còn hơn là chở hoa đi bán mà không dám chắc có tiêu thụ được không.


Vì vậy, vùng trồng quất tập trung ở Ninh Tịnh, Liên Trì... vẫn còn “tồn” cả trăm nghìn chậu trong vườn mặc dù giá giảm 20 - 40%. Nếu năm ngoái, một chậu quất đẹp giá khoảng 350.000 đồng thì nay hạ còn 230.000 đồng nhưng chẳng có mấy người mua. Một người trồng hoa ở Ninh Tịnh than thở: “Giá quất năm nay chắc cũng chỉ từ 100.000 - 140.000 đồng/chậu”.

Tương tự như vậy, vùng trồng mai ở Phước Hậu cũng trong tình cảnh trên vì năm nay do thời tiết rét lạnh nên Tết sắp đến mà hàng chục nghìn chậu mai chưa ra búp.

Năm ngoái, vào thời điểm này, mỗi ngày có ít nhất 20 xe tải đến làng hoa Phước Hậu chở hoa đi tiêu thụ nhưng nay chỉ có vài chiếc, đồng thời thương lái cũng chỉ dám mua những loại hoa rẻ tiền như giấy, thược dược, vạn thọ...

Tấp nập làng cây kiểng “made in Sóc Trăng”

Năm nay, người dân Sóc Trăng có thể mua được những cây mai, cau kiểng Tết mang thương hiệu “made in Sóc Trăng” từ làng cây cảnh (kiểng) phường 8, thành phố Sóc Trăng.

Gia đình ông Trần Văn Quyến có vườn cau rộng trên 5.000 m2, vừa bán quanh năm, vừa xuất hàng dịp Tết. Hiện gia đình ông đang trồng khoảng 1.200 cây cau kiểng với 4 loại chính là cau tứ quý, cau đuôi phụng (hay cau đuôi chồn), cau vua, cau sâm banh.


Mỗi năm, gia đình ông có thể bán trên 20 đợt, thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/đợt. Ông cho biết, trước đây gia đình trồng táo nhưng thu nhập không ổn định nên chuyển qua trồng cau kiểng để bán trong dịp Tết và bán cho các công trình xây dựng để trang trí. Những ngày gần đây, cả nhà ông rất bận rộn với việc chăm sóc và bán cau.

Được xem là người thành công và có thâm niên của phường trong việc “tạo” kiểng bán Tết, anh Nguyễn Hồng Đức đang sở hữu 1 vườn mai trên 200 gốc, trong đó trên một nửa là mai loại lớn. Anh cho biết, cây nhỏ giá từ 200.000 - 400.000 đồng, mai loại lớn giá cao gấp đôi. Ngoài mai, anh còn ươm thêm mai giống, trồng cau phát tài trong vườn và nuôi cá cảnh bán trong dịp Tết.

Càng gần thời điểm cuối năm, anh Nguyễn Ngọc Duy Minh càng bận rộn hơn với việc nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc 3 công (0,3 ha) hoa huệ trắng. Đây là thời điểm việc chăm sóc hoa được làm kỹ lưỡng nhất để phục vụ mùa hoa Tết, bán hoa được giá nhất.


Trao đổi với chúng tôi, anh Minh cho biết, khác với nhiều loại hoa màu, cây hoa huệ chỉ 1 lần trồng, cho thu hoạch từ 2 năm trở lên. Sau hơn 2 tháng xuống giống, cứ 2 ngày thu hoạch từ 200 - 300 bông, bán cho thương lái với giá 1.000 - 1.600 đồng/bông, mỗi ngày anh cũng có thu về trên dưới 300.000 đồng. Vào những ngày rằm, lễ, Tết, huệ hương có giá cao gấp 4 - 5 lần ngày thường, vì vậy lợi nhuận từ trồng hoa huệ cao gấp nhiều lần các loại cây trồng khác, thu khoảng 25 triệu đồng/công/tháng.

“Xứ hoa” vui hơn Tết

Nguồn hoa một số vùng giảm, diện tích hoa Tết ở Đà Lạt cũng không tăng, chỉ khoảng hơn 100 triệu đơn vị (cành, chậu). Thế nhưng, người trồng hoa Đà Lạt lại mừng vì mùa hoa Tết năm nay xứ hoa Đà Lạt không sợ bị “dội hàng” như một số năm trước.

Một số loại hoa gần như đã được đặt hàng hết, nhất là hoa địa lan. Theo ông Đoàn Văn Quỳnh - chủ vườn lan Anh Quỳnh (một trong những vườn lan nổi tiếng nhất Đà Lạt) thì Tết năm nay ước tính cả Đà Lạt chỉ xuất bán được khoảng 40.000 - 50.000 cành địa lan các loại.


Lượng hoa địa lan không tăng do nhiều người chuyển từ trồng hoa địa lan sang trồng các loại hoa ngắn ngày để “quay vòng” nhanh. Đồng thời do thời tiết quá lạnh kéo dài nên rất nhiều vườn lan không nở kịp Tết.

Với hơn 50 giống hoa các loại, cúc là loại hoa đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng sản lượng hoa Tết, bình quân trên 70%. Làng hoa Thái Phiên là làng chuyên canh hoa cúc lớn nhất ở Đà Lạt, mùa hoa này có hơn 80 ha cho thu hoạch.


Theo nhiều nông dân trồng hoa ở đây thì riêng việc cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung trong ngày đưa ông Táo về trời đã hút một lượng hoa cúc rất lớn. Số còn lại gần như đã được các thương lái đặt mua để cung ứng cho dịp Tết. Các loại hoa khác như cát tường, lay ơn, hoa hồng... ở nhiều nhà vườn cũng đã “có chủ".

Theo nhận định của một số công ty sản xuất và kinh doanh hoa cũng như nhiều nông dân trồng hoa, chủ các trang trại hoa ở Đà Lạt thì việc giá tăng dần đến ngày áp Tết là thực trạng chung của nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên so với nhiều loại hàng hóa khác cũng như tốc độ tăng giá của hoa những năm trước thì giá nhiều loại hoa ở Đà Lạt đang “nóng” khá nhanh.

Hoa cúc các loại tại vườn hiện nay đã ở mức bình quân 1.500 - 1.700 đồng/cành. Sau ngày 23 tháng Chạp, giá hoa cúc được dự báo không thể dưới 2.000 đồng/cành.

Giá nhiều loại hoa khác cũng đều. Đơn cử như giống lan Cam Lửa vào đầu tháng này bình quân có giá khoảng 800.000 đồng/cành, thì hiện nay đã dao động ở mức 1,3 – 1,5 triệu đồng/cành; các giỏ phong lan nhỏ bình thường giá từ 100.000 - 200.000 đồng hiện được bán từ 300.000 - 500.000 đồng...


Tuy giá đã tăng cao nhưng qua khảo sát nhanh tại một số vùng trồng hoa ở Đà Lạt thì vẫn còn một số nông dân không bán theo đặt hàng của các thương lái mà giữ hoa lại với hy vọng “ trúng đậm hơn ” vào những ngày áp Tết.

Được giá và lợi nhuận cao là điều mà hầu hết các doanh nghiệp, nông dân... trồng hoa ở Đà Lạt có được trong mùa hoa Tết năm nay. Không ít chủ các trang trại hoa thu lãi ròng trong vụ hoa Tết năm nay từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Hoa Tết đang thực sự mang lại những nụ cười tươi như hoa cho hàng nghìn người trồng hoa ở Đà Lạt.

Thế Lập, Chanh Đa, Phan Văn Đông