06:14 17/06/2017

Trông chờ tuyến buýt đường sông tại TP Hồ Chí Minh

Việc đưa tuyến buýt đường sông đầu tiên của TP Hồ Chí Minh vào hoạt động trong tháng 6 được xem là nỗ lực lớn của ngành giao thông vận tải nhằm giảm tải cho đường bộ đang ùn tắc nghiêm trọng.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 87 tuyến sông cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Các tuyến đường sông do thành phố quản lý có 574 km. Trung ương quản 252 km các tuyến sông lớn, ngoài ra còn có gần 147 km đường biển. Tuy nhiên, nhiều năm qua những tuyến đường này đã không được tận dụng tốt trong quy hoạch giao thông đường thủy.

TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông ngòi chằng chịt giúp phát triển giao thông đường thủy.

Nhằm giảm tải cho giao thông đường bộ, dự kiến trong tháng 6 này Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh (GTVT) sẽ đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông đầu tiên trên sông Sài Gòn (Bạch Đằng, quận 1 - Linh Đông, quận Thủ Đức). Ba tháng sau đó tuyến thứ 2 sẽ khai thác từ bến Bạch Đằng đi quận 8. Giá vé dự kiến sẽ là 15.000 đồng mỗi lượt. Tuyến buýt đường sông này được kết nối với buýt đường bộ, để khi hành khách đến bến Bạch Đằng sẽ có xe buýt đi đến các địa điểm khác trong thành phố.


Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng quản lý vận tải thủy thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, hai tuyến buýt đường sông đưa vào hoạt động là loại hình vận tải mới của thành phố. Ngoài việc giảm ùn tắc giao thông, thời gian di chuyển của nó tương đối chính xác nên sẽ thu hút được một bộ phận người dân đi lại với quỹ thời gian hạn hẹp.


“Đặc biệt lợi thế của hai tuyến này là có luồng tuyến ổn định, bến bãi có khả năng tiếp cận, kết nối tốt với giao thông đường bộ hứa hẹn sẽ phát triển. Điểm khác biệt của tuyến buýt đường sông này là hành khách khi sử dụng buýt sông sẽ không cần mặc áo phao vì tàu được thiết kế đảm bảo độ an toàn cho hành khách”, ông Bằng cho biết thêm.


Theo đó, tuyến buýt đường sông khai thác trên những tàu hiện đại, an toàn do một doanh nghiệp tư nhân là công ty TNHH Thường Nhật đầu tư theo hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) với tổng mức đầu tư khoảng 125 tỷ đồng. Nguồn thu của dự án chủ yếu từ hoạt động bán vé, do đó nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động và ngân sách thành phố sẽ không cấp bù nếu doanh thu không hiệu quả.


Theo quy hoạch, tuyến buýt đầu tiên đưa vào khai thác là tuyến số 1 từ Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức) dài gần 11 km. Trên toàn tuyến có tổng 7 bến đỗ thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, sau đó kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới phường Linh Đông, quận Thủ Đức và ngược lại. Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài hơn 10 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại.


Theo tính toán của chủ đầu tư, trong giai đoạn đầu sẽ trang bị 10 tàu với sức chở tối thiểu khoảng 60 - 80 người. Với khoảng cách 11 km, thời gian di chuyển sẽ là 30 phút mỗi chuyến, ước tính mỗi ngày 2 tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển khoảng 5.000 khách. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.


Ngoài ra, khu bến trung tâm của 2 tuyến buýt đường sông này sẽ được xây dựng ở quận Thủ Đức với diện tích khoảng 3 ha gồm các hạng mục: Bến đón trả khách, Khu vận hành bảo dưỡng và neo đậu tập kết tàu về đêm; khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh bến trung tâm trên, các bến khác có diện tích khoảng 50 m2 gồm khu đón trả khách, kiốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh... Riêng bến Bạch Đằng sẽ do thành phố quy hoạch và xây dựng.


Tuy nhiên, việc phát triển buýt đường sông sẽ gặp phải khó khăn do hạ tầng giao thông đường thủy còn chưa phát triển như: trên tổng số 87 tuyến đường sông thì có 27 tuyến có độ tĩnh không của cầu không đạt tiêu chuẩn theo luồng quy định; tình hình sạt lở bờ sông và tác động của chế độ thủy triều vẫn ảnh hưởng lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường, vứt rác ra kênh rạch vẫn diễn ra...


Vì vậy, theo ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu đường sông TP Hồ Chí Minh, để giải quyết các khó khăn trên, các đơn vị đầu tư cần có kế hoạch cải tạo nạo vét luồng, nâng cấp các cầu có tĩnh không thấp để không làm hạn chế giao thông thủy. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân sinh sống hai bên bờ sông giữ gìn vệ sinh môi trường nước.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức