02:09 04/02/2011

Trò chuyện cùng “cha đẻ” của Đề án 1816

Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" (gọi tắt là Đề án 1816) được đánh giá là thành công đặc biệt của ngành y tế trong năm 2010.

Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" (gọi tắt là Đề án 1816) được đánh giá là thành công đặc biệt của ngành y tế trong năm 2010.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (ảnh), “cha đẻ” của Đề án 1816, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề làm thế nào để Đề án này ngày càng phát huy hiệu quả.

Sau 2 năm triển khai Đề án 1816, Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự trưởng thành của “đứa con” do ông “sinh” ra ?

Cảm ơn chị đã dành cho tôi những từ thú vị. Sau 2 năm triển khai, Đề án 1816 đã ghi nhận những thành quả quan trọng. Đó là, đã có 65 bệnh viện (BV) cử cán bộ đi luân phiên tại 61 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đến hết tháng 11/2010, có 3.727 lượt cán bộ của các BV trung ương được cử đi luân phiên, chuyển giao được 1.773 kỹ thuật.


Hơn 800 lớp tập huấn của cán bộ đến luân phiên đã được tổ chức để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới. Bên cạnh đó, 52 tỉnh đã có kế hoạch triển khai luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến huyện, tuyến xã. Hơn 2.049 lượt cán bộ được cử xuống hỗ trợ 331 BV, phòng khám đa khoa huyện và hơn 1.000 trạm y tế xã.


Cũng nhờ sự tích cực của các cán bộ y tế, đã có 383.125 lượt bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị; 6.726 ca đã được phẫu thuật tại chỗ do cán bộ đến luân phiên thực hiện. Những nỗ lực của các cán bộ đi luân phiên và các BV được tiếp nhận chuyển giao đã giảm 30% tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Nhưng nhiều cán bộ đi luân phiên phản ánh, khi xuống đến cơ sở thì những bác sĩ đã được chọn bồi dưỡng lại bị gạt ra ngoài (hoặc lại luân chuyển xuống tuyến dưới), thay vào đó là những người có năng lực kém; kết quả là BS tuyến trung ương phải làm thay việc của BS tuyến dưới. Nên chăng, ngành y tế cần tập trung nâng cao năng lực cán bộ y tế cho từng tuyến trước, chứ không nên rải mành mành như hiện nay?

Tôi cho rằng, nếu hiện tượng đó xảy ra là do lãnh đạo các đơn vị chưa thấm nhuần quan điểm thực hiện Đề án 1816, chưa sáng tạo trong quá trình thực hiện. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là các cán bộ y tế xuống cơ sở vừa "làm thầy" vừa "làm thay" để nhân dân địa phương được thụ hưởng những kỹ thuật của tuyến trung ương. "Làm thầy” là chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, đào tạo cán bộ tuyến dưới theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.


Các đơn vị lập kế hoạch phải dựa trên kết quả công tác chỉ đạo tuyến kết hợp với điều tra khảo sát nhu cầu cái “cần” của tuyến dưới và đánh giá khả năng đáp ứng cái “có” của tuyến trên. Sau khi khớp nối, sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và ký hợp đồng trách nhiệm giữa hai đơn vị rồi mới thực hiện. Do đó, về cơ bản việc cử cán bộ đi luân phiên phù hợp với nhu cầu và đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh của tuyến dưới.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu thực hiện, một số ít đơn vị do không tiến hành khảo sát kỹ, chỉ dựa vào công văn đề xuất của tuyến dưới để cử cán bộ xuống hỗ trợ, nên cán bộ được cử đi không phù hợp với nhu cầu, hiệu quả bị hạn chế. Bộ Y tế đã yêu cầu chấn chỉnh, chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức khảo sát kỹ và chỉ cử cán bộ xuống chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới khi tuyến dưới có đủ phương tiện, trang thiết bị và cán bộ.


Ngày 10/5/2010, Bộ đã ký và ban hành Văn bản số 2950/BYT-KCB về việc hướng dẫn xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật trong quá trình thực hiện Đề án 1816.


Văn bản này đã hướng dẫn các BV tuyến trên hoàn thiện tài liệu chuyển giao kỹ thuật, thông qua hội đồng khoa học, khảo sát đánh giá thực trạng tuyến dưới có đủ trang thiết bị thực hiện, có người tiếp nhận không, năng lực cán bộ tuyến dưới đến đâu để xác định cần đào tạo cụ thể như thế nào cho hiệu quả nhất.


Mục tiêu là sau khi đào tạo, cầm tay chỉ việc, tuyến trên rút về, tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật vừa tiếp nhận. Như vậy, việc chuyển giao kỹ thuật của các đơn vị ngày càng bài bản hơn, hiệu quả hơn.

Mục tiêu của việc phát triển các đề án BV vệ tinh cũng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các BV tuyến tỉnh một cách bền vững, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên. Vậy việc tăng cường các đề án BV vệ tinh có phải là bước phát triển cao hơn của Đề án 1816? Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường phát triển các đề án này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Công Long (người khám bệnh), Khoa tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) khám bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chẩn đoán, điều trị các bệnh khó cho các thầy thuốc tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hữu Oai - TTXVN


BV vệ tinh là một trong rất nhiều hình thức nhằm nâng cao chất lượng điều trị tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên. Hiện nay, BV Việt Đức và BV Bạch Mai là 2 đơn vị đang thực hiện mô hình BV vệ tinh hiệu quả.

Dự án BV vệ tinh của BV Việt Đức đã được triển khai từ năm 2005 tại 6 BV: Đa khoa Phú Thọ, Việt Tiệp - Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, khu vực Sơn Tây (Hà Nội). Hiệu quả là giảm 50% số bệnh nhân cần điều trị phải chuyển đến BV Việt Đức, giảm 80% số trường hợp tử vong do xử lý ban đầu sai, giảm 80% số ca tử vong do vận chuyển cấp cứu không đúng phương pháp…


Cùng với những giải pháp thực hiện ngay tại BV như tăng thêm phòng khám, kê thêm giường bệnh, cải cách thủ tục hành chính… Cho đến nay, BV Việt Đức không còn hiện tượng nằm ghép, tình trạng quá tải được cải thiện đáng kể.

Tại BV Bạch Mai cũng đã triển khai Đề án "Xây dựng một số BV vệ tinh của BV Bạch Mai giai đoạn 2009 - 2013" với 8 BV vệ tinh gồm: BV đa khoa (BVĐK) Hà Đông; BVĐK tỉnh Bắc Ninh; BVĐK Phố Nối, BVĐK tỉnh Hưng Yên; BVĐK tỉnh Tuyên Quang; BVĐK tỉnh Lào Cai II; BVĐK tỉnh Sơn La; BVĐK tỉnh Nam Định và BVĐK tỉnh Nghệ An.


Các BV vệ tinh này được BV Bạch Mai hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho cán bộ y tế, mở rộng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Nhờ vậy đã rút ngắn khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa Trung ương với địa phương, đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh ngay tại cơ sở và góp phần giảm tải cho BV Bạch Mai nói riêng và các BV tuyến trên nói chung.

Từ thành công của hai dự án này, một số BV tuyến cuối đang nghiên cứu nhân rộng mô hình BV vệ tinh, ví dụ BV Phụ sản TW đang xây dựng dự án BV vệ tinh tại 10 tỉnh miền Bắc; BV Nhi TW xây dựng mô hình BV vệ tinh tại 6 tỉnh... Ngoài ra, các BV còn triển khai mô hình liên thông giữa BV công lập với BV công lập (BV Việt Đức và BV Thể thao), giữa BV công lập và BV tư nhân...

Có thể nói, công tác Chỉ đạo tuyến là giải pháp cấp 1, Đề án 1816 là giải pháp cấp 2, các đề án BV vệ tinh là giải pháp cấp 3 để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới và giảm tải cho BV tuyến trên.

Đề án nào rồi cũng có lúc kết thúc, vậy Bộ trưởng dự định khi nào sẽ cho "đứa con” này “ra ở riêng”? Trong năm 2011, “diện mạo” của Đề án 1816 có gì thay đổi không, thưa Bộ trưởng?

Vấn đề cơ bản là phải đào tạo đủ thầy thuốc cho mọi miền đất nước. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay còn chênh lệch khá lớn về số lượng, đặc biệt là chất lượng nhân lực y tế giữa miền xuôi - miền ngược, thành thị - nông thôn, vùng kinh tế xã hội phát triển - vùng kinh tế xã hội khó khăn.


Đề án 1816 tuy chỉ là "biện pháp tình thế", lấy ngắn nuôi dài, nhưng bước đầu đã góp phần thu ngắn khoảng cách, góp phần tạo công bằng xã hội giữa các vùng miền nêu trên.


Điều đó chỉ ra rằng, Đề án 1816 còn phải thực hiện một thời gian dài để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới giảm tải cho BV tuyến trên, người dân tiếp cận với dịch vụ giá rẻ chất lượng cao ngay tại địa phương, không phải "khăn gói" về thành phố vừa tốn kém cho người bệnh, vừa gây quá tải cho BV tuyến TW.

Trong thời gian tới, việc thực hiện Đề án 1816 sẽ trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế và được luật hóa để các cán bộ y tế làm tốt hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội và người bệnh.


Đồng thời, ngành đã xác định việc luân phiên công tác cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ y tế và được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của các BV.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Phương Liên(thực hiện)