01:09 12/01/2011

Triển vọng hệ thống tiền tệ quốc tế năm 2011

Tờ Les Echos (Tiếng Vang) của Pháp ngày 10/1 đăng bài phân tích của ông Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện là Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị Đại học Harvard (Mỹ) về triển vọng của hệ thống tiền tệ quốc tế năm 2011.



Tờ Les Echos (Tiếng Vang) của Pháp ngày 10/1 đăng bài phân tích của ông Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện là Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị Đại học Harvard (Mỹ) về triển vọng của hệ thống tiền tệ quốc tế năm 2011.

Theo ông Rogoff, sau 3 năm nhiều biến động trên thị trường hối đoái, năm 2011, thế giới có thể đối mặt với một cuộc chiến về tỷ giá và sự mất giá của một số đồng ngoại tệ. Tuy nhiên, điều này sẽ không dẫn đến những dự báo rằng đà phục hồi của kinh tế thế giới bị gián đoạn.


Nhìn tổng thể, cần ghi nhận rằng hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi đã vận hành tốt. Rõ ràng do tính chất phức tạp của nhiều yếu tố rủi ro và đặc thù của các chính sách kinh tế khác nhau, rất khó có thể xác định đâu là lôgích vận động của các loại tỷ giá hối đoái.

Cùng sử dụng một đồng tiền chung, các nước trong khu vực đồng euro như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen và Tây Ban Nha sẽ không thể tăng năng lực cạnh tranh nếu như phá giá đồng euro. Sự thành công của hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi không lấp nổi những khiếm khuyết của hệ thống.


Ông Rogoff dự đoán cuộc chiến ngoại tệ chắc chắn sẽ tiếp tục. Các nước châu Á có thể sẽ chịu nhiều thua thiệt trong năm 2011, vì chắc chắn họ sẽ phải định giá lại đồng tiền của mình do sức ép lạm phát và những mối đe dọa trả đũa thương mại.

Nếu có một đồng tiền mất giá trong năm 2011, thì đó sẽ là đồng euro. Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ đứng trước sức ép quá lớn của các khoản nợ. Nếu vượt qua được, các nước này có thể phục hồi năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa.


Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn tăng các khoản cho vay đối với các nước trong khu vực đồng euro mà không tính đến thực tế liên quan đến ngân sách.


Trái lại, đồng USD có vị thế tốt hơn. Sức mua đồng USD đã ở mức rất thấp, cùng với việc tái cân đối sẽ giúp giá trị đồng USD tăng nhẹ. Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có tỷ giá phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố chính trị.


Tuy nhiên, điều quan trọng là tăng trưởng nhanh của Trung Quốc cần gắn với việc định giá đúng mức giá trị đồng NDT và giá cả ở nước này.

Khoảng giữa thập kỷ trước, người ta có cảm tưởng rằng các đồng ngoại tệ ổn định trong một giai đoạn ngắn với sự điều tiết các hoạt động kinh tế vĩ mô. Hiện nay, không ai nói đến điều đó. Hệ thống tỷ giá thả nổi thật ngạc nhiên là đang vận hành tốt.


Ông Rogoff cho rằng việc khó dự báo về những biến động tỷ giá chắc chắn còn kéo dài.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)