06:20 16/06/2015

Triển khai các giải pháp tiêu thụ nông sản

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đã giảm gần 10% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp để tìm đầu ra, gỡ khó cho tiêu thụ nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu.

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đã giảm gần 10% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp để tìm đầu ra, gỡ khó cho tiêu thụ nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyển dần thị trường

Nhắc đến trái vải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nếu như trước đây, Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 - 70% sang Trung Quốc thì năm 2014 chỉ xuất khoảng 40 - 45%. Năm nay, dự kiến con số này là khoảng 40%. Phần còn lại đã chuyển sang một số thị trường khác.

Vùng vải thiều sản xuất theo hướng VietGAP tại Hải Dương đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ. Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN



Thực tế, Mỹ và Australia đã chính thức mở cửa đối với quả vải Việt Nam. Mặc dù lượng xuất khẩu chỉ vài trăm tấn nhưng đó cũng là kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, tại một số thị trường mới như Pháp, phóng viên TTXVN ghi nhận người tiêu dùng đón nhận rất nhiệt tình, hàng bán rất chạy. Đây là cơ sở để Bộ Công Thương tính toán các phương án, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vải sang các thị trường mới. 

Không riêng gì trái vải, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong số những biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu thì trước tiên là cần mở rộng các thị trường, thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, tín hiệu rất đáng mừng là Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc.

Để đón đầu cơ hội từ FTA này, ngày 8/6 vừa qua, tại Seoul (Hàn Quốc), Bộ Công Thương đã lần đầu tiên phối hợp tổ chức khai trương Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Emart. Các sản phẩm Việt Nam được trưng bày tại đây rất đa dạng, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam như trái cây tươi, các sản phẩm từ gạo, cà phê... thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Hàn Quốc. Bộ Công Thương kỳ vọng, khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc chính thức có hiệu lực, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn nữa trong hệ thống chuỗi siêu thị của Emart, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản.

Để giải quyết những vướng mắc của nông sản Việt tại cửa khẩu Tân Thanh trước khi xuất sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đã dự kiến thành lập khu trung chuyển nông sản tại Lạng Sơn, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng. Thời gian qua, do các DN gặp khó khăn nên việc triển khai xã hội hóa dự án này chưa thành công. Hiện tại, căn cứ vào nhu cầu thực tế và yêu cầu về cơ sở hạ tầng thông quan, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Lạng Sơn để rà soát và đánh giá lại việc thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khu trung chuyển này chỉ là một trong số các giải pháp mà chúng ta đang tính đến để nâng cao chất lượng xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ còn hàng loạt biện pháp khác về lâu dài như hỗ trợ DN tiếp cận sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc thông qua các hoạt động thương mại chính thống, đồng thời có biện pháp thanh toán các hợp đồng qua ngân hàng thương mại, bảo đảm lợi ích cho DN.

Chủ động cung cấp thông tin

Ngoài việc chủ động tìm kiếm thị trường mới cho nông sản, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường, thông tin về từng sản phẩm để các DN chủ động. Điều này xuất phát từ thực tế, khâu xử lý, khai thác thông tin bị đứt đoạn dẫn đến ùn tắc nông sản.

Nông dân sản xuất dưa hấu, thanh long không được cập nhật thông tin kịp thời về quy cách, thủ tục thông quan, yêu cầu của thị trường, tập quán mua bán... dẫn đến tình trạng nông sản sản xuất tăng hằng năm nhưng năng lực thông quan của các cơ quan chức năng hai nước tại biên giới thì không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Xử lý tốt được khâu này sẽ góp phần đáng kể hạn chế việc ùn tắc nông sản vào các đợt chính vụ.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần thay đổi các chính sách theo hướng thu hút thêm ngày càng nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đã đến lúc phải coi DN là nhân tố đột phá và là động lực của phát triển nông nghiệp thời kỳ mới, xây dựng các chương trình phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế cho thấy, một chuỗi sản xuất chỉ ổn định khi có khâu trung gian cam kết thu mua và tiêu thụ giúp nông dân. Nếu để nông dân vừa sản xuất vừa đứng ra tiêu thụ thì sẽ rất khó cho họ bởi DN mới là đơn vị có thế mạnh về thông tin thị trường. 
Hoàng Dương - P.N