07:10 26/07/2012

Tri ân những người có công

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 65 năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ... Cùng với đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 65 năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Cùng với đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.


Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, Nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xứng đáng là những công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.


Trọn nghĩa vẹn tình


Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.


Hàng năm, mỗi dịp 27/7, mỗi người dân Việt Nam lại tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ…”.


Tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), hàng ngày các thương, bệnh binh luôn được các bác sĩ quan tâm chăm sóc sức khỏe tận tình. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


Theo ông Dương Minh Đỗ - Phó Cục trưởng Cục Người có công Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), đến nay cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ, hơn 50.000 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có trên 3.000 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; trên 780.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 185.000 thương binh B; 1.253 Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến... Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của nhà nước.


Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công cũng được duy trì thường xuyên. Hầu hết, người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm… Hàng vạn người có công được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống…

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền:

Trong những năm tới, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, đẩy mạnh hoạt động xã hội trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, mở rộng phong trào “toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng”; tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nghĩa; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống gia đình. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất kinh doanh, học tập và công tác.

Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh:

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng đến cuối đời với mức tối thiểu là 1 triệu đồng/tháng; thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 17.311 lượt hộ gia đình chính sách với kinh phí trên 270 tỷ đồng. Từ năm 2007, Đà Nẵng đã giải quyết cơ bản về nhà ở cho các gia đình chính sách; thành phố không còn hộ chính sách nghèo, gần 90% gia đình chính sách có mức sống từ trung bình khá trở lên, hàng năm thành phố dành gần 20 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để tặng quà đối tượng, gia đình chính sách nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, Ngày Thương binh, Liệt sĩ và trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho đối tượng, gia đình chính sách khó khăn.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Trung tướng Trần Duy Minh:

Cùng với toàn Đảng, toàn dân, các đơn vị quân đội đã không ngừng nêu cao trách nhiệm chính trị, tình cảm cách mạng, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, thủy chung; vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thực hiện kịp thời, chu đáo về chăm sóc, cứu chữa, nuôi dưỡng thương binh. Trong chiến đấu, mọi quân nhân, mọi đơn vị luôn thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ. Đó vừa là kỷ luật chiến trường, đồng thời là tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng với đồng chí, đồng đội; vừa là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao sức mạnh chiến đấu và giành chiến thắng.


Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu sửa nghĩa trang, đền đài liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ, 3.540 nhà bia ghi tên liệt sĩ và 3.077 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số trên 780.000 mộ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hóa, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, đạo đức, giáo dục như: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Đài tưởng niệm liệt sĩ Thái Nguyên...


Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, quản lý dữ liệu thông tin hồ sơ liệt sĩ, hỗ trợ nhà ở cho người có công trở thành những vấn đề quan trọng có tính cấp thiết và đã được triển khai xây dựng thành các dự án, đề án mang tầm quốc gia, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của toàn xã hội.


Cùng với chính sách của nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát triển rộng khắp. Nhiều phong trào được phát triển từ các thôn, bản, xã phường, được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi cả nước, như phong trào: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ; nhiều địa phương kết nghĩa, giúp đỡ xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa và công trình phục vụ đời sống xã hội…


Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã vận động được 1.263 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đạt 17,5 tỷ đồng. Từ số tiền này, hàng năm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong cả nước xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa... với tổng số tiền 14,567 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ cho 187 thương, bệnh binh nặng của các trung tâm nuôi dưỡng về sinh sống tại gia đình với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng.


“Tàn nhưng không phế”


Ơn trả, nghĩa đền đó là đạo lý của dân tộc ta. Không ỷ lại sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên muôn vàn khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.


Trong phong trào đó đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương đáng khâm phục, bởi họ không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sỹ tiên phong trong trận chiến chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu góp phần xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.


Đó là anh Nguyễn Duy Nở, xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là bộ đội bị nhiễm chất độc hóa học, phục viên trở về địa phương công tác, với ý thức tự lập, tự cường, dám nghĩ dám làm. Năm 2002, anh đã thành lập Công ty Hoàng Tuấn. Hơn 10 năm qua, công ty đã đứng vững trên thương trường với cơ sở vật chất gồm 24 xe ô tô vận tải, trên 20 đầu máy công trình và nhiều thiết bị thi công khác có giá trị hàng chục tỷ đồng. Công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, tham gia và ủng hộ các quỹ hàng trăm triệu đồng, xây dựng và ủng hộ nhiều ngôi nhà tình nghĩa với số tiền gần 100 triệu đồng/nhà. Anh còn tài trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trợ giúp cho các cháu và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng sổ tiết kiệm…


Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và đóng góp cho xã hội, anh Nguyễn Duy Nở đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu thi đua khác.


Anh thương binh Hồ Tuấn ở tổ 4, phường Sông Bằng, thị xã Cao Bằng. Trở về địa phương từ chiến tranh bảo vệ biên giới với tỷ lệ thương tật 61%, năm 2000 anh đứng ra thành lập một tổ lao động gồm 20 công nhân, đến năm 2008 thành lập doanh nghiệp tư nhân “Tuấn Hưởng”, tạo công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng cho 400 lao động, trong đó có trên 40% là con em thương bệnh binh, bộ đội xuất ngũ... nộp ngân sách cho Nhà nước mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Hồ Tuấn còn tích cực tham gia công tác xã hội và tri ân với những đồng đội năm xưa thông qua việc tổ chức tìm kiếm hài cốt về chôn cất tại địa phương, năm 2008 đã tìm được 6 hài cốt liệt sĩ.


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.110.000 đồng, thay vì mức 876.000 đồng quy định tại Nghị định 52/2011/NĐ-CP. Các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định mới được thực hiện từ ngày 1/5/2012.

Đó là chị Kpă Ó, sinh năm 1954, dân tộc Jarai, quê ở làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, chứng kiến nỗi đau, sự mất mát lớn lao của đồng đội, chị quyết tâm chiến đấu với kẻ thù, tiêu diệt nhiều xe tăng và bắn rơi máy bay trực thăng của địch. Chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hoàn thành nhiệm vụ trở về với quê hương, chị hăng say lao động, sản xuất, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, không nghe lời kẻ xấu...


Và còn biết bao tấm gương thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ trên cả nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động và sản xuất. Chúng ta hết sức tự hào và khâm phục các thương binh tuy mang trong mình nhiều vết thương bệnh tật, nhưng các anh, các chị bằng ý chí và nghị lực phi thường đã vượt lên, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, đoàn kết bên nhau tạo dựng lên những cơ sở sản xuất, tăng nguồn thu nhập, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người, đặc biệt là con em người có công, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn cho xã hội.


“Tự hào với những thành tựu to lớn đã đạt được, nhưng chúng ta cũng thừa nhận công tác chăm sóc người có công vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một bộ phận người có công còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các dự án về nhà ở cho người có công, tình trạng sức khỏe của các đối tượng chính sách giảm sút do thương tật, bệnh tật, tuổi già, việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, việc làm cho thân nhân người có công, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi dành cho người có công… là những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa. Thêm vào đó là nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về lĩnh vực người có công còn chưa thực sự sâu sắc; quá trình cập nhật, phổ biến các văn bản pháp quy của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công đến người dân còn hạn chế nhiều mặt” - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Bùi Hồng Lĩnh khẳng định.



Viết Tôn-Lê Sơn