02:00 13/02/2012

Trên bảo, dưới… chưa nghe

Mới qua 5 vòng đấu, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam mùa giải 2012 đã bị cơ quan chủ quản “tuýt còi” vì có quá nhiều bất cập đang tồn tại.

Mới qua 5 vòng đấu, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam mùa giải 2012 đã bị cơ quan chủ quản “tuýt còi” vì có quá nhiều bất cập đang tồn tại. Tưởng chừng sau công văn của Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) yêu cầu đưa Super League trở lại tên gọi cũ là V.League (kể từ vòng đấu thứ 5, diễn ra trong 2 ngày 11, 12/2) sẽ được Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chấp hành, nhưng sự việc lại không diễn ra như vậy.

Ở vòng đấu thứ 5, tên gọi của giải vẫn không phải là V.League Eximbank 2012 như yêu cầu của VFF. Khi thông tin về vòng đấu này, mỗi báo viết một kiểu. Viện dẫn nhiều lý do, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cho rằng, yêu cầu của VFF rất khó thực hiện, bởi VPF không còn nhiều thời gian chuẩn bị khi lượt trận thứ 5 quá cận kề.

Cần phải cân nhắc kỹ, bởi nó kéo theo những tổn thất không đáng có cho các CLB, như phải thay toàn bộ vé đã in, trang phục thi đấu, bảng, biển quảng cáo trên sân, thủ tục pháp lý về giấy tờ, văn bản liên quan... Rồi cả những hợp đồng tài trợ của các CLB, các đài truyền hình... Theo VPF, họ sẽ phải tốn nhiều tỷ đồng khi phải thực hiện chỉ đạo của VFF, đó là một sự lãng phí. Ở khía cạnh pháp lý, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã cung cấp cho báo giới một loạt văn bản, tài liệu mà đơn vị này đã báo cáo Tổng cục TDTT về tên gọi của giải đấu đã được 28 CLB và cả VFF công nhận.

Thế nhưng VFF vẫn giữ quan điểm cho rằng, việc VPF đặt tên cho giải đấu là Super League (đơn thuần là tiếng Anh), mà không có chữ Việt Nam, là khó chấp nhận. Bởi tên gọi của giải vô địch quốc gia là yếu tố để xác định nguồn gốc của quốc gia tổ chức giải đấu và phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Trên thế giới, trừ các giải đấu đã trở thành thương hiệu toàn cầu như Premier League, Serie A, La Liga hay Bundesliga, nói đến là người ta biết ngay đó là giải Ngoại hạng Anh, Italia, Tây Ban Nha, CHLB Đức.

Còn các giải khác thì đều có tên viết tắt của từng quốc gia. Chẳng hạn J.League (Nhật Bản), K.League (Hàn Quốc), T.League (Thái Lan), China Super League (Trung Quốc). Vì thế, khi Super League xuất hiện ở bóng đá trong nước, dư luận đã ì xèo, vì xét trên nhiều phương diện, bóng đá Việt Nam chưa thể xứng với tên gọi như vậy. Hơn nữa, cái tên V.League đã quá quen thuộc với các cổ động viên, huấn luyện viên, cầu thủ, và tên gọi đó mới nói lên được, đó là giải bóng đá của Việt Nam.

Câu chuyện thay tên gọi cho giải đấu lớn nhất Việt Nam có lẽ sẽ còn tranh luận dài dài. Có điều, người ta không khỏi thắc mắc là tại sao với những bất đồng giữa VFF với “con đẻ” là VPF, mà các giải đấu (giải vô địch, cúp quốc gia) của mùa giải 2012 vẫn diễn ra? Những phát ngôn thiếu xây dựng trên báo chí, những tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình, những tiếng còi “méo” của các ông “vua sân cỏ”, bạo lực sân cỏ tiếp tục leo thang,… cho thấy bóng đá Việt Nam đang trong tình trạng bất ổn và bức tranh bóng đá Việt Nam càng thêm ảm đạm.

Người hâm mộ đang đặt dấu hỏi về trách nhiệm của VFF và VPF đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Yến Nhi