Ngày 7/10, tại Cần Thơ, đoàn khảo sát của Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với UBND thành phố Cần Thơ và các sở, ngành liên quan về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2011-2020, chi nhánh đặt mục tiêu 100% hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Kết quả, trong 10 năm qua, tại Cần Thơ đã có 324.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng doanh số cho vay đạt hơn 5.800 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2020, có hơn 91.000 hộ còn dư nợ, chiếm 25,35% số hộ dân cư của thành phố với tổng dư nợ hơn 2.717 tỷ đồng; mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 12% (mục tiêu là 10%), tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,15% trên tổng dư nợ.
Dư nợ tín dụng chính sách của Cần Thơ chủ yếu được ủy thác qua 4 Hội đoàn thể là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên (chiếm gần 99% tổng dư nợ). Trong số đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân thành phố là hai đơn vị quản lý dư nợ tín dụng chính sách nhiều nhất với hơn 2.250 tỷ đồng.
Từ 10 chương trình tín dụng chính sách năm 2010, đến nay chi nhánh đang triển khai 15 chương trình; trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo (hơn 35%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (gần 21%), cho vay giải quyết việc làm (gần 19%), cho vay học sinh, sinh viên ( gần 8,5%)…
Theo ông Thuận, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như tổ bánh dân gian ở quận Ninh Kiều; trồng rau chuyên canh, trồng cam xoàn ở quận Ô Môn; nuôi dê, nuôi ếch ở huyện Vĩnh Thạnh; mua bán trên sông phục vụ khách du lịch ở huyện Phong Điền; mua tàu chở khách du lịch trên chợ nổi Cái Răng ở quận Cái Răng…
Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi trong 10 năm qua đã giúp hơn 52.000 hộ thoát nghèo; gần 44.500 học sinh, sinh viên có vốn trang trải chi phí học tập; trên 140.000 lao động có việc làm…
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ngân sách của thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã cho 126 hộ kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng và 3.530 hộ vay vốn để làm du lịch sinh thái với số tiền hơn 167 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với hơn 1% mỗi năm (tỷ lệ hộ nghèo của Cần Thơ hiện còn 0,66%), giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn.
Đến nay, Cần Thơ đã có 36/36 xã và 4/4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đánh giá, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Cần Thơ đã quản lý tốt các nguồn vốn, cho vay cho đúng đối tượng. Nhờ nguồn vốn này đã giúp các hội đoàn thể có thể quy tụ được hội viên, đồng thời làm cho chương trình hoạt động của các hội đoàn thể này ngày càng phong phú hơn.
Theo ông Hiển, UBND thành phố, Ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương tín dụng chính sách của Nhà nước cũng như thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020.
Tổng nguồn vốn sau 10 năm đã tăng 1.929 tỷ đồng, tỷ lệ tăng hơn 216%. Trong nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương trong 10 năm qua đã tăng thêm 253 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 2011. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nợ quá hạn chỉ còn hơn 4,2 tỷ đồng.
Để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần cùng với thành phố thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, ông Dương Tấn Hiển cho biết, thời gian tới, thành phố Cần Thơ sẽ tập trung chỉ đạo chi nhánh tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40/CT-TW năm 2014 của Ban Bí thư, trọng tâm là chuyển bổ sung nguồn vốn của địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm. Phối hợp với hội đoàn thể nhận ủy thác từ các sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần cùng thành phố chăm lo tốt hơn nữa cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn vay hàng năm cho Cần Thơ tăng thêm từ 10-15%, nhất là cho các chương trình vay giải quyết việc làm và nhà ở xã hội. Tập trung các nguồn vốn chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ông Hiển đề nghị xem xét chuyển một số chương trình như cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động tay nghề cao nên chuyển sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối. Lý do là các chương trình tương tự đang được Ngân hàng Chính sách xã hội đang quản lý tốt và được giám sát kỹ bởi hệ thống các hội đoàn thể tham gia ủy thác.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Bùi Quang Vinh cho biết, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ đề ra nhằm tập trung mọi nguồn lực của toàn xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, qua khảo sát thực tế tại các hộ dân đang vay vốn tại Cần Thơ, người dân cho hay khi cần vay vốn tín dụng chính sách, họ luôn nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ các hội đoàn thể đang tham gia; việc làm thủ tục, hồ sơ vay thuận lợi, không gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ cũng thực hiện tốt cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục gây phiền hà cho người dân.
Đặc biệt, ông Vinh cho rằng việc hỗ trợ các hộ dân vay vốn kinh doanh góp phần bảo tồn di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng và phát triển du lịch sinh thái là việc làm rất tốt. Theo ông Vinh, văn hóa chợ nổi Cái Răng là một nét đặc trưng riêng của vùng sinh thái sông nước đồng bằng sông Cửu Long mà Cần Thơ còn giữ được, do đó việc cho người dân vay vốn để phát triển kinh doanh loại hình du lịch này là điều cần được khuyến khích.