11:17 11/11/2014

Trẻ em Việt Nam tiếp cận sớm thiết bị thông minh

Trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam đã tiếp cận với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng...) từ rất sớm: trẻ dưới 3 tuổi chiếm đến 19% và từ 3 - 5 tuổi chiếm 59% trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát.

Một kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội, thuộc Hội Dân tộc học – Nhân học TP Hồ Chí Minh và Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion cho biết trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam đã tiếp cận với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng...) từ rất sớm: trẻ dưới 3 tuổi chiếm đến 19% và từ 3 - 5 tuổi chiếm 59% trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát.


     Nhiều phụ huynh có khuynh hướng dùng thiết bị thông minh để "giữ trẻ"


Đây là khảo sát xã hội đầu tiên tại Việt Nam về "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh", được thực hiện trên 1.051 đáp viên là cha mẹ của 1.802 trẻ từ 3 - 12 tuổi đang sinh sống tại 4 thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.


Kết quả khảo sát cũng cho thấy, thời lượng trẻ từ 3-6 tuổi được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ mỗi ngày chiến đến 42% và số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ từ 4-7% (vào các ngày nghỉ, lễ, Tết). Phần lớn phụ huynh tỏ ra rất lạc quan với những lợi ích tích cực mà thiết bị thông minh mang lại cho con em mình, xem đây là phương tiện giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy, có vốn kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi thuận tiện, hiệu quả hơn.


Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhiều phụ huynh còn có khuynh hướng dùng thiết bị này để "giữ trẻ" thay mình mặc dù phần lớn phụ huynh cũng cho biết con em mình có nguy cơ xao nhãng việc học tập (69%), dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng không lành mạnh (66%), có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân (56%), có khuynh hướng ít vận động (73%), có nguy cơ bị các bệnh về mắt (85%), dễ gây nghiện đến mức quên ăn, ngủ, không còn quan tâm đến thế giới thực xung quanh (75%)…


“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng thiết bị thông minh trong các gia đình hiện nay. Đồng thời, chúng tôi muốn cung cấp cho xã hội góc nhìn thực tế, cập nhật về cách các bậc cha mẹ Việt Nam đang nuôi dạy và đầu tư cho thế hệ tương lai. Qua đó, có thể đưa đến những thông tin, kiến nghị, cảnh báo hữu ích", bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu - Công ty Epinion, cho biết.


Theo TS. Nguyễn Đức Lộc, Phó trưởng Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng tư vấn - phản biện dự án, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần làm cho cuộc sống của con người tiện nghi hơn, việc tiếp cận tri thức của nhân loại cũng nhanh chóng hơn.


Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh hiện cũng đang khá lúng túng trong việc ứng xử thế nào đối với các thiết bị kỹ thuật số thông minh này để con cái không bị tác hại khi sử dụng. Chính vì vậy, khảo sát này góp phần giúp cho các bậc phụ huynh, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách giáo dục vốn đang có ý định đưa các thiết bị kỹ thuật số thông minh vào trường học có cái nhìn toàn diện hơn.


“Cuộc khảo sát này không chỉ thăm dò nhận thức của phụ huynh về việc trẻ em sử dụng thiết bị kỹ thuật số thông minh, mà còn thông qua những quan sát của phụ huynh về hành vi của trẻ mà phát hiện ra những xu hướng tác động của thiết bị đối với trẻ theo chiều hướng tiêu cực lẫn tích cực. Theo tôi, kết quả khảo sát này mang một ý nghĩa thực tiễn cao trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay”, TS Lộc cho biết.


M.T