05:15 30/05/2014

Trẻ em dân tộc kể chuyện bằng ảnh

Từ góc nhìn của em đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống thường nhật. Tính chân thực và tinh tế ẩn chứa trong những câu chuyện giúp những bậc phụ huynh, những cán bộ phụ trách đến gần hơn với tâm hồn và suy nghĩ của trẻ.

Sáng 30/5, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường phối hợp với Oxfam đã tổ chức buổi tọa đàm “Học – chơi – làm qua tiếng nói của em”.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường cho biết, cuộc sống thường ngày với nhiều hoạt động diễn ra liên tục theo nhịp điệu riêng của mỗi người. Mỗi cá nhân khác nhau sẽ đem đến những góc nhìn khác nhau về cuộc sống. Trong bức tranh muôn màu đó, trẻ em sẽ có những cách quan sát rất riêng, rất đặc biệt mà nhiều khi người lớn khó có thể hình dung được.

Với mong muốn khuyến khích các em đặc biệt là trẻ em dân tộc miền núi nói lên suy nghĩ, tâm tư của mình, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường và tổ chức Oxfam đã thực hiện hoạt động mang tên “photovoice – kể chuyện bằng hình ảnh”. Tham gia chương trình này, các em sẽ được giao máy ảnh và thực hiện theo nguyên tắc 4 “tự”: tự chụp, tự kể chuyện về nội dung bức ảnh, tự mình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất và tự bầu giữa các sản phẩm.

Với phương pháp này, các trẻ em H’Mông, M’Nông, Raglai và Chăm đến từ ba tỉnh Lào Cai, Đắk Nông và Ninh Thuận đã bộc lộ cách quan sát tinh tế về những hoạt động diễn ra hàng ngày thông qua các bức ảnh.

Chia sẻ về “tác phẩm đầu đời” của mình, em H’Hoa, dân tộc M’Nông (trường tiểu học Lê Văn Tám, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Em chụp các bạn và bác nghệ nhân tập đánh cồng chiêng để chuẩn bị thi. Em rất là vui khi thấy con cháu dân tộc M’Nông giữ được truyền thống văn hoá, lại còn đưa ra thế giới nữa. Em và các bạn sẽ giữ truyền thống lâu đời của ông cha ngày xưa”.

Từ góc nhìn của em đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống thường nhật. Tính chân thực và tinh tế ẩn chứa trong những câu chuyện giúp những bậc phụ huynh, những cán bộ phụ trách đến gần hơn với tâm hồn và suy nghĩ của trẻ.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, những câu chuyện được các em kể rất hồn nhiên, rất thật nhưng cũng hết sức sâu sắc và thể hiện trách nhiệm xã hội cao. Hoạt động này đã giúp không chỉ các em học sinh mạnh dạn, tự tin hơn mà các thầy cô giáo cũng trưởng thành lên rất nhiều.

Dưới đây là một số bức ảnh do các em tự chụp:


Trò chơi rồng rắn lên mây là một trò chơi rất vui. Bạn Phượng lớp em đóng vai con quạ, bạn Mị đóng vai gà mẹ, còn bạn cuối cùng là bạn Mỹ đóng gà út và các bạn khác là đàn gà. Nếu như nhân vật con quạ mà bắt được con gà út cũng là bạn cuối cùng ở đằng sau thì con gà đó sẽ là bữa ăn của con quạ. (Em H Xen, trường THCS Nâm Nung Huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông)


Em chụp các bạn đang bắt chấy trên đầu bạn Giàng Thị Dúng, bạn mặc áo trắng là Giàng Thị Trà, bạn mặc áo vàng là Cư Thị Dua, các bạn ấy cùng em học chung một lớp. Các bạn học xong lên trên đồi núi đá chơi và bắt chấy cho nhau. Cả 3 bạn ấy đều có chấy, vì ở bán trú đông quá mới lây sang nhau. (Em Giàng Thị Chư, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Mản Thẩn, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai).


Đây là bức ảnh em chụp các bạn H’Lê 12 tuổi, H’Lý 12 tuổi, Y Hoan 11 tuổi, H’Gun 11 tuổi, H’Thung và H’Quỳnh 10 tuổi, và bác nghệ nhân Mà Hân khi họ đang tập đánh cồng chiêng để chuẩn bị thi ở tỉnh Đăk Nông. Đây là niềm vui của các bạn và nghệ nhân nên họ đã tập luyện 1 ngày 2 lần. (Em H’Hoa, trường tiểu học Lê Văn Tám Huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông.


Các bạn lớp em đang lao động ở trường, các bạn xúc đất để đem đổ quanh khu bán trú cho bằng phẳng, tránh bị lầy lội mỗi khi mưa. Các bạn tự phân công người đào, người xúc, người lái xe. Nếu bạn nào lái xe mệt sẽ đổi cho các bạn khác lái. Công việc này mệt nhưng vui vì làm như vậy là làm sạch chỗ mình ở. (Em Giàng Seo Páo, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mản Thẩn, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai.


Bố em là Giàng Seo Sỳ, 53 tuổi. Bố em rất vui khi nhà có trâu, em cũng vui cùng bố. Em muốn nhà mình có thêm nhiều trâu và em mong được giúp bố mẹ đi cắt cỏ, muốn được cho trâu ăn như bố đang làm, em cũng sẽ cười và vui như bố. (Em Giàng Seo Páo, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mản Thẩn, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai).




Thu Phương