04:09 03/04/2011

Tranh việc của con dâu

Trong khu phố tôi, chị được trao danh hiệu “Hoa hậu”. Tuy xấp xỉ ngũ tuần nhưng nhìn chị như mới chỉ ba lăm. Chị lúc nào cũng mặt hoa, da phấn, váy áo hợp thời trang.

Tranh việc của con dâu

Trong khu phố tôi, chị được trao danh hiệu “Hoa hậu”. Tuy xấp xỉ ngũ tuần nhưng nhìn chị như mới chỉ ba lăm. Chị lúc nào cũng mặt hoa, da phấn, váy áo hợp thời trang. Hôm được chị mời đến dự tiệc cưới của con trai chị, chúng tôi mới ồ lên: “Hoá ra chị cũng đã đủ tuổi lên chức mẹ chồng rồi”. Trước hôm cưới cả tuần, chị ra hiệu làm tóc, nhờ nhân viên tư vấn làm kiểu đầu nào để trông chị già đi một tí. Cô nhân viên của hiệu làm tóc gật gù:

- Em sẽ làm cho chị già đi, kẻo có người lại bảo mẹ chồng gì mà trông cứ như chị cô dâu.

Dẫu đã được phù phép để già đi nhưng hôm đón dâu, bên nhà gái cứ xuýt xoa, mẹ chú rể sao mà xinh thế, trẻ thế. Có người còn không tin cái cô xinh xinh kia là mẹ của chú rể (!).

Nhưng từ khi cô con dâu sinh cho chị một thằng cháu đích tôn thì chị không còn là “hoa hậu” nữa. Chị biến thành một người hoàn toàn khác: ôsin của con dâu và thằng cháu nội. Để phục vụ con dâu mới đẻ, chị bỏ bê công việc ở cửa hàng, khoán trắng cho người làm thuê. Ai hỏi chị về cảm giác lên chức bà nội thế nào cũng được nghe câu trả lời lạc đề:

- Cứ sáng ra là nó (con dâu) vứt con cho mình để đi làm cho kịp giờ. Cả ngày, mình và chị giúp việc đánh vật với thằng bé. Một ngày 3 bữa bột, 3 bữa sữa. Chiều đến thì tắm rửa cho thằng bé. Đến lúc mẹ nó về vì thằng bé đã no kềnh bụng, đầu tóc, quần áo thơm tho. Đống quần áo, tã lót của thằng bé mình cũng toàn giặt tay hết. Giặt máy sợ không sạch, nhỡ bột xà phòng còn, dính vào người cu cậu thì gay. Đấy, các em xem, con dâu chị có sướng không?.

Đợt rét vừa rồi, thằng bé bị sổ mũi, đến ngày tứ hai thì ho sặc sụa. Chị sốt ruột quá, luôn miệng kêu chồng nghỉ việc đưa thằng bé đi khám, trong khi cô con dâu cứ bình chân như vại, vẫn đi làm bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

- Sao chị lại ôm hết việc của con dâu thế? Nó là mẹ hay chị là mẹ thằng bé?- Tôi hỏi.

- Ối giời, để cho con dâu chăm cháu thì làm sao mà yên tâm được. Nó chẳng có kinh nghiệm gì cả - chị giải thích.

Cũng chính vì ôm việc mà chị chẳng còn thời gian dành cho mình. Bỏ hẳn thói quen phải trang điểm trước khi ra khỏi nhà, giờ chị toàn để mặt mộc. Váy áo cầu kỳ chị cũng không đếm xỉa đến mà chỉ trưng dụng những bộ quần áo đơn giản. Chị giải thích:

- Váy áo điệu đà thì lại phải trang điểm. Mà chị làm gì có thời gian để mà son với phấn hả em.

Từ khi có cháu, ai cũng vui, chỉ có ông nội là hơi buồn buồn (chỉ “hơi” thôi nhé). Lý do có lẽ là vì bà nội mải chăm cháu mà quên mất việc phải “chăm” ông, mà ông cũng mới có 50 tuổi thôi. Có ai đời, con chẳng ngủ với bố mẹ mà toàn rúc nách bà. Thắc mắc vì sao lại thế, thì chị cho hay:

- Hôm nọ, sau khi đi tiêm vắcxin về, cu cậu quấy khóc quá. Tối đến, bố mẹ cũng không bế được con. Sang tay bà thì cu cậu im thin thít. Nhưng cứ sang tay mẹ, thằng bé lại ré lên. Thế là từ hôm ấy, cu cậu ngủ cùng với bà.

Tối nay, tranh thủ lúc thằng bé ngủ, chị nhìn vào gương- lâu lắm rồi chị mới có dịp soi gương. Chị thấy ở đuôi mắt, mấy vết nhăn đã xuất hiện- hệ quả của một thời gian dài chị quên thoa kem dưỡng da. Vòng eo thon thả của chị cũng đã xuất hiện một chiếc “bánh cuốn” cuộn xung quanh- hệ quả của việc chị cắt giảm thời gian dành cho việc đi bộ.

Bữa cơm chiều cả nhà quây quần bên mâm cơm cùng xoay quanh câu chuyện về cu cậu. Chị bế thằng bé, nựng:

- Cha bố anh! Từ mai, bà trả anh cho mẹ anh. Bà sẽ quyết lấy lại danh hiệu “hoa hậu”. Ông nội anh cũng cần được chăm sóc. Bà mà lơ là, ngộ nhỡ có cô nào tình nguyện chăm ông thì chết.

Tối hôm đó, bà vẫn ru cu cậu ngủ. Thằng bé ề à mấy câu rồi chìm vào giấc ngủ trong vòng tay êm ấm của bà. Ông nội cu cậu thấy vậy thì thắc mắc:

- Sao em bảo trả cháu cho mẹ nó rồi cơ mà?

- Em bảo là từ tối mai cơ mà. Còn tối nay, cháu vẫn ngủ ở đây với em. Thôi anh cố gắng nằm đất nốt đêm nay. Anh mà nằm đây thở hết không khí của thằng bé, nó lấy gì mà thở.

Thế là ông nội thằng cu vội vàng vơ cái chiếu trải xuống đất nằm, lòng “tấp tểnh” mong mau cho đến ngày mai.

Thu Hường