07:05 31/07/2014

Tránh tăng giá xăng dầu giật cục

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trải qua 6 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng, 1 lần giảm. Ngày 28/7, giá xăng tuy có giảm từ 330 - 360 đồng/lít nhưng so với mức tăng kỷ lục và liên tục khi lạm phát đang thấp khiến người tiêu dùng bất an trong bối cảnh chi tiêu đang được thắt chặt.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 6 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng, 1 lần giảm. Ngày 28/7, giá xăng tuy có giảm từ 330 - 360 đồng/lít nhưng so với mức tăng kỷ lục và liên tục khi lạm phát đang thấp khiến người tiêu dùng bất an trong bối cảnh chi tiêu đang được thắt chặt.

 

Giá xăng dầu tăng hay giảm đều tác động tới mặt bằng giá cả hàng hóa nói chung.


Theo TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý IEM TP Hồ Chí Minh, việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước. Thực tế cho thấy, CPI tháng 7 của cả nước tăng 0,23% so với tháng trước. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, CPI được công bố với mức tăng lần lượt 0,18% và 0,12%. Riêng TP Hồ Chí Minh, trong 11 nhóm hàng có 6 nhóm hàng tăng giá, chủ yếu là thịt gia cầm, trứng và rau. Nguyên nhân chính là do giá xăng dầu tăng vào ngày 23/6 và 7/7 vừa qua.


Không thể phủ nhận việc tăng giá xăng dầu do tác động của thị trường thế giới, bởi Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tăng giá xăng dầu liên tiếp vừa qua dễ tạo ra cú sốc tâm lý bởi sức mua trong nước còn yếu và ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp vốn đang gồng mình vượt qua khó khăn. Tác động dài hơi mà xăng dầu có thể mang tới là ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả những tháng cuối năm cũng như chỉ tiêu lạm phát.


Đồng tình với quan điểm này, TSKH Trần Quang Thắng cho biết, việc liên tục tăng giá nhưng giảm thì nhỏ giọt cũng có một phần trách nhiệm của đơn vị quản lý xăng dầu cũng như bộ phận điều hành quản lý về giá của Nhà nước. Quỹ bình ổn xăng dầu chưa phát huy được hiệu quả và chưa đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng.


TSKH Trần Quang Thắng đề xuất, cơ quan quản lý điều hành xăng dầu nên nghiên cứu và có chính sách hợp lý, có bước đệm và phương án bình ổn, dự phòng để kìm giá khi giá xăng dầu thế giới tăng, tránh tăng giá giật cục. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đề nghị cơ quan quản lý cần minh bạch hơn trong việc tính giá và điều hành giá xăng dầu để tránh gây áp lực tâm lý cho thị trường. Việc sửa Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu cũng cần thực hiện nhanh chóng, sau khi đã chậm so với kế hoạch 10 tháng.

 

Lê Nghĩa - Hải Yên