03:23 07/03/2012

Trăn trở chèo Đặng Xá

Đã có thời về Nam Định, hỏi gánh chèo Đặng Xá (làng Đặng Xá, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) thì già trẻ, lớn bé, gái trai ai cũng biết và có thể kể vanh vách những vở chèo họ đã từng được xem.

Đã có thời về Nam Định, hỏi gánh chèo Đặng Xá (làng Đặng Xá, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) thì già trẻ, lớn bé, gái trai ai cũng biết và có thể kể vanh vách những vở chèo họ đã từng được xem. Nhưng hiện nay chèo Đặng Xá đang đứng trước nguy cơ bị mai một, những làn điệu, những vở chèo một thời làm nức lòng bao người dân có thể sẽ chỉ còn trong ký ức.

Dấu ấn về một thời hưng thịnh

Làng Đặng Xá được coi là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống đất Nam Định. Từ đầu thế kỷ XX, huyện Mỹ Lộc đã có 3 làng chèo nổi danh có tiếng vang lớn khắp chốn gần xa là: Làng Đặng (xã Mỹ Hưng), làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận). Trong đó, gánh chèo Đặng Xá là có tiếng hơn cả.

Một chiếu chèo Nam Định. Ảnh: namdinh.gov.vn


Ban đầu khi mới thành lập, chèo Đặng Xá được gọi là Gánh chèo làng Đặng. Với số lượng thành viên đông đảo, gánh chèo đã mang những làn điệu chèo cổ đi khắp các thôn, xã trong và ngoài tỉnh để biểu diễn phục vụ nhân dân, tạo khí thế lao động sản xuất hăng say ở mọi nơi. Năm 1954 gánh chèo Đặng Xá đổi tên thành Đội văn nghệ làng Đặng Xá. Đến năm 1959 được đổi tên thành Đội văn nghệ Thượng Hưng và năm 1977 đổi tên thành Đội văn nghệ Bắc Hưng của hợp tác xã Bắc Hưng (bao gồm 14 xóm của cả làng Đặng Xá). Vẫn những thế hệ nghệ nhân đam mê và tâm huyết với nghề, Đội văn nghệ đã mang tiếng trống chèo và những làn điệu chèo say đắm, thiết tha đi phục vụ người dân trong tỉnh từ huyện, xã cho tới thôn, xóm. Trong các hoạt động như chống úng của bà con nông dân, hay hội diễn văn nghệ, lễ hội... đều không bao giờ thiếu vắng âm thanh rộn ràng của những làn điệu chèo.

Trong giai đoạn hoạt động mạnh mẽ và sôi nổi nhất, Đội văn nghệ làng Đặng Xá đã đạt được rất nhiều thành tích lớn cả trong và ngoài tỉnh. Năm 1961, Đội chèo Đặng đã đạt giải nhất hội thi diễn chèo toàn tỉnh với vở “Bụi tre gai” và “Sao đổi ngôi”. Năm 1963 Đội chèo làng Đặng Xá lại đạt giải nhất trong cuộc thi diễn chèo toàn quân khu 3 với vở “Nắm cỏ trâu”. Năm 1982 Đội chèo Đặng Xá đạt giải nhất tại hội diễn chèo Bình Lục (Hà Nam).

Đi về đâu một làng chèo cổ?

Từ năm 1980, Đội chèo làng Đặng Xá bắt đầu hoạt động chững lại, sau đó, tan rã dần, các hoạt động biểu diễn không còn nhiều và sôi nổi như trước. Đến nay làng Đặng Xá chỉ có xóm 2 là còn Đội chèo có tên là Tổ hát chèo chi hội người cao tuổi xóm Thượng.

Tổ hát chèo Đặng Xá giờ chỉ còn 11 người gồm 8 nữ và 3 nam, đều là những người đã lớn tuổi. Trong đó, người đứng đầu tổ chèo cũng là người nhiều tuổi nhất là ông Đặng Mạnh Yêu (79 tuổi). Bắt đầu theo nghiệp cha ông từ năm 15 tuổi, ông Yêu đã có hơn 60 năm mang tiếng đàn và những làn điệu chèo đến với người dân trong và ngoài tỉnh. Ông chia sẻ: Chèo làng Đặng từng phát triển rất mạnh, đáng buồn là bây giờ chẳng còn mấy ai muốn theo cái nghiệp hát chèo này nữa. Thị hiếu của công chúng thay đổi, hoạt động của đội chèo không còn được quan tâm nên Đội văn nghệ chèo Đặng Xá không thể tiếp tục hoạt động.

Ông Yêu cũng bộc bạch thêm: Chúng tôi luôn tâm niệm theo nghề chỉ vì lòng đam mê và một chữ tâm. Chúng tôi không muốn cái nghề mà ông cha để lại đến đời mình lại bị mai một. Cũng theo ông Yêu, tổ chèo bây giờ gặp rất nhiều khó khăn, người trong đội chèo vì hoàn cảnh gia đình mà phải rời bỏ gánh chèo đi làm ăn, chỉ còn lại ít người vì quá tâm huyết với nghề và không thể từ bỏ nghề ông cha để lại mà vẫn ở lại sống cùng với nghề. Mỗi năm gánh chèo cũng chỉ đi diễn 2, 3 lần ở các hội nghị của mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, đoàn thanh niên hoặc hội phụ nữ trong xã...

Hiện nay, việc truyền nghề và đào tạo lớp diễn viên kế cận cho nghề này là điều không phải dễ. Bởi không phải ai cũng có lòng đam mê và tâm huyết với nghề để có thể theo và giữ gìn. Bên cạnh đó, làng chèo cũng rất cần tới sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với bộ môn nghệ thuật này, bởi không có những chính sách đãi ngộ hợp lý và những điều kiện thuận lợi giúp nghề phát triển thì rất khó để lớp diễn viên trẻ có thể dũng cảm theo nghề và hi sinh vì nghề. Thế hệ diễn viên trẻ nếu không được đào tạo kịp thời thì chèo Đặng Xá trong một tương lai không xa sẽ có nguy cơ bị mai một dần và lụi tàn.

Thùy Dung