08:05 02/08/2011

“Trận quyết đấu vì nợ công” sắp kết thúc?

Ngày 31/7 (giờ Mỹ), tức sáng ngày 1/8 (giờ VN), sau 11 tiếng đồng hồ tranh luận nảy lửa, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ tham gia cuộc đàm phán được ví như “trận quyết đấu vì nợ công” đã đạt được thỏa thuận về nâng mức trần nợ công, nhằm tránh thảm kịch vỡ nợ của chính phủ Mỹ.

Ngày 31/7 (giờ Mỹ), tức sáng ngày 1/8 (giờ VN), sau 11 tiếng đồng hồ tranh luận nảy lửa, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ tham gia cuộc đàm phán được ví như “trận quyết đấu vì nợ công” đã đạt được thỏa thuận về nâng mức trần nợ công, nhằm tránh thảm kịch vỡ nợ của chính phủ Mỹ.

Thỏa thuận vào phút chót

Theo thỏa thuận đạt được, mức trần nợ công sẽ được nâng thêm ít nhất 2.100 tỷ USD (từ mức 14.300 tỷ USD hiện nay) và cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Việc cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu cắt giảm 1.000 tỷ USD và giai đoạn hai cắt giảm 1.500 tỷ USD. Kế hoạch cắt giảm 1.000 tỷ USD dự kiến sẽ có hiệu lực ngay, trong khi kế hoạch chi tiết cho việc cắt giảm 1.500 tỷ USD sẽ do một ủy ban lưỡng đảng của quốc hội đưa ra vào 23/11 tới và quốc hội sẽ thông qua vào ngày 23/12.

Tổng thống Barack Obama thông báo thỏa thuận đạt được về vấn đề nợ công tại Nhà Trắng ngày 31/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Khoản ngân sách bị cắt giảm bao gồm chi phí quốc phòng, vốn được coi là quan trọng đối với đảng Cộng hòa, và chương trình chăm sóc người già, vốn được coi là quan trọng đối với đảng Dân chủ. Mục đích của thỏa thuận trên là buộc hai đảng phải chấp nhận các chương trình cắt giảm ngân sách trong tương lai. Ước tính, trong vòng 10 năm tới, ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm tổng cộng ít nhất 350 tỷ USD.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau sự kiện quan trọng trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, thỏa thuận đạt được giữa hai đảng về nâng mức trần nợ công có thể giúp xua tan nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính. Ông Obama cũng kêu gọi hai đảng có những hành động đúng đắn và ủng hộ thỏa thuận này trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào sáng 2/8 (giờ VN). Thỏa thuận đạt được giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa còn cần được quốc hội Mỹ thông qua trước khi được Tổng thống Obama ký thành luật.

Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức 14. 294 tỷ USD, tương đương gần 100% GDP. Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Mỹ vận hành bình thường đến ngày 2/8 - thời điểm buộc Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề nâng mức trần nợ công. Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó chính phủ Mỹ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.

Phản ứng trái chiều của thị trường tài chính

Ngày 1/8, các thị trường chứng khoán châu Á đã có được động lực đi lên sau khi Tổng thống Obama thông báo về thỏa thuận đạt được vào phút chót về nâng trần nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,7%, sau hai phiên rớt điểm. Chỉ số chứng khoán COSPI của Hàn Quốc tăng 1,83%; Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,34%, nhích gần tới mức cao kỷ lục 4 tháng đạt được hồi đầu tháng trước. Đồng USD của Mỹ tại thị trường châu Á cũng tăng giá so với các đồng tiền khác. Tại Tôkyô, 1 USD đổi được 77,44 yên, tăng so với mức 76,73 yên phiên trước. Trước đó, những lo ngại về bế tắc trong đàm phán nợ công ở Mỹ đã kéo tụt giá trị đồng USD xuống gần mức thấp nhất so với đồng yên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ (mở cửa muộn hơn thị trường châu Á) lại có phản ứng ngược chiều do các số liệu bi quan trong khu vực chế tạo của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc làm lu mờ những tác động tích cực của thỏa thuận nợ công tại Mỹ. Kết thúc phiên 1/8 tại châu Âu, chứng khoán Đức giảm 2,86%; Pháp giảm 2,27%; Anh giảm 0,7%. Tại Mỹ lúc 23 giờ ngày 1/8 (giờ VN), chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 1%; S&P 500 giảm 1,17% và Nasdaq giảm 1,03%. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường New York tăng 0,13%, lên 1.633 USD/ounce.

Mỹ có giữ được "3 chữ A"?

Mặc dù nước Mỹ có thể tránh được thảm cảnh vỡ nợ nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới này có khả năng vẫn bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, không còn giữ được “3 chữ A”.

Nhà kinh tế Zhu Baoliang thuộc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho rằng, khả năng Mỹ bị hạ bậc tín dụng là rất lớn. Ông giải thích: “Mức giảm thâm hụt ngân sách trong thỏa thuận của Mỹ quá nhỏ và hầu như không giúp ngành tài chính Mỹ bền vững hơn. Nợ nần có thể khiến lạm phát tăng và đồng USD giảm giá trị”.

Cùng chung nhận định trên, chiến lược gia Anthony Valeri thuộc công ty LPL Financial khẳng định, Mỹ vẫn có nguy cơ bị hạ bậc tín dụng trong những tháng tới do các tổ chức xếp hạng tín dụng có thể không coi thỏa thuận Mỹ vừa đạt được đủ mạnh để giảm thâm hụt ngân sách.

Theo giới chuyên môn, thỏa thuận về nâng mức trần nợ công hầu như không giúp ích nhiều cho nền kinh tế Mỹ. Nhà kinh tế Trou Bavig thuộc Ngân hàng đầu tư Anh Barclays Capital, ông Troy Davig, cho rằng: Thỏa thuận này sẽ chỉ yêu cầu cắt giảm 25 - 30 tỷ USD chi tiêu của chính phủ trong năm đầu tiên. Tuy mức cắt giảm không nhiều nhưng khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 1,5% thì đây chưa phải là thời điểm để thắt chặt chi tiêu. Việc cắt giảm chi tiêu nhiều hơn và nhanh hơn có thể gây ra một cú sốc lớn đối với một nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao, thị trường nhà đất ảm đạm và thị trường lao động không hề có dấu hiệu phục hồi.

Thùy Dương