05:10 04/05/2012

Trận không kích vào Schweinfurt - Waterloo của nước Mỹ: Kỳ cuối: Đòn quyết định

Sau thất bại của đợt không kích đầu tiên, quân đồng minh lại lên kế hoạch tiếp tục không kích vào thị trấn Schweinfurt, với quyết tâm làm cho ngành sản xuất vũ khí của phát xít Đức bị đình trệ. Quả nhiên, đợt không kích sau này đã khiến cho Schweinfurt đại bại.

Sau thất bại của đợt không kích đầu tiên, quân đồng minh lại lên kế hoạch tiếp tục không kích vào thị trấn Schweinfurt, với quyết tâm làm cho ngành sản xuất vũ khí của phát xít Đức bị đình trệ. Quả nhiên, đợt không kích sau này đã khiến cho Schweinfurt đại bại. Vào thời điểm đó, thế giới bước vào giai đoạn cuối cùng của Thế chiến II.


Trận không kích đầu tiên của quân đồng minh vào thị trấn Schweinfurt chỉ gây thiệt hại không đáng kể cho ngành sản xuất vũ khí của Đức. Trong khi đó, về phía quân đồng minh, LeMay mất 24 máy bay, còn Williams mất 36 chiếc. Nhiều máy bay khác bị hỏng đến mức chúng sẽ chẳng bao giờ cất cánh trở lại được. Trong số những phi công tham gia chiến dịch này có tới 102 người thiệt mạng, 381 người bị bắt làm tù binh... .


 

Không kích vào các nhà máy sản xuất bạc đạn ở Schweinfurt, Đức ngày 14/10/1943.

 

Các pháo thủ trên các máy bay ném bom B - 17 khẳng định đã bắn rơi 288 máy bay địch và các chiến đấu cơ hộ tống thông báo họ bắn rơi 19 chiếc khác. Tuy nhiên, thực tế, không quân phát xít Đức chỉ mất khoảng từ 25 đến 35 máy bay chiến đấu.


Sau khi kết thúc đợt không kích đầu tiên không lâu, nguồn tin tình báo cho biết phát xít Đức đang khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất ở Schweinfurt và tìm kiếm các nguồn cung bạc đạn động cơ khác để thay thế, bao gồm cả Thụy Điển. Theo kế hoạch của quân đồng minh, Không đoàn số 8 sẽ quay trở lại Schweinfurt trong đợt không kích lần 2. LeMay, chỉ huy chiến đấu giỏi nhất của không đoàn số 8, đã được thăng cấp và bổ nhiệm vị trí cao hơn. Lần này anh sẽ không đi cùng lực lượng tấn công.


Vào ngày khởi sự, 14/10/1943, lần này cũng lại có sương mù vào buổi sáng nhưng chúng tan rất nhanh. Lúc 9 giờ sáng, một máy bay trinh sát Mosquito của Anh báo về thời tiết ở Đức rất thuận lợi.


 

67% năng lực sản xuất của thị trấn Schweinfurt bị phá hủy sau đợt không kích ngày 14/10/1943.

 

Lực lượng tham gia trận đánh gồm 317 máy bay ném bom B - 17 của hai sư đoàn, đặt dưới sự chỉ huy của Đại tá Budd J. Peaslee và Đại tá Archie J. Old. Ngoài ra, họ còn được bổ sung thêm 60 máy bay ném bom B - 24. Tuy nhiên, số máy bay này gặp rắc rối trong việc liên lạc với hai sư đoàn trên nên đã phải chuyển hướng đi đánh phá các mục tiêu khác ở quần đảo Frisian.


Các máy bay B - 17 bắt đầu xuất kích lúc hơn 10 giờ sáng một chút và chẳng mấy chốc 377 máy bay đã bay lượn trên bầu trời nước Anh. Tuy nhiên, vì những sự cố kỹ thuật, số lượng máy bay giảm xuống chỉ còn 291 chiếc trước khi chúng đến được bờ biển Hà Lan. Các máy bay hộ tống P - 47 quay đầu trở lại trong khoảng giữa Aachen và Duren, ngay bên trong biên giới nước Đức. Máy bay phát xít Đức tấn công với số lượng lớn và từ mọi hướng.


Lịch sử không quân của lục quân miêu tả cuộc tấn công của các máy bay chiến đấu của không quân Đức là “lớn chưa từng có về mặt quy mô và mức độ khốc liệt”. Quân đồng minh ước tính rằng không quân Đức có 800 máy bay chiến đấu ở châu Âu. Trong thực tế, có tổng số 964 máy bay và chúng vẫn tấn công dồn dập các máy bay ném bom của quân đồng minh khi Schweinfurt đã hiện ngay trước mắt các phi công.


 

Các đám cháy lan rộng khắp thành phố trong trận không kích diễn ra ngày 14/10/1943.

 

Dẫn đầu đội hình là Trung tá T. R. Milton, sĩ quan tác chiến của liên đoàn 91. Anh dẫn đầu đội hình máy bay ném bom bay đến Schweinfurt lúc 2 giờ 39 phút chiều.
Độ chính xác đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trận không kích diễn ra hồi tháng 8. Ba nhà máy sản xuất bạc đạn động cơ lớn nhất bị đánh phá nhiều lần. Theo Albert Speer, Bộ trưởng Hậu cần Đức, trận oanh kích lần này phá hủy 67% năng lực sản xuất của thị trấn Schweinfurt. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại mà quân đồng minh phải gánh chịu cũng vô cùng nặng: Trong số 291 máy bay B - 17 rời nước Anh buổi sáng hôm đó, 60 chiếc đã bị bắn rơi.


Trong quãng thời gian còn lại của năm, không đoàn số 8 chỉ đánh phá những mục tiêu nằm trong phạm vi bảo vệ của các máy bay chiến đấu. Nó không tiếp tục tấn công vào Schweinfurt cho đến tận tháng 2/1944, khi mà các máy bay chiến đấu tầm xa ra đời.


Về phần Bộ Tư lệnh ném bom chiến lược của Không quân Hoàng gia Anh, lực lượng này không tấn công vào Schweinfurt cho đến tận sau lần oanh kích thứ ba của không đoàn số 8. Đến lúc đó, phát xít Đức đã phân tán các cơ sở sản xuất bạc đạn động cơ ra các khu vực khác.


Frankland, nhà sử học của Bộ Tư lệnh ném bom chiến lược thuộc Không quân Hoàng gia, đánh giá Schweinfurt như là “trận Waterloo của nước Mỹ”. Những người khác lại nhấn mạnh đến những sai sót trong tác chiến. Nhà sử học Mỹ Alan J. Levine viết: “Việc lựa chọn ngành công nghiệp sản xuất bạc đạn động cơ làm mục tiêu tấn công là một sai lầm và không đoàn số 8 đã rơi vào cơn bĩ cực nhất”.


Đầu năm 1944, không đoàn số 8 thay đổi trọng tâm chiến lược sang tập trung tiêu hao lực lượng không quân Đức. Chỉ trong vài tháng, không quân Đức đã bị tổn thất nặng nề. Quân đồng minh có thể tiến hành cuộc đổ bộ chiến lược lên đất Pháp vào tháng 6/1944 mà không gặp trở ngại nào từ trên không. Các máy bay ném bom của Anh và Mỹ có thể tự do đánh phá các mục tiêu. Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai bước vào giai đoạn cuối cùng.


Đình Vũ (tổng hợp)