11:02 29/11/2010

Trận không chiến lịch sử trên nước Anh(Kỳ II)

Ngày 13/8/1940 là "Ngày Đại bàng": Theo lệnh của Hitler, không quân Đức phải dốc sức đánh bại không quân Anh để Hitler có thể tiến hành "Chiến dịch Sư tử biển", tấn công nước Anh bằng tàu chiến và lục quân.

Cách đây 70 năm, một trận không chiến đã diễn ra trên bầu trời nước Anh và eo biển La Manche giữa không quân phát xít Đức và không quân Hoàng gia Anh. Trận không chiến bắt đầu ngày 10/7/1940 và kéo dài trong 305 ngày đêm, biến bầu trời trên quốc đảo Anh trở thành một bãi chiến trường đẫm máu. Ngày 11/5/1941, Nguyên soái Hermann Goering, Tư lệnh không quân Đức, phải đình chỉ cuộc không chiến này, vì Hitler cần máy bay tiêm kích và máy bay ném bom để tấn công Liên Xô.


Kỳ II: 1.485 cuộc tấn công trong "Ngày Đại bàng"


 Ngày 13/8/1940 là "Ngày Đại bàng": Theo lệnh của Hitler, không quân Đức phải dốc sức đánh bại không quân Anh để Hitler có thể tiến hành "Chiến dịch Sư tử biển", tấn công nước Anh bằng tàu chiến và lục quân. Không quân Đức đã chia thành hai đợt tấn công với tổng cộng 1.485 lượt máy bay cất cánh để đồng loạt tấn công các sân bay, trạm radar và nhà máy sản xuất máy bay ở miền nam nước Anh. Không quân Anh đã chống trả quyết liệt, khiến phía Đức bị mất 55 máy bay trong một ngày, trong khi không quân Anh chỉ mất có 13 chiếc.

Thủ tướng Anh Churchill theo dõi cuộc không chiến.


Ngày 15/8, máy bay ném bom và tiêm kích của Đức lại mở một đợt tấn công ồ ạt mới với tổng cộng 2.000 lượt máy bay cất cánh, kể cả từ Na Uy, lại phá hủy các sân bay và buộc không quân Anh phải lùi lại, vượt ra khỏi tầm bay của máy bay Đức, nhưng quân Đức đã phải chịu thiệt hại nặng nề với 75 máy bay bị bắn hạ, trong khi không quân Anh chỉ mất 34 chiếc và gọi đó là "Ngày vĩ đại nhất".

Thành phố Luân Đôn bị bom Đức tàn phá.


Ngày 18/8 sau đó là ngày kịch chiến dữ dội nhất với thiệt hại lớn nhất ở cả hai bên: Phía Đức mất 100 máy bay, trong khi phía Anh mất đi 135 chiếc. Nhưng sau đó, Goering đã phạm phải một sai lầm có tính chất quyết định là ra lệnh ngừng tấn công vào các trạm radar, thay vào đó là ném bom vào các thành phố của Anh.Bộ máy tuyên truyền Quốc xã lợi dụng cuộc tấn công của Anh ngày 11/5/1940 để biện hộ cho việc ném bom xuống Luân Đôn: Một ngày sau khi quân đội Đức tấn công Bỉ và Hà Lan, 35 máy bay ném bom Anh đã thả bom xuống nhằm cản đường tiếp vận của quân đội Đức, nhưng trong đó đã thả nhầm xuống cả thành phố Moenchengladbach.

Ngày 24/8, không quân Đức đã tiến hành ném bom rải thảm xuống Luân Đôn. Thủ tướng Anh Winston Churchill ra lệnh trả đũa và ngày 25/8, máy bay ném bom Anh tấn công Béclin.

Kể từ đó dân thường ở cả hai bên đều phải chịu nỗi thống khổ vô hạn. Rốt cuộc, rất nhiều thành phố Anh và Đức trở thành những đống tro tàn, gạch vụn, hàng trăm nghìn người đã chết dưới mưa bom, lửa đạn.

Viết về các cuộc oanh tạc của máy bay Đức xuống Luân Đôn trong thời gian này, nhà văn Anh Constantine Fitz - Gibbon cho biết: "Sau 4 giờ chiều thì tàu không còn chạy nữa, nhưng ở tất cả các ga đều đông nghịt người. Nếu nhớ lại, chúng tôi không nhớ tới những đám cháy và những ngôi nhà đổ sập, mà nhớ tới sự chen lấn không tả xiết của vô số người mà hàng đêm tìm nơi trú ẩn trong các nhà ga tàu điện ngầm". Từ 7 - 30/9/1940, máy bay Đức ném 5.631 tấn bom và 7.499 quả bom cháy xuống Luân Đôn, khi đó là thành phố lớn nhất thế giới.

Ngay từ sáng, phụ nữ Anh đã phải đứng xếp hàng để có được một chỗ trú ẩn an toàn trong đêm. Một số trẻ lang thang đã dùng quần áo cũ chiếm giữ một vài mét vuông trong nhà ga tàu điện ngầm, để ban đêm có thể bán lại cho những người tìm nơi trú ẩn.Để bảo đảm an toàn, mọi thứ được đưa xuống đường hầm. Trong một đường hầm có một nhà máy sản xuất đạn hoạt động. Nội các họp tại một căn hầm khác. Trong hầm ngầm dưới đất có căng tin, trạm xá, trường bổ túc và một tờ báo riêng. Diễn viên biểu diễn kịch, các cô gái trẻ mặc váy ngắn trình diễn tạp kỹ và các điệu nhảy bốc lửa.

Trận đánh ác liệt nhất diễn ra vào ngày 15/9. Trong hồi ký của mình, Thủ tướng Churchill nhận định: "Đây là một trận đánh quyết định và giống như trận Waterloo, nó rơi vào chủ nhật". Khi đó, Churchill vừa hút xì gà vừa theo dõi trận chiến trong trung tâm chỉ huy của phi đoàn máy bay tiêm kích 11 ở Uxbridge. Một viên sĩ quan đã yêu cầu vị Tổng tư lệnh tắt thuốc: "Thưa ngài, ở đây cấm hút thuốc!". Churchill tắt thuốc và điếu thuốc đó được đóng khung và treo ở chỉ huy sở làm bùa hộ mệnh cho các phi công.

Một máy bay Đức bị rơi ở ngoại ô Luân Đôn.


Trong trận này, không quân Đức bị mất 56 máy bay, không quân Hoàng gia Anh bị mất 40 chiếc. Cuốn nhật ký chiến tranh của hải quân Đức, lực lượng vẫn chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Anh, đã ghi trong ngày 17/9: "Không quân địch vẫn chưa bị đánh bại. Ngược lại, họ hoạt động ngày càng tăng. Tóm lại, điều kiện hiện nay không cho phép chúng ta hy vọng được nghỉ ngơi một thời gian. Vì vậy "Fuehrer" (chỉ Hitler) đã quyết định hoãn chiến dịch "Sư tử biển" vào một thời gian chưa xác định". Đó là một quyết định có ý nghĩa quan trọng bởi vì ngày 22/6/1941, Hitler sẽ tấn công Liên Xô, trong khi chưa loại bỏ được nước Anh là đối thủ, nên quân đội Đức đã rơi vào cuộc chiến tranh trên hai mặt trận đáng lo ngại.

Ngày 14/9, 509 máy bay ném bom cất cánh để tấn công thành phố nhỏ Coventry, một trung tâm của ngành công nghiệp máy bay Anh. 503 tấn bom phá, 64 quả bom chiếu sáng và 881 bom cháy đã rơi trúng 21 nhà máy, làm cho 554 người chết, 865 người bị thương nặng. Mặc dầu vậy, người Anh vẫn tăng gấp đôi việc sản xuất máy bay và ngày càng mạnh hơn. Vua George VI cho dựng lên ngay trong Cung điện Buckingham một nơi tập bắn, Churchill tặng cho ông một khẩu Karrabiner của Mỹ. Cuối tháng 10, cường độ các cuộc tấn công giảm đi. Chính phủ Anh ở Luân Đôn tin rằng mối nguy hiểm lớn nhất đã qua. Tuy nhiên, các cuộc oanh kích phải tới tháng 5/1941 mới chấm dứt.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)