11:09 30/11/2010

Trận không chiến lịch sử trên nước Anh(Kỳ cuối)

Cuộc không chiến cách đây 70 năm được coi là một chiến thắng trội hơn hẳn của Anh. Nhưng trên thực tế, tương quan lực lượng hai bên khá cân bằng.

Cách đây 70 năm, một trận không chiến đã diễn ra trên bầu trời nước Anh và eo biển La Manche giữa không quân phát xít Đức và không quân Hoàng gia Anh. Trận không chiến bắt đầu ngày 10/7/1940 và kéo dài trong 305 ngày đêm, biến bầu trời trên quốc đảo Anh trở thành một bãi chiến trường đẫm máu. Ngày 11/5/1941, Nguyên soái Hermann Goering, Tư lệnh không quân Đức, phải đình chỉ cuộc không chiến này, vì Hitler cần máy bay tiêm kích và máy bay ném bom để tấn công Liên Xô.

Kỳ cuối: Vì sao Hitler thua trong trận không chiến với Anh?

Cuộc không chiến cách đây 70 năm được coi là một chiến thắng trội hơn hẳn của Anh. Nhưng trên thực tế, tương quan lực lượng hai bên khá cân bằng.

Máy bay Hurricanes của Không quân Hoàng gia Anh.

Những ai không còn gì để mất sẽ chiến đấu quyết liệt, bất chấp tất cả, cho dù là đúng hay sai. Điều đó đúng với tình hình của nước Anh cách đây 70 năm. Trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9/1940, trên bầu trời miền đông và nam nước Anh cũng như trên eo biển La Manche đã diễn ra những trận không chiến tới khi đó là lớn nhất trong lịch sử thế giới. Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi vài nghìn phi công săn đuổi nhau trong những chiếc máy bay chật chội, nóng bức.

Không quân Hoàng gia Anh đã đánh bại ý đồ của Đức muốn làm chủ bầu trời. Nhưng liệu chiến thắng của không quân Anh có phải là bất ngờ không? Nếu tỉnh táo so sánh lực lượng, những điều kiện kỹ thuật cũng như xuất phát điểm chiến lược trong mùa hè 1940 có thể thấy rõ một hình ảnh khác hẳn. Không quân Đức, tính về số lượng máy bay nhiều hơn tới gấp đôi, nhưng trong tổng số khoảng 2.600 máy bay sẵn sàng chiến đấu vào đầu tháng 7/1940 thì chỉ có khoảng 800 máy bay tiêm kích một động cơ hiện đại, trên thực tế chỉ có loại Messerschmitt Bf-109E. Ngược lại, không quân Anh dù sao cũng có hơn 700 máy bay loại tương tự, trong đó có khoảng 250 chiếc Spitfire có nhiều tính năng trội hơn máy bay Bf-109 trong chiến đấu trên không: Chúng nhanh hơn, linh hoạt hơn, dễ lái hơn và được chế tạo chắc chắn hơn. Những phi đội tiêm kích khác chủ yếu được trang bị các loại máy bay Hurricanes nặng nề hơn, nhưng lại được bọc thép. Loại máy bay tiêm kích thứ ba Defiant thì có nhiều nhược điểm nên đã bị loại trong quá trình diễn ra các trận không chiến.

Nhưng điều quan trọng hơn nhiều số lượng máy bay là thời gian có thể hoạt động trong ngày. Vì máy bay Hurricanes và Spitfire chủ yếu xuất phát từ những căn cứ ở đông nam nước Anh, nên chúng có thể dễ dàng tham chiến trong nhiều giờ đồng hồ và nhiều trận đánh trong một ngày. Trong khi đó, máy bay Messerschmitt, vì bình xăng chỉ chứa được 400 lít, lại phải bay từ xa tới nên phần lớn chỉ có thể chiến đấu được 20 - 30 phút trên bầu trời nước Anh. Như vậy, một máy bay Spitfire mỗi ngày có khả năng tham chiến ít nhất như ba chiếc Messerschmitt.

Từ khi Đức bắt đầu các cuộc tấn công chiến thuật ồ ạt vào các mục tiêu quân sự Anh vào "Ngày Đại bàng" 13/8/1940, Không quân Hoàng gia Anh đã có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng: Máy bay Spitfire được sử dụng để chiến đấu với máy bay Messerschmitt, những máy bay yểm trợ cho máy bay ném bom; Máy bay Hurricanes thì đâm bổ vào máy bay Dorniers Do-17 và trước hết là máy bay ném bom hạng trung nặng Heinkel He-111, những loại máy bay ném bom nặng nề, khó mà nhanh nhẹn tránh đạn. Loại máy bay ném bom Junker Ju-87, vốn giành được nhiều thành công khi tấn công Ba Lan và Pháp, lại dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho máy bay Anh, vì vậy Tư lệnh không quân Đức Hermann Goering đã nhanh chóng loại chúng khỏi vòng chiến.

Một yếu tố nữa giúp ích cho Không quân Hoàng gia Anh là hệ thống radar lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong các trận không chiến này, vì vậy các vị chỉ huy thường biết rất rõ thời gian, địa điểm và độ cao của máy bay địch để dẫn dắt máy bay chiến đấu Anh đón đầu và gây bất ngờ cho đối phương. Khi đó, phía Đức chưa có cách gì để phá hệ thống radar này.

Mặc dù có những lợi thế như vậy, nhưng thời gian đầu không quân Đức vẫn có ưu thế vì có nhiều lực lượng dự trữ, nên có thể dễ dàng vượt qua thiệt hại. Nguyên soái, Tư lệnh không quân Hoàng gia Anh Hugh Dowding bày tỏ lo ngại là một phi công Anh phải "chọi" với 5 phi công Đức.

Vấn đề lớn nhất đối với Không quân Hoàng gia Anh là thiếu phi công. Những ai có bằng lái máy bay đều được xem xét đưa vào không quân, nhưng số lượng phi công bị mất đi vẫn thường xuyên vượt con số phi công được tăng cường. Mỗi tháng RAF chỉ có thêm 200 phi công mới được đào tạo. Trong khi đó, các trường dạy lái máy bay của không quân Đức có thể đào tạo số lượng phi công gấp 4 lần, trong đó có khoảng 400 phi công lái máy bay chiến đấu. Vì vậy, sau một thời gian chần chừ, Downing cuối cùng quyết định sử dụng cả phi công nước ngoài tham chiến, trước hết từ các nước trong Khối Liên hiệp Anh như Canađa, Ôxtrâylia và Niu Dilân. Ngoài ra có từ 7 - 12 phi công Mỹ tình nguyện tham chiến. Nhưng trước hết là phi công lái máy bay chiến đấu của các nước bị quân đội Đức đánh bại đã tới đầu quân cho Không quân Hoàng gia Anh, trong đó có 145 phi công Ba Lan, 88 phi công Séc và 13 phi công Pháp. Tổng cộng trong khoảng 3.000 phi công lái máy bay Hurricanes và Spitfire được đưa vào tham chiến trong thời gian này thì có khoảng 1/5 không phải là phi công Anh.

Nhưng phía Anh lại có lợi thế rõ ràng trong sản xuất máy bay. Do chuyển hẳn sang kinh tế thời chiến và sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ trưởng Vũ khí, Huân tước Beaverbrook, các hãng Hawker và Supermarine mỗi tháng sản xuất được số lượng máy bay chiến đấu nhiều gấp đôi so với hãng Messerschmitt. Theo số liệu thống kê của nhà báo Clive Ponting, trong thời gian từ đầu tháng 7 tới đầu tháng 10/1940, mặc dù bị thiệt hại nhiều, nhưng số lượng máy bay chiến đấu của RAF vẫn tăng từ 644 lên 732 chiếc, trong khi số lượng máy bay của không quân Đức giảm từ 725 xuống còn 275 chiếc. Tuy nhiên, giữa tháng 9/1940, phía Đức cũng đã rút đi một số đơn vị không quân.

Bất chấp tình hình tương đối cân bằng với một chút lợi thế cho RAF, những trận không chiến trên nước Anh vẫn có thể có kết cục khác, nếu Hitler và Goering tiếp tục theo đuổi chiến thuật ban đầu của mình và tập trung vào mục tiêu làm chủ bầu trời.

Tình huống đã khác đi khi đêm 24 rạng sáng 25/8/1940, một phi đoàn máy bay Heinkel He-111 ném bom xuống Luân Đôn và ngay lập tức RAF đã đáp trả với việc đêm hôm sau, 81 máy bay ném bom Anh tấn công Béclin, trong đó có 29 chiếc tới được khu vực thành phố và ném bừa xuống đây 22 tấn bom. Mặc dù chỉ gây ra thiệt hại hạn chế, nhưng lại thành công lớn về tâm lý, vì người Đức không ngờ rằng Béclin có thể bị tấn công như vậy.

Với việc chuyển chiến lược từ việc tấn công các vị trí chiến lược của không quân Anh để giành ưu thế trên không sang tấn công dân thường Anh, cuộc chiến trên không thực sự trên nước Anh đã kết thúc với thất bại đầu tiên của không quân Đức.

Vũ Long
(Tổng hợp từ báo chí Đức)