04:11 29/04/2015

Trận đánh trên sông

“Hồi ấy, sau hiệp định Paris 1973, nghĩa là còn chừng hai năm nữa tiếp thu. Bọn địch thua tới nơi, nhưng vẫn cố ra sức lấn chiếm vùng giải phóng để giành đất, giành dân. Đơn vị tôi được lệnh đánh tàu. Phải đánh chìm cho được một vài chiếc để bẻ gãy mưu đồ của giặc”.

“Hồi ấy, sau hiệp định Paris 1973, nghĩa là còn chừng hai năm nữa tiếp thu. Bọn địch thua tới nơi, nhưng vẫn cố ra sức lấn chiếm vùng giải phóng để giành đất, giành dân. Đơn vị tôi được lệnh đánh tàu. Phải đánh chìm cho được một vài chiếc để bẻ gãy mưu đồ của giặc”.

Chiều cuối năm ở Cồn Sơn, gió từ sông lớn thổi vi vu từng cơn qua những khu vườn đầy lá rụng. Thỉnh thoảng, gió chen vào căn nhà nhỏ ven sông, cạnh hàng mù u hoa trắng nhàn nhạt, làm cho bếp lửa đun nồi bánh tét của thím Tư ánh rực lên ấm áp - Người đàn ông luống tuổi, nhấp ngụm trà kể.

* * *

… Đêm tối âm âm, thỉnh thoảng bừng sáng lên thấy rõ cả mặt người và những giề lục bình trôi tản mạn. Địch bắn pháo sáng cầm chừng để quan sát nhằm bảo vệ những chiếc tàu vận tải lớn trên sông chờ bốc hàng xuống quân cảng.
- Đã sẵn sàng chưa Tư Luông?
- Sẵn sàng rồi anh Tám…
- … Chờ đấy! Đừng sốt ruột.

Thời gian trôi chầm chậm, nặng nề. Bỗng có ánh đèn pha quét sáng trưng vào chổ Tám Thành, Tư Luông và Ba Tiến đang ẩn nấp. Cả đội nép sát vào mé cỏ rậm rạp ven bờ sông nín thở, hồi hộp. Một vài phát đạn lẻ bắn về phía họ. Tiếng đạn rít chiu chíu, bay xiên ngang đầu rồi trúng nước nghe chong chóc.


“Tụi nó nhát gan bắn mò thôi!”. Tám Thành nói khẻ - Anh lợi dụng ánh đèn pha của địch quan sát những giề lục bình trôi trên sông: “Nước bắt đầu ròng… Đánh được rồi !”.

Chiếc bè nhỏ gọn, được phủ lục bình lên để ngụy trang. Tám Thành xem lại quả mìn. Chỉ còn gắn kíp nổ là xong! Kịch bản đánh tàu trên sông đã được thao dượt thuần thục hàng mươi chục lần. Bọn “Hạm tàu” nầy tinh ranh thật! Chúng neo đậu giữa sông để tránh ta tập kích bằng B40. Phải dùng bè tiếp cận mới có cơ hội đánh chìm tàu. Từ mé sông ra đến chiếc tàu có đến những ba trăm mét. Phải có người theo bè để cài cái quả mìn đặc dụng khá to vào thân tàu. Khi đến gần tàu thì lợi dụng nước chảy và sức người áp sát vào mục tiêu đã định. Ăn thua ở chổ nầy đây! Nếu bè đi chệch hướng thì kể như công sức đổ biển. Nếu bị địch phát hiện thì coi như cầm chắc phải hy sinh mạng sống. Thời gian phải tính từng li, từng tí thật chính xác!

- Cố gắng “gửi được hàng”, rồi nương theo nước ròng lội thật nhanh vào bờ nhé!
- Dạ! Anh Tám… đừng lo!
- Nếu có tình huống đặc biệt, thì mỗi người phải tự tìm đường về nghen! - Tám Thành căng thẳng dặn dò.

Chiếc bè được Tư Luông dìu đẩy ra. Anh nằm sát trên bè, tì nhẹ cằm lên quả mìn như cái hộp bánh tây bằng sắt lạnh tanh. Tư Luông búng đôi chân ngầm dưới nước, điều chỉnh và nhắm vào khối sắt đen sì, lù lù, sừng sững giữa sông như một lâu đài nổi âm âm… Phỏng chừng hai trăm mét, trăm rưởi mét, một trăm mét! Rồi chỉ còn độ non năm mươi mét. Chiếc bè trôi nhanh theo nước ròng rút ra biển đúng như hướng mong muốn. Tư Luông rướn người lái chiếc bè nhỏ cặp sát tàu. Đêm ấy trời mờ mờ, có chút trăng lưỡi liềm lúc khuya gần sáng. Mặt sông trống trải…

Bè chạm thành tàu. Tư Luông ôm quả mìn đặt vào hông tàu, sát mớn nước. Anh hồi hộp và căng thẳng! Anh cố thật bình tĩnh để làm những thao tác cuối cùng. Anh thử buông nhè nhẹ tay ra. Quả mìn ấy có nam châm cực mạnh đã hút cứng vào khối sắt khổng lồ. Tư Luông đẩy nhẹ chiếc bè cho nó trôi tự do và sải tay bơi hết tốc lực, nương theo con nước ròng chảy xiết vào bờ… Đèn trên tàu bỗng bật sáng. Bọn địch cũng vừa phát hiện có vật lạ đang cặp vào tàu chúng! Nhưng đã muộn. Một ánh chớp xanh rờn, sáng lòa, kèm theo một tiếng nổ kinh thiên động địa … Ùm!… um… ùm! Có nhiều tiếng la thất thanh, hỗn loạn trên tàu: “Việt Cộng đánh mìn!… Tàu bị đánh... Tàu bị đánh mìn!”. Cái lâu đài nổi ấy bốc cháy, lan trên mặt sông thành một quầng lửa sáng rừng rực, chừng non ba phút sau, nó chìm xuống lòng sông với những tiếng sôi ùng ục.

… Dòng sông đầy lục bình trôi lơ thơ, tản mạn lại sáng lên với nhiều ánh đèn pha quét loang loáng, với đủ loại đạn pháo bắn vãi xuống sông như mưa. Những chiếc tàu nhỏ hơn chiếc tàu bị đánh đắm, lùng sục hai bên bờ sông phản kích. Có tiếng trực thăng xành xạch, bay thấp trên những đám bần lá hoang dại ven sông. Trên cao, trái sáng lừng lững phủ xuống một màu vàng trong như mật trên một vùng trời, mặt nước và những bãi bờ ven sông. Đạn lửa từ máy bay xổ xuống ù ù như những vạch than hồng, từng tràng dài nối đuôi nhau vung vãi…

Tư Luông bơi vào tới bờ an toàn. Anh không gặp Tám Thành và Ba Tiến. Chắc họ đã rút như kế hoạch! Bọn địch phản kích dữ dội quá! Phải tự tìm đường về thôi… Tư Luông luồn qua những đám lá rậm rạp, rồi nhắm hướng về phía L.T. Khoảng chừng non hai tiếng đồng hồ. Sau khi băng qua những cụm chòi nhỏ của những người làm rẫy, Tư Luông cảm thấy cảnh vật lạ lẫm. Do còn lại một mình trong đêm tối mù mịt và tâm lý căng thẳng sau trận đánh, anh đã bị lạc đường! Sao Mai nhấp nháy khá cao ở chân trời đằng Đông. Tư Luông giật mình khi anh thấy khoảng trống trước mặt có vệt sáng mờ mờ - “Một con lộ đá! Chết rồi. Mình đã lạc đường xa quá!” - Tư Luông cẩn thận nằm ém sát mé lộ nghe ngóng, một hồi, anh chồm lên quan sát, định tìm hướng đi. Bỗng có nhiều tiếng giầy nện trên mặt đường. Vài đốm thuốc sáng đỏ lòe trong sương mù chưa rõ mặt người. Bọn địch đi phục kích về! Đây là vùng chúng kiểm soát! Anh mò vào thắt lưng, gở trái lựu đạn, rút chốt! Bọn lính hình như đi thẳng về phía anh…

* * *
Lễ truy điệu cho người hy sinh được tổ chức trong cụm vườn rậm ven sông.

Mấy cây nhang được đốt lên cắm trên bàn thờ. Khói hương bay nhè nhẹ, u trầm. Người con gái còn trẻ, tóc kẹp, có khuôn mặt dịu dàng, sáng đẹp, khóc rưng rức, thổn thức: “Anh Tư ơi! Hư… hư… Sao anh lại đi sớm quá vậy? Anh chết mà không đem được xác về! Không mồ yên mả đẹp! hư… hư…”.

Tám Thành bồi hồi, ái ngại vỗ vai người con gái, ngậm ngùi: “Thôi! đừng buồn nữa… Tư Luông đã anh dũng hy sinh. Chiến tranh mà! Biết sao được…”. Tám Thành bảo Ba Tiến cắt cổ gà con gà trống tơ, luộc cúng mở cửa mả cho Tư Luông, dù không có mộ phần của Tư Luông ở đây! “Theo lệ của ông bà mình xưa nay! Ba ngày mở cửa mả. Bữa nay Tư Luông mới biết mình chết. Tội nghiệp! Hổm rày chắc chú ấy còn phiêu diêu, đầu ghềnh, cuối bãi rong chơi!” - Tám Thành chặc lưỡi: “Bọn địch đã lấy xác “Việt Cộng” đem về quận triển lảm thị uy. Người của mình ngoài ấy đã nhận dạng được Tư Luông!”.

Mơ soạn mấy bộ đồ cũ của Tư Luông ra đốt. Cô chỉ chừa lại một bộ mới nhất của anh mà cô mới may hôm Tết để làm kỉ niệm.Cô đã cặm cụi mấy ngày, đo, cắt, làm khuy, kết nút… Mơ thẫn thờ rớt nước mắt nhớ lại. Mới đây mươi bữa, anh em trong đội đã lợp lại mái nhà nhỏ cho vợ chồng cô. Vợ chồng mới cưới mà, phải có một mái nhà ấm cúng vui vầy hạnh phúc, dù ở nơi âm u vắng bóng người. Mơ là giao liên, chuyên đưa rước cán bộ, chiến sĩ qua sông. Tư Luông là một chiến sĩ đặc công thủy gan dạ. Bao kỷ niệm lại quay về với cô. Mơ tức tưởi nghẹn ngào trong nỗi đau ẩn uất giống như những thân cây trong vườn, bị những miếng bom găm ứ máu!

Trên trời, có một chiếc đầm già bay vòng vòng không cao lắm, phóng thanh nghe rõ mồn một: “A lô… a lô! Nghe đây… nghe đây. Quân đội Quốc gia đã tiêu diệt được nhiều cán binh Việt Cộng đánh tàu trên sông… Có ba xác chết đã được đem về chôn sau dinh quận… A lô… A lô ”. Tám Thành lẩm bẩm: “Sao lại là ba? Cơ sở mình ở ngoài cũng báo là ba! Có một mình Tư Luông mà! Hai người kia là ai vậy cà?”.

Tám Thành rót ly rượu cúng, anh cặm thêm mấy cây nhang nữa trên bàn thờ của Tư Luông, miệng lầm thầm, lâm râm khấn vái: “Tư Luông!… Chú sống khôn chết thiêng! Về đây uống với tụi tôi ly rượu, phù hộ cho anh em tụi tôi. Chúng tôi thề trả thù cho chú. Diệt bọn ác ôn!”.
Bỗng có tiếng chân thình thịch, gấp rút của ai chạy vào chòi. Thằng Điền Đen, em ruột của Mơ, hớt hơ, hớt hải, hụt hửi:
- Chị Hai ơi! Ra sông chèo ghe rước anh Hai. Anh Hai còn sống… anh Hai còn sống! Anh Hai…
Mọi người dừng tay, sửng sốt bu quanh Điền Đen: “Mầy nói sao… Tư Luông còn sống. Mầy thấy Tư Luông hả? Có thật không. Đừng gạt tụi tao nghe! Có thật không?”.
Tư Luông mình mẩy ướt mem. Anh không chờ nổi nữa, đã cởi áo lội qua sông. Mơ ôm chặt Tư Luông, cô muốn ngất lên vì vui mừng, sung sướng! Tư Luông vuốt nhẹ tóc Mơ. Tám Thành nói: “Tụi tôi đã làm gà cúng mở cửa mả cho chú. Cô Mơ khóc sưng mắt mấy ngày nay!”. Ba Tiến cười ha hả chảy cả nước mắt sống.

*  *  *

… Tư Luông nín thở, bọn lính súng ống lỉnh kỉnh đi qua chỗ anh núp. Tên đi sau cùng vứt tàn thuốc lên đầu anh, hắn thoáng quay lại nhìn cái tàn thuốc bay vèo, rồi bước vội vả theo những tên đi trước.

… Tư Luông bước lên lộ, anh nhặt được một chiếc nón lá cũ, đội lên và đi nhanh về phía khu vườn có căn nhà gỗ lợp tôn gần đấy. Trời cũng bắt đầu hửng sáng.

Tư Luông chui vào cái chái bếp khá rộng phía sau ngôi nhà ấy. Con chó mực nhỏ thấy người lạ sủa ăng ẳng nghe rất khó chịu! “Mực! Chết nghen… Ai vậy ?”. Tư Luông không lên tiếng. Có tiếng dép ở nhà trên đi xuống. Một cô gái trẻ, dáng dấp thị thành trố mắt, sửng sốt nhìn anh. Tư Luông ra dấu im lặng. Cô gái như bình tỉnh trở lại: “Chú… chú… A! … Ông là ai?” - “Tôi là người của Mặt trận giải phóng, lỡ đường… Cô cho tôi tạm trú đỡ giây lát? Rồi tôi sẽ đi…”. Cô gái có vẻ hoang mang, nhìn Tư Luông dò xét, rồi cô nói: “Ông ở đây nghen? Tôi cho má tôi hay. Tôi ở chợ mới về nên không rành chuyện này lắm”. Tư Luông nhìn cô gái, anh gật đầu, trấn an cô gái: “Tôi tin cô… Cách mạng không làm điều gì xấu, có hại cho bà con đâu!”. Cô gái lên nhà trên, chừng vài phút sau cô trở lại với một phụ nữ đã luống tuổi, dáng vẻ phúc hậu, trên tay bà cầm một bộ đồ tây: “Cậu vào nhà tắm, thay đồ và mặc quần áo này vào… Tiện cho cậu và cho chúng tôi!” - Người phụ nữ có vẻ lo lắng nói. Tư Luông làm theo lời người phụ nữ ấy. Anh trở ra và được cô gái dẫn đến một căn phòng nhỏ, gọn, khép cửa hờ. “Chú ở trong này đi… Chừng nào muốn đi, thì đi…”. Anh vào phòng và ngồi trên chiếc đi-văng bằng gỗ đã ố màu. Hình như không có ai ở trong căn phòng này. Có một cái bàn nhỏ và một chồng sách cũ. Trên vách có một tấm ảnh lồng kính, chụp một thanh niên mặc áo sơ mi trắng “ăn-tơ-ni”, trông khá đẹp trai và bảnh bao. Chắc có lẽ con của bà chủ nhà?. “Diệu ơi! Con vo gạo, nấu cơm. Mẹ ra vườn hái rau nấu canh” - Tiếng người phụ nữ ấm, vừa đủ nghe. Tư Luông ở trong căn phòng vắng, anh cảm thấy hơi lo và suy nghĩ mông lung.

… Tư Luông kể: “Tôi lạc vào vùng địch kiểm soát. Tôi lánh vào nhà dì Ba Hồng. Bà này có người con đi lính hải quân ở đâu Sài Gòn… Tôi ở nhà bà ấy mấy bữa nay. Tôi cũng sợ bà ta tố giác với bọn địch. Nhưng dì Ba tốt lắm! Lo cơm nước và canh chừng rất cẩn thận cho tôi. Tôi định rời căn nhà ấy sớm, nhưng dì Ba không cho đi. Bà ấy cho hay, mấy hôm nay tụi lính nó ruồng dữ lắm, nhà bà thuộc cánh những người theo Quốc gia nên khá an toàn đối với những người như tôi. Hồi sáng này, dì Ba Hồng lấy đồ xi-vin của con bà cho tôi mặc và đưa tôi ra khỏi nơi nguy hiểm bằng Honda do cô con gái chở!”.

Về việc ba cái xác chết mà bọn địch rêu rao là người của ta. Sau nầy được rõ, đó là xác của ba “lao công đào binh”* chịu không nổi sự đày đọa của bọn chỉ huy nên liều bỏ trốn, định tìm đường về quê, bị trực thăng bắn chết ở ven sông, gần nơi ta tổ chức đánh tàu. Nghĩ cũng cảm thương cho họ! Đặc tình của ta ở ngoài quận nhớn nhác nhìn lầm, nên báo là Tư Luông đã bị giặc giết! Tư Luông kẹt trong vùng địch không về được, nên mới có chuyện làm lễ truy điệu và cúng mở cửa mả cho anh. Âu cũng là chuyện khá hy hữu!

Chừng hai năm sau ngày hòa bình, Tư Luông có ghé Rạch Cam thăm dì Ba Hồng, nhưng dì ấy đã dời nhà đi nơi khác! Ròng rã mấy mươi năm, chẳng biết người phụ nữ tốt bụng và cô con gái dễ mến kia, bây giờ ở nơi chốn nào? Quân cảng Trà Nóc ngày xưa, nơi có chiếc tàu bị đặc công ta đánh chìm, giờ đã trở thành một bến cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất khu vực!… Dòng sông mênh mông như vẫn điềm nhiên cùng năm tháng. Những người đi qua trận chiến ngày ấy bây giờ đã già, có kẻ vẫn còn sống, có người đã vĩnh viễn ra đi… Có kẻ khá giàu, hạnh phúc nhưng cũng có người lận đận, long đong… Và một mùa xuân nữa lại trở về trên quê hương đất mẹ.

Đặng Hoàng Thám

------------------
* “Lao công đào binh”: Những người lính Sài Gòn trốn, đào ngũ bị bắt, bị cạo trọc đầu, đánh số sau lưng áo. Họ bị đưa đi phục vụ khổ sai nơi chiến trường và bị đối xử rất tàn tệ.