05:08 08/05/2012

Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật: Kỳ 1: Sứ mệnh của chiến hạm cuối cùng

Lực lượng hải quân vốn rất hùng hậu của phát xít Nhật Bản đến đầu năm 1945 chỉ còn là tàn quân. Trong tình thế đó, Nhật lại nhận được tin tình báo: Mỹ sắp tấn công Okinawa.

Lực lượng hải quân vốn rất hùng hậu của phát xít Nhật Bản đến đầu năm 1945 chỉ còn là tàn quân. Trong tình thế đó, Nhật lại nhận được tin tình báo: Mỹ sắp tấn công Okinawa. Không còn sự lựa chọn nào khác: Chiến hạm hùng mạnh nhất và cũng là chiến hạm cuối cùng của quân Nhật - Yamato - được chọn để làm nhiệm vụ bảo vệ Okinawa. Tuy nhiên, chiến hạm tượng trưng cho giấc mơ chinh phục của người Nhật đành phải chịu khuất phục trước sức mạnh quân sự Mỹ với kết cục mãi yên nghỉ dưới đáy đại dương...

 

 


Những tiếng còi phòng không rú lên từng hồi. Không để tâm đến chúng, Thiên hoàng Hirohito ngồi trầm ngâm bên bàn họp trong căn hầm trú ẩn sát với Thư viện Hoàng gia. Những tiếng còi báo động đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Tôkyô. Gần 3 tuần trước đó, vào đêm 10/3/1945, những chiếc B - 29 của Mỹ đã thả bom cháy xuống thành phố. Những quả bom lửa đã khiến hơn 100.000 người dân Nhật Bản phải bỏ mạng và biến 256 km2 thủ đô Tôkyô thành đống đổ nát. Dù gần 3 tuần đã trôi qua nhưng vào thời điểm đó, mùi khói vẫn còn phảng phất đâu đây trong cung điện Hoàng gia.


 

Thiên hoàng Hirohito.

 

Ngôi báu của Hirohito - hay đế chế phong kiến ở Nhật Bản - còn kéo dài bao lâu nữa là điều choán hết tâm trí của Thiên hoàng. Trong vài tháng qua, Nhật Bản liên tục phải hứng chịu những thất bại thảm hại trong các trận đánh trên biển Philíppin, Vịnh Leyte và đảo Iwo Jima. Theo tin tức tình báo mới nhận được thì người Mỹ lại sắp sửa tấn công đảo Okinawa.


Ngồi bên bàn họp là các cố vấn quân sự của Thiên hoàng, các tư lệnh lục quân và hải quân cùng các tướng lĩnh cấp dưới. Các tư lệnh đã đệ trình lên Hirohito kế hoạch phản công ở Okinawa. Thỉnh thoảng Nhật hoàng dừng lại, nheo mắt nhìn qua cặp kính gọng kim loại, để đặt câu hỏi:


 

Chiến hạm Yamato.

 

- Bao nhiêu máy bay sẽ được sử dụng trong các trận đánh?


- Hai nghìn, một đô đốc cho biết.


- Con số đó đã đủ chưa? Nhật hoàng hỏi lại.


- Vẫn còn 1.500 máy bay của lục quân sẵn sàng tham chiến - Viên đô đốc trả lời.


Hirohito lộ vẻ lo lắng. Hơn 100.000 lính bộ binh đang sẵn sàng chết để bảo vệ Okinawa và mấy nghìn phi công lái máy bay cảm tử cũng trong tư thế chuẩn bị lên đường. Ông ta quay sang Đô đốc Koshiro Oikawa, Tư lệnh hải quân, hỏi:


- Thế hải quân ở đâu?


 

Những quả bom lửa dội xuống Tokyo.

 

Oikawa liếc nhìn xung quanh nhưng không một sĩ quan nào dám đứng lên trả lời. Nhật hoàng khi đó không biết được rằng hải quân Nhật giờ chỉ còn lại một số lượng tàu ít ỏi và không thể làm được gì để xoay chuyển tình thế ở đảo Okinawa...


Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng. Ý định của Nhật hoàng đã rõ ràng. Không thể chấp nhận được thực tế rằng lục quân phải hy sinh quá nhiều trong khi không thấy bóng dáng một tàu chiến nào của hải quân trong trận Okinawa. Với chỉ một câu nói, số phận của con tàu chiến lớn nhất Nhật Bản đã được quyết định.


Tên của nó là Yamato, tàu chiến hùng mạnh nhất đã từng được đóng. Với lượng choán nước 71.659 tấn và có thể đạt đến vận tốc 27 hải lý/giờ, chiến hạm Yamato được trang bị những vũ khí tối tân nhất từng được triển khai trên một tàu chiến - hơn 150 khẩu pháo, bao gồm 9 khẩu có cỡ nòng 460 mm mà có thể bắn những quả đạn xuyên thép nặng 1.460 kg với tầm bắn lên đến 36 km. Lớp vỏ thép là loại có khối lượng nặng nhất từng được lắp đặt trên một con tàu chiến lớp dreadnought, khiến cho không khẩu pháo nào trên thế giới có thể xuyên thủng được lớp vỏ thép dày của nó. Cái tên Yamato không chỉ biểu thị sự thi vị mà còn mang ý nghĩa tinh thần đối với Nhật Bản.


Là kỳ hạm của một hạm đội bao gồm 10 tàu chiến, nó được giao nhiệm vụ tiến ra Đông Hải để tiêu diệt hạm đội của Mỹ ở ngoài khơi đảo Okinawa. Mang mật danh Ten - Go, chiến dịch này sẽ được tiến hành cùng với sự tấn công cảm tử ồ ạt của các máy bay chiến đấu, trong khi quân đoàn số 32 của phát xít Nhật trên đảo Okinawa sẽ tiến hành một cuộc phản công trên bộ. Theo kế hoạch, sau khi gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tàu chiến của Mỹ, Yamato sẽ được làm cho mắc cạn và được sử dụng như một trận địa pháo cố định cho đến tận khi nó bị phá hủy. Bất kỳ thủy thủ nào còn sống sót sẽ tham gia lực lượng quân đồn trú bảo vệ Okinawa.


Tuy nhiên, hầu như không một ai trên chiến hạm Yamato, kể cả viên sỹ quan chỉ huy chiến dịch, Phó Đô đốc Seiichi Ito, tin rằng chiến dịch sẽ thành công. Ito ban đầu thẳng thừng từ chối thực thi mệnh lệnh. Chỉ cho đến tận khi ông ta được thông báo rằng đích thân Nhật hoàng mong muốn ông ta đảm nhận nhiệm vụ này Ito mới chấp nhận số phận của mình.


Trong khi đó, một tâm trạng phấn chấn lan tỏa khắp đài chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ. Trên con tàu chiến New Mexico, Đô đốc Raymond Spruance xem xét kỹ lưỡng các báo cáo mà trinh sát mới gửi về. Chiến hạm Yamato, con tàu chiến lớn cuối cùng của phát xít Nhật, đang lên đường tham chiến.


Trong lực lượng hải quân Mỹ vào năm 1945, Raymond Spruance là người có điều gì đó kỳ cục - một người vốn không phải là phi công chính gốc mà lại chỉ huy cả một lực lượng không quân của hải quân hùng mạnh nhất từ trước đến nay. Spruance còn chỉ huy một lực lượng đặc biệt, bao gồm các tàu chiến và tàu tuần dương được giao nhiệm vụ bắn phá các vị trí trên bờ của quân Nhật trên đảo Okinawa. Lúc này tâm trí của Spruance bị choán hết bởi hình ảnh của con tàu chiến khổng lồ cuối cùng của Nhật. Ông ra hiệu cho Chuẩn Đô đốc Mort Deyo, chỉ huy Lực lượng tác chiến số 54, chuẩn bị dàn đội hình chiến đấu với lực lượng tác chiến của tàu Yamato.


Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, chiến công đánh chìm con tàu chiến lớp dreadnought lớn nhất thế giới sẽ thuộc về Hạm đội 5.


Khánh Chi (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 2: Cuộc đua “săn” chiến hạm khổng lồ