01:22 03/01/2016

Trận chiến đẫm máu nhất của Mỹ trong Thế chiến 2 - Kỳ 1

Cõ lẽ nhiều người chưa từng nghe về trận chiến Hurtgen Forest. Nằm giữa sông Ruhr và thành phố Aachen ở Tây Đức, Hurtgen từng là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, và trận chiến này vẫn đang giữ kỷ lục là cuộc giao tranh trên bộ dài nhất trong lịch sử quân sự Mỹ. Hurtgen Forest cũng nổi tiếng về mặt địa hình hiểm trở, vì có nhiều hẻm sâu, đèo dốc và đường hẹp. Trong trận chiến này, điều kiện địa hình đã không cho phép sử dụng sức mạnh không quân và thiết giáp, và gần như vô hiệu hóa lợi thế về quân số đông gấp 5 lần đối phương của các lực lượng Mỹ.

LẠC QUAN THÁI QUÁ

Tháng 9/1944, quân Đồng minh đang giành thế áp đảo trên chiến trường. Các lực lượng đồng minh đã đổ bộ thành công vào bãi biển Normandy, Paris được giải phóng, và những người lính Mỹ hy vọng sẽ có mặt ở nhà cùng với gia đình trong lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, Đức quốc xã lại có những ý tưởng khác.

Một nhóm lính Mỹ chuẩn bị trinh sát rừng Hurtgen.

Sự lạc quan về việc chiến tranh sẽ kết thúc vào lễ Giáng Sinh đã lan tỏa trong quân đội Mỹ từ những tuần đầu tiên của tháng 9, khi lực lượng Đồng minh đang tiến ào ào như thác lũ như thể sắp quét sạch phe Trục (các quốc gia chiến đấu chống lại lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2) khỏi mặt đất. Trên mặt trận Thái Bình Dương, Đại tướng Douglas MacArthur cùng người đảm nhận hướng phản công trên biển phối hợp với ông là Đô đốc Chester Nimitz, đã tiêu diệt gần hết Hải quân Nhật, tái chiếm hầu hết những hòn đảo nằm trong tay đối phương.

Ở phía Đông châu Âu, Hồng quân Liên Xô sau những trận phá vòng vây ở Moskva, Leningrad, và Stalingrad đã liên tiếp giáng cho các lực lượng của Đức quốc xã những đòn choáng váng với cái giá khủng khiếp cho quân Đức. Ở phía Tây, sau khi đã tháo chạy khỏi Rome, quân Đức vẫn phải tiếp tục rút lui lên miền Bắc. Sau khoảng thời gian tiến quân chậm chạp trong những khu rừng của vùng Normandy kể từ cuộc đổ bộ ngày 6/6, thì lúc này liên quân Anh, Mỹ và Pháp đang tự do đột phá thần tốc tiến gần đến biên giới nước Đức. Những đoàn xe tăng, cùng với bộ binh cơ giới, được pháo binh và không quân yểm trợ với số lượng lớn đã đánh tan tác nhiều đơn vị Đức tinh nhuệ, tiêu diệt và phá hủy số lượng lớn thiết giáp và đạn dược, giết và làm bị thương hàng chục ngàn binh sĩ, bắt sống hàng trăm nghìn tù binh. Chỉ có một câu hỏi được đặt ra ở biên giới Đức là có cần phải dừng chiến dịch này lại vài tuần để tiếp tế nhiên liệu, đạn dược trước khi ra đòn kết liễu đối thủ hay không ?

Bản đồ khu vực rừng Hurtgen và các mũi tấn công của quân đội Mỹ .

Trong khi đó, lực lượng của Quân đoàn số 1 Mỹ đã bắt đầu thăm dò hệ thống phòng thủ của địch ở Aachen từ ngày 6/9. Tướng Courtney Hodges, Tư lệnh Quân đoàn 1, đã dành ra gần 4 tiếng đồng hồ trong 2 ngày tạm nghỉ để Hầu tước xứ Queensberry vẽ chân dung cho tạp chí Life, vì ông dự đoán rằng đối phương sắp hoàn toàn sụp đổ. Theo thiếu tá William Sylvan, trợ lý của Hodges: "Vị tướng quân tiên đoán nếu có được 10 ngày trời đẹp thì cuộc chiến sẽ kết thúc ngay mà chẳng cần phải e ngại gì đến sự chống trả của đối phương".

Cảm giác sắp đến hồi kết cũng lan tỏa sang nhiều binh sĩ. Mike Cohen, một trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn 12 công binh chiến đấu, sư đoàn 8 bộ binh nhớ lại những ngày đầu tiên của tháng 9: "Chúng tôi đã tiến đến Rennes rồi ngoặt về hướng Brest. Đó là một trận đánh tàn khốc. Thành phố được phòng thủ rất chặt với binh lính tinh nhuệ, tường đá hoa cương, hỏa lực mạnh. Nhưng một khi đã vượt qua được nó thì coi như chiến tranh kết thúc”.

Tuy nhiên, các Tư lệnh quân đội Mỹ, những nhà chiến lược và chiến thuật tài ba, đã bỏ sót một số yếu tố trong tính toán của mình khi cho rằng chiến tranh sắp kết thúc. Chỉ 2 ngày trước lời tiên đoán của Hodges, Sylva đã chép trong nhật ký sau cuộc họp với Đại tướng Dwight D. Eisenhower, Tổng tư lệnh quân Đồng minh, và tướng Omar Bradley, chỉ huy Cụm tập đoàn quân 12, đơn vị chủ quản lực lượng của Tướng Hodges rằng: "Cả Tổng Tư lệnh cùng tướng Bradley đều rất lo lắng về vấn đề tiếp tế đang ngày càng trở nên quan trọng hơn". Theo Sylvan, thủ trưởng của mình được lệnh phải “co” cả Quân đoàn 7 lẫn Quân đoàn 19 lại. Việc này khiến cho vị tướng này chẳng hài lòng chút nào vì nghĩ mình bị cắt đường quân lương trong khi quân Đức đang tháo chạy. Theo ông ta, cuộc tấn công “không nên dừng lại dù chỉ 1 phút".

Ngăn giữa Quân đoàn 1 và sông Rhine chính là phòng tuyến Siegfried (người Đức gọi là Trường thành phía Tây). Đó là dải hệ thống công sự mà có những chỗ chỉ có một tuyến mỏng duy nhất và ở những nơi khác, nhất là ở khu vực trước mặt tập đoàn quân của Hodges, là hệ thống đồn lũy song song. Chỉ cần một đòn đánh chớp nhoáng là có thể tiến ra sông Rhine. Dù các sách vở đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của địa hình nơi đây thì các chiến lược gia Mỹ vẫn tin tưởng với nhân lực, vật lực hiện có, họ sẽ dễ dàng khắc phục được.

Ngày 10/9, trong cơn tuyệt vọng cố trì hoãn sự truy kích, tàn quân Đức đã phá hủy các cây cầu trên sông Our và sông Sauer, trên đường từ Luxembourg tới Berlin. Cũng ngày hôm đó, Tướng Hodges lên tiếng khẳng định họ chỉ cần “10 ngày trời đẹp” là có thể chạm tay vào chiến thắng. Chốt tại biên giới là sư đoàn 5 thiết giáp, đơn vị kỳ cựu đã từng chiến đấu ở Pháp. Nhật ký hành quân của Tiểu đoàn pháo binh thiết giáp 71 thuộc sư đoàn trên đã viết trong ngày 10/9: "Các cầu trên sông Sauer và sông Mersch đã bị đánh sập khi các đơn vị tiến vào thành phố. Tiểu đoàn đã xin cho không thám bằng máy bay L-5 Piper Cub (máy bay do phi công lục quân lái thường làm nhiệm vụ quan sát, chỉ điểm mục tiêu hỗ trợ pháo binh) và pháo kích cấp tập 8 đợt. Nhiều bộ binh địch cùng ngựa đã bị tiêu diệt và đánh tan. Nhiều xe ngựa cùng ô tô và pháo địch đã bị phá hủy. Trong ngày Không quân cũng tổ chức tấn công quân đoàn phát xít Đức đang rút chạy về phía Đông hướng về 'đất mẹ'".


Công Thuận