06:16 05/06/2015

Trải nghiệm công nghệ ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ tại Phú Thọ

Trải nghiệm công nghệ ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ tại Phú Thọ.

Ngày 2/6, tại  thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, gần 100 đại diện ngành nông nghiệp và môi trường, nhà khoa học, sinh viên nông nghiệp và công ty Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto, Hoa Kỳ) đã thăm quan mô hình khảo nghiệm so sánh giống ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ với giống ngô truyền thống và giao lưu với những nông dân đầu tiên tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới này tại Việt Nam.


Ông Lê Thanh Hải, khuyến nông xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, giới thiệu về giống ngô kháng sâu.


Công nghệ giúp bảo vệ năng suất và chất lượng ngô thương phẩm


Trước bối cảnh thời tiết ngày càng biến động khắc nghiệt, đô thị hóa, thiếu hụt lao động nông thôn thì song hành với việc chọn tạo ra các giống cây trồng có tiềm năng năng suất cao, một trong những yêu cầu đặt ra cho các nhà chọn tạo giống là làm sao giúp cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận như sâu hại, cỏ dại và giảm thiểu các yếu tố đầu vào trong quá trình canh tác. Công nghệ ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ ra đời và được cấp phép ứng dụng tại Việt Nam là một trong những công cụ hữu hiệu phục vụ mục tiêu này.


Trên thế giới trong vòng gần hai thập kỷ qua, công nghệ được lựa chọn bởi hơn 18 triệu nông dân này đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc giảm chi phí canh tác cũng như các tác động tới môi trường. Nghiên cứu của Brookes và Barfoot (2014) đã chỉ ra những tác động tích cực rõ rệt về kinh tế xã hội của ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ, bao gồm: Số liệu thống kê trong giai đoạn 1996-2012 cho thấy mức gia tăng về năng suất so với ngô truyền thống của ngô kháng sâu là 10,4%, và ngô chống chịu thuốc trừ cỏ là 10,25%; thu nhập tăng thêm nhờ ứng dụng công nghệ ngô kháng sâu trong năm 2012 trên phạm vi toàn cầu là 4,82 tỷ USD và công nghệ ngô chống chịu thuốc trừ cỏ trong năm 2012 trên phạm vi toàn cầu là 1,2 tỷ USD. Lợi nhuận tăng thêm mà ngô chống chịu thuốc trừ cỏ mang lại được tạo ra từ 2 nguồn: thứ nhất, tăng năng suất cây trồng (26%) và thứ hai, giảm chi phí sản xuất (74%).



Nông dân Lưu Văn Trần tại ruộng ngô của mình


Giảm  cả về khối lượng thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây ngô và tác động đối với môi trường, cụ thể như sau: Công nghệ kháng sâu giúp hạn chế khoảng 550 triệu kg thuốc trừ sâu trong giai đoạn 1996 – 2013, tương đương với khối lượng hoạt chất thuốc trừ sâu phun trên diện tích đất canh tác của khoảng 27 quốc gia Châu Âu trong 2 vụ. Đồng thời, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi trường đại học Pittsburgh, công nghệ ngô kháng sâu có khả năng giúp giảm thiểu sự xuất hiện của các loại nấm mycotoxin độc hại với con người và vật nuôi, hình thành từ những tổn thương do sâu hại gây ra, nhờ đó giúp cải thiện chất lượng hạt ngô thương phẩm. Tương tự, trong  năm 2013, việc ứng dụng công nghệ chống chịu thuốc trừ cỏ  đã giúp giảm 28 tỷ kg CO2 phát thải ra môi trường, tương đương với việc giảm bớt khoảng 12,4 triệu xe hơi lưu thông trên đường trong vòng 1 năm.


Canh tác dễ dàng hơn


Trong năm 2015, hàng vạn nông dân Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới trong nông nghiệp này thông qua chương trình chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ do công ty Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto, Hoa Kỳ) đầu tư. Gặp gỡ và trao đổi với bảy hộ nông dân canh tác ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ đầu tiên rộng 6 héc ta trên tỉnh Phú Thọ, có thể dễ dàng nhận thấy sự vui mừng và hồ hởi khi được đón nhận công nghệ mới trong canh tác nông nghiêp. 


Ông Trần Mạnh Linh, nông dân huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Gia đình tôi đã trồng ngô tại khu vực này nhiều năm nay, diện tích canh tác ngô của riêng hộ nhà tôi là 1 héc ta. Năm nay, sau khi được biết đến giống ngô kháng sâu và chống chịu cỏ, tôi có đăng ký xin được thực hiện mô hình trình diễn. Tính đến thời điểm này, tôi quan sát thấy ngô từ bắp tới cây đều phát triển rất đẹp, hột sâu cay. Một điểm khác biệt có thể nhận thấy được là trước đây sâu đục thân và sâu khoang rất nhiều, từ giai đoạn ngô 2 lá tới 6 lá, thậm chí là kể cả khi thu hoạch cũng còn thấy sâu gây hại. Về cỏ thì với giống ngô này, tôi có thể phun trùm thuốc trừ cỏ gốc glyphoste trực tiếp lên trên cây ngô nên rất tiện lợi, và đặc biệt là giúp giảm thời gian phun và do đó giảm công lao động. Tôi rất mừng khi được ứng dụng công nghệ ngô mới này, không phải phun thuốc trừ sâu, tiện lợi trong kiểm soát cỏ dại và canh tác dễ dàng hơn hẳn so với ngô lai chúng tôi vẫn thường sử dụng”.


“Cây ngô là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, với tổng diện tích gieo trồng gần 4000 héc ta. Trước đây sử dụng các giống ngô cũ, năng suất trung bình tại các địa bàn như xã Sơn Hùng năng suất cây ngô chỉ đạt trung bình 5,2 tấn một héc ta. Một trong những hoạt động trọng điểm của khuyến nông tại địa bàn trong thời gian qua là tích cực chuyển giao kiến thức về các bộ giống ngô lai chất lượng cao cũng như các kỹ thuật canh tác tiên tiến để bà con nông dân có thể đạt hiệu quả trong canh tác. Từ đó, năng suất ngô trung bình tăng đạt từ 6 đến 8 tấn một héc ta. Thời gian vừa qua sau khi được biết chủ trương cho phép ứng dụng giống ngô có khả năng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ, chúng tôi đã cùng phối hợp với công ty Dekalb Việt Nam để cùng bà con thực hiện các mô hình trồng thí điểm các giống ngô công nghệ mới này từ tháng 3 năm 2015. Sau ba tháng thực hiện, đến nay có thể thấy tại các ruộng sử dụng giống ngô mới này, tình trạng sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang giảm rõ rệt so với các ruộng ngô lai truyền thống, đồng thời cỏ dại được quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn. Bà con nông dân vừa tiết kiệm được công lao động, chi phí mua thuốc trừ sâu, ruộng đồng vừa được bảo vệ khỏi các ảnh hưởng do sâu hại cắn phá và cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại. Cá nhân tôi rất mong giống ngô này sớm được thương mại hóa tại Việt Nam vì đã nghe nói về giống ngô này trên thế giới từ nhiều năm nay rồi và thực tế trồng tại Việt Nam cũng thấy rất hiệu quả”,  ông Lê Thanh Hải, khuyến nông xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, cho biết.


“Tại Monsanto, chúng tôi tin rằng để công nghệ phát huy hiệu quả thì chuyển giao kỹ thuật sẽ là yếu tố then chốt. Chính vì thế, trong năm 2015, công ty đã và đang thực hiện hơn một trăm điểm khảo nghiệm, các mô hình trình diễn và chuyển giao kiến thức, trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ trên tất cả các vùng trồng ngô trọng điểm tại Việt Nam. Điểm trình diễn ngô biến đổi gen tại huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ ngày hôm nay chính là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình nêu trên.  Chúng tôi rất vui mừng sau nửa năm hợp tác chặt chẽ cùng bà con thực hiện các mô hình trình diễn ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ, hầu hết bà con nông dân sau quá trình thực tế trải nghiệm công nghệ này đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước sự tiện lợi cũng như những hiệu quả ban đầu công nghệ mang lại.” ông Đỗ Quang Trường, giám đốc Kỹ thuật công ty Dekalb Việt Nam chia sẻ.

PP