11:01 28/11/2011

Trách nhiệm bị buông lỏng

Mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe khách đang tăng “nóng”, nhưng công tác quản lý, giám sát các điều kiện an toàn của phương tiện và người điều khiển xe khách ngay tại bến xe, nơi khởi đầu hành trình đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”...

Mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe khách đang tăng “nóng”, nhưng công tác quản lý, giám sát các điều kiện an toàn của phương tiện và người điều khiển xe khách ngay tại bến xe, nơi khởi đầu hành trình đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến tình trạng mạnh xe nào xe đó chạy vô tội vạ và ít chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản, pháp luật khi để xảy ra hậu quả trên đường. Thực trạng này đáng báo động, cần được thắt chặt!

Nghịch lý ở bến xe

Theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, vận tải xe khách đang phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp (DN) vận tải chưa thực sự chú trọng việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho lái, phụ xe, nên tình trạng mạnh xe nào xe đó chạy đang diễn ra, dẫn đến việc nhiều xe chạy sai lộ trình, vòng vo, dừng đỗ đón trả khách sai quy định không chỉ trước các cửa bến xe, mà trên suốt tuyến xe chạy.

Nhân viên bến xe Mỹ Đình hướng dẫn xe xuất bến.

Thêm vào đó, công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải của các DN gần như bị buông lỏng, hiện tượng xe không có sổ nhật trình hoặc có thì sửa chữa, không có phù hiệu chạy tuyến cố định, xe chạy lệch lộ trình… diễn ra tràn lan. Thực trạng này chính là sự phớt lờ Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT (ngày 31/8/2010) của Bộ GTVT quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã nêu rõ: Bến xe có trách nhiệm kiểm tra sổ nhật trình, nếu biển kiểm soát và lái xe không đúng sổ nhật trình thì bến xe có quyền không cho xe xuất bến.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý, nhưng tình trạng xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các tuyến đường. Ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng lộn xộn ở cổng các bến xe hay việc chạy vòng vo, dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định, xe khách nối đuôi nhau thành hàng dài. Thậm chí, các xe khách còn thản nhiên “vợt” khách dọc đường giữa dòng phương tiện đang lưu thông, bất chấp sự an toàn của nhà xe và hành khách ngồi trên xe. Mục sở thị các bến xe Phạm Hùng, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng… tình hình giao thông liên quan đến xe khách hết sức lộn xộn, nhất là việc nhiều DN vận tải cùng xin phép đăng ký khai thác trên một lộ trình đã kéo theo nhiều hệ lụy như: Vượt ẩu, tranh giành khách, bất chấp các quy định về ATGT. Thậm chí nhiều xe còn chấp nhận bị xử phạt, nhằm “vợt” đủ khách mới cho xe lăn bánh.

Bình quân mỗi ngày, tần suất xe xuất tại các bến xe của Hà Nội khoảng 3.500 xe, với hơn 500 tuyến chạy, nhưng thực tế số đầu xe báo cáo hoạt động tại các bến lên tới khoảng 4.500 xe, với gần 550 tuyến chạy, cao hơn nhiều so với con số báo cáo. Tuy nhiên, tình trạng các bến xe “đất chật người đông”, lại ngày càng bị thu hẹp, hạ tầng các bến xe hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu cho lượng xe khách hiện có, khiến tình trạng hoạt động lộn xộn của xe khách ngày càng diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc.

Việc buông lỏng quản lý xe khách nêu trên còn đưa tới một nghịch lý nữa là tình trạng lái xe vi phạm đang được “thả nổi”. Việc đào tạo, giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ lái xe không được quan tâm đúng mức. Nhiều DN, chủ xe đã quá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe, thậm chí tuyển dụng cả lái xe điều khiển loại xe không đúng yêu cầu theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; thậm chí có DN sa thải lái xe, nhưng sau đó DN khác lại nhận vào. Trong khi đó, do sức ép về lợi nhuận, thu nhập, thời gian quay vòng xe, nhiều lái xe sẵn sàng chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách... Và hậu quả là khi xảy ra tai nạn, chỉ có lái xe chịu trách nhiệm, xe hỏng hóc đã có bảo hiểm, chủ xe vô can, còn bến xe chỉ có trách nhiệm phát hiện và xử lý những trường hợp xe khách chạy sai sổ nhật trình, mà không chịu trách nhiệm gì về các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thiếu trang thiết bị an toàn, lái xe điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe... đăng ký hoạt động tại bến.

Chấn chỉnh doanh nghiệp

Trước tình trạng hàng loạt vụ TNGT thảm khốc do xe khách gây ra từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương yêu cầu kiểm tra ngay các đơn vị vận tải có phương tiện gây ra TNGTvà DN vận tải chịu quản lý. Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm này, các sở GTVT cũng không nắm rõ và không cung cấp được đầy đủ thông tin liên quan đến các vụ TNGT, cũng như số lượng DN vận tải thuộc địa phương mình.

Nghị quyết 88/NQ-CP (ngày 24/8/2011) của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đề ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô như: Kiên quyết không cho xuất bến các xe vi phạm quy định, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp lái xe chở khách, ô tô tải vi phạm quy định, tốc độ, sử dụng rượu bia, chở quá tải… Song, đối diện với thực tế tình hình TNGT hiện nay, nhiều chuyên gia đồng tình cần phải kiểm soát và xử lý mạnh tay hơn nhằm vào DN vận tải, chủ xe. Vì khi xe gây tai nạn, không thể xử lý riêng lái xe theo pháp luật, mà phải xử lý nghiêm cả DN vận tải và chủ xe để tránh tình trạng bỏ lọt trách nhiệm trước thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản do tắc trách và ham lợi nhuận.

Có thể thấy rõ sau các vụ TNGT thời gian gần đây, sau quá trình điều tra, nguyên nhân của các vụ tai nạn xe khách gia tăng, lỗi trực tiếp là do lái xe, nhưng gián tiếp do chủ xe khoán doanh thu cho lái xe, lời ăn lỗ chịu, nên lái xe phóng nhanh, vượt ẩu. Nhưng trong quá trình xử lý đã “quên mất” trách nhiệm chủ xe. Thực tế này đã tạo điều kiện cho nhiều DN, chủ xe tư nhân bùng phát hoạt động vận tải bằng xe khách dễ dàng, thu lợi nhuận trực tiếp, không chịu sức ép quản lý của cơ quan nào, còn khi xảy ra tai nạn thì phó mặc.

Mặc dù các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp siết chặt vi phạm và giảm tai nạn xe khách, nhưng những nỗ lực đó dường như đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề, nhất là công tác buông lỏng quản lý, giám sát DN và ý thức lái xe. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng: Hiện nay, phải chấn chỉnh mạnh tay các DN vận tải mới có thể xử lý nghiêm được vi phạm xe khách. Cần phải đánh vào túi tiền của DN, bởi túi tiền nằm ở chính phương tiện mà DN sở hữu và quản lý. Thực hiện giải pháp này, Sở GTVT Hà Nội đang tập trung phối hợp với lực lượng công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các xe khách liên tỉnh vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ ngay tại các bến xe; trong đó tập trung vào rà soát biểu đồ tần suất chạy xe của các DN.