09:00 20/09/2011

Trà Vinh: Đồng bào Khmer đón lễ Sêne Đolta với niềm vui mới

Sêne Đolta là một trong ba lễ chính hàng năm của người Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Okombok và Chôl Chhnam Thmây) được tổ chức định kỳ hàng năm. Riêng năm nay, hơn 300.000 người Khmer sinh sống tại Trà Vinh đón lễ Sêne Đolta (diễn ra trong 3 ngày từ 26 - 28/9) với nhiều niềm vui mới.

Sêne Đolta là một trong ba lễ chính hàng năm của người Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Okombok và Chôl Chhnam Thmây) được tổ chức định kỳ hàng năm. Riêng năm nay, hơn 300.000 người Khmer sinh sống tại Trà Vinh đón lễ Sêne Đolta (diễn ra trong 3 ngày từ 26 - 28/9) với nhiều niềm vui mới. Bởi phần lớn các hộ làm nông nghiệp vừa giành thắng lợi khá toàn diện trong vụ lúa hè thu và vụ nuôi tôm sú chính vụ năm 2011. Riêng đối với các hộ Khmer nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề... niềm vui như được nhân lên gấp bội.

Đồng bào Khmer tại Trà Vinh đón lễ Sêne Đolta trong niềm vui vừa giành thắng lợi vụ lúa hè thu và vụ nuôi tôm sú. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh

Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992) đến nay, Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc của Đảng đi vào cuộc sống. Trong đó, đáng kể nhất là từ khi có chính sách ưu đãi đầu tư, trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu của Chính phủ từ Chương trình 135, 35, 134... hàng loạt hạng mục, công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi (điện, đường, trường, trạm) được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Toàn tỉnh hiện có trên 600 km đường láng nhựa và trên 1.500 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, giao thông liên ấp, liên xã thông suốt, cơ bản xóa cầu tạm bợ, thay bằng cầu bê tông cốt thép. 100% xã có điện hạ thế, với 90,03% hộ Khmer sử dụng điện. Trên 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người từ 5,3 triệu đồng/người/năm 2003, tăng lên 14,9 triệu đồng/người/năm 2010.

Sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer hiện nay là 2 vụ lúa, có nơi 2 vụ lúa - 1 vụ màu, hoặc 3 vụ lúa/năm, với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích từ 28,5 triệu đồng/ha năm 2003 lên 45 triệu đồng/ha năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer bình quân hàng năm giảm 4%, hiện còn 30.238 hộ Khmer nghèo, chiếm 40,34% so với tổng số hộ Khmer và chiếm 51,99% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Việc thực hiện Chương trình 135, 134, Quyết định 74, Quyết định 167, Quyết định 289, Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình lồng ghép, đã mang lại hiệu quả thiết thực, cơ bản giải quyết nhà ở cho các hộ Khmer nghèo, với trên 40.000 căn nhà; gần 23.000 hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng ở tận các phum sóc, hầu hết trẻ con đồng bào dân tộc đến tuổi đi học được cắp sách đến trường. Các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh người dân tộc cao đều thực hiện dạy song ngữ (Việt - Khmer); 7 trường dân tộc nội trú (1 trường cấp tỉnh, 6 trường cấp huyện) hiện có khoảng 1.600 học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12 và hiện có khoảng 1.200 sinh viên đang theo học các trường ĐH, CĐ và THCN.

Toàn tỉnh hiện có 500/804 ấp, khóm, 21/104 xã, phường, thị trấn văn hóa và 1.080 cơ quan, trường học, chợ, cơ sở tín ngưỡng văn minh. Hiện có 61/104 Đảng bộ xã, phường, thị trấn có từ 20% là người dân tộc trở lên. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 100% ấp, khóm có chi bộ, đảng viên là người tại chỗ; trong đó, có 396 chi bộ ấp, khóm có đảng viên Khmer. Trong tổng số 31.588 đảng viên toàn tỉnh, có 4.586 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 14,51%; trên 34% hội viên, đoàn viên là người Khmer được tập hợp vào các tổ chức chính trị - xã hội...

Hòa thượng Thạch Sok Xane, sư cả chùa ANGKORAJAB OREY (chùa Âng), Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh nhận định: “Diện mạo, đời sống kinh tế, tinh thần vùng đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc; cán bộ dân tộc luôn được quan tâm, con em dân tộc được chăm lo học tập... Sư sãi và Phật tử trong tỉnh rất phấn khởi trước sự phát triển khá toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thông qua các chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc đưa các chính sách dân tộc đi vào cuộc sống và nguyện chung tay cùng với các dân tộc anh em xây dựng quê hương đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi khối đại đoàn kết dân tộc”.

Huy Hoàng