02:23 08/02/2012

Trả lại tên cho em

Kể từ vòng 5 các giải bóng đá chuyên nghiệp 2012 phải giữ nguyên tên gọi cũ là Giải vô địch quốc gia Eximbank 2012 (V.League Eximbank 2012) và Giải bóng đá hạng nhất quốc gia - Cúp Tôn Hoa sen 2012.

Kể từ vòng 5 các giải bóng đá chuyên nghiệp 2012 phải giữ nguyên tên gọi cũ là Giải vô địch quốc gia Eximbank 2012 (V.League Eximbank 2012) và Giải bóng đá hạng nhất quốc gia - Cúp Tôn Hoa sen 2012. Đây là một trong những nội dung quan trọng của công văn do Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ ký gửi Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) chiều 7/2.

Với công văn trên, xem như các tên gọi mới cho các giải bóng đá chuyên nghiệp mùa bóng 2012 mà VPF đặt, đã không được thừa nhận. Công văn của VFF khởi nguồn từ văn bản của Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu VFF chấn chỉnh công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Theo quan điểm của Tổng cục Thể dục Thể thao, tên giải đấu phải thể hiện bản sắc Việt Nam. Do vậy, cái tên Super League không có một chút nào gọi là “bản sắc Việt Nam” cả, bởi nó hoàn toàn là cái tên tiếng Anh (theo ý hiểu là giải ngoại hạng).

Kể từ vòng đấu thứ 5, Super League chính thức mang tên V.League Eximbank 2012.

Việc VPF đặt tên cho giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam là Super League, mà không có chữ Việt Nam, là khó chấp nhận. Trên thế giới, trừ các giải đấu đã trở thành thương hiệu toàn cầu như Premier League, Serie A, La Liga hay Bundesliga, nói đến là người ta biết ngay đó là giải Ngoại hạng Anh, Italia, Tây Ban Nha hay Đức. Còn các giải khác thì đều có tên viết tắt của từng quốc gia. Chẳng hạn như J.League (Japan League của Nhật Bản), K.League (Korea League của Hàn Quốc), T.League (Thái League) hoặc viết đầy đủ như China Super League (giải VĐQG chuyên nghiệp Trung Quốc). Vì thế, khi Super League xuất hiện ở bóng đá trong nước, dư luận đã ì xèo, vì xét trên nhiều phương diện, bóng đá Việt Nam chưa thể xứng với tên gọi như vậy. Hơn nữa, tên gọi V.League đã quá quen thuộc với các cổ động viên, các huấn luyện viên, cầu thủ, và tên gọi đó mới nói lên được đó là giải bóng đá của Việt Nam.

Khi nhận được văn bản của VFF, nội bộ lãnh đạo của VPF cũng có ý kiến khác nhau. Với Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Nguyễn Đức Kiên, người khởi xướng tên gọi của giải, thì kiên quyết giữ quan điểm: Super League là hợp lý hơn cả. Cũng theo ông Kiên, khi được chuyển giao quyền tổ chức các giải bóng đá trong nước (bắt đầu từ mùa giải 2012), lãnh đạo các câu lạc bộ đều thống nhất đặt tên cho giải đấu cao nhất Việt Nam là Super League. Hơn nữa, trước khi cái tên Super League được Đại hội cổ đông thông qua, VPF đã xin phép Tổng cục Thể dục Thể thao. Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF, kiêm Tổng Giám đốc VPF cũng cho rằng, tuy chấp nhận việc giữ nguyên tên gọi cũ trong công văn gửi cấp có thẩm quyền, VPF cũng đã giải thích rất chi tiết là tại sao nên đổi từ V.League sang Super League.

Quan điểm của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF có phần mềm mỏng hơn. Theo ông Thắng, chỉ đạo của Tổng cục Thể dục Thể thao về việc đổi tên từ Super League về lại tên cũ là V.League cũng rất hợp lý, cần phải được tôn trọng.

Qua công văn mà Tổng cục Thể dục Thể thao gửi VFF, thì dư luận mới vỡ lẽ: Điều lệ của VPF vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước thông qua, mặc dù các giải bóng đá trong nước đã qua 4 vòng đấu. Điều đó cũng đồng nghĩa, Cúp Quốc gia, giải hạng Nhất Quốc gia và giải Vô địch quốc gia đang diễn ra trong tình trạng chưa có điều lệ thi đấu một cách hợp lệ, đúng luật pháp.

Khi được hỏi, tại sao Tổng cục Thể dục Thể thao lại không thông qua Điều lệ mùa giải 2012 và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do VPF trình, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: Tổng cục Thể dục Thể thao không thể thông qua hai văn bản nói trên, bởi theo Luật Thể dục Thể thao, điều lệ giải phải do Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phê duyệt. Với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng vậy, văn bản này phải được VFF trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành sau khi đã được Ban Chấp hành VFF thông qua. Hơn nữa, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do VPF trình còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế bóng đá Việt Nam hiện nay. Ở thời điểm đó (tháng 12/2011), mùa giải đã đến lúc cần phải khai mạc, nên Tổng cục Thể dục Thể thao đã chấp thuận để VPF sử dụng Điều lệ giải và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ban hành năm 2011 để điều hành các giải đấu. Mà theo Điều lệ mùa giải 2011, tên gọi của giải vô địch quốc gia phải là Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (viết tắt là V.League).

Thế nên, công văn của Tổng cục Thể dục Thể thao chỉ đạo phải nhanh chóng trả lại tên cho giải là thể hiện tính đúng đắn trong việc đặt tên của giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam.

Yến Nhi